Các trung tâm kinh tế phải đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư

(ĐTTCO) - Ngày 26-5, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phát triển vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ). Chính phủ cũng sẽ có nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển vùng KTTĐ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh minh họa: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh minh họa: VGP

Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, trong giai đoạn 2011-2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của 4 vùng KTTĐ bình quân mỗi năm tăng 7,25%. Quy mô GRDP của 24 địa phương thuộc 4 vùng KTTĐ so với GDP của cả nước ở mức trên 70%. Hà Nội và TPHCM là 2 cực tăng trưởng quan trọng của cả nước, đóng góp vào tăng trưởng chung cả nước bình quân năm trong giai đoạn 2011-2019 tương ứng đạt 13,08% và 19,9%.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, vùng KTTĐ là cực tăng trưởng quan trọng của đất nước, do đó Bộ KH-ĐT phối hợp với các bộ ngành, địa phương cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh nằm trong quy hoạch tổng thể quốc gia.

Yêu cầu là phải triển khai sớm, làm kỹ, rà soát đầy đủ trên các lĩnh vực để khắc phục cho được những vướng mắc hiện nay. Các tỉnh thành trong vùng KTTĐ phải đi đầu trong phục hồi phát triển kinh tế sau dịch, đặc biệt là thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn, các công ty xuyên quốc gia có năng lực công nghệ hàng đầu, đứng đầu các chuỗi giá trị. 

Thủ tướng cũng lưu ý, trong kinh tế vùng cần đặc biệt quan tâm đến hạ tầng khu vực ĐBSCL, nhất là sớm triển khai một số tuyến cao tốc đã quy hoạch. Về cơ cấu lại kinh tế vùng, thu hút đầu tư, các hội đồng vùng, từng địa phương cần tận dụng cơ hội từ việc đã kiểm soát, chống dịch Covid-19 thành công, đi trước các nước để thu hút đầu tư mạnh mẽ, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Các vùng KTTĐ, nhất là các trung tâm kinh tế, phải là những điểm thu hút đầu tư, đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư khu vực và toàn cầu; phải biến thách thức thành cơ hội; không được gây khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; có chính sách ưu đãi hỗ trợ về tín dụng, điện, nước, kết cấu hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics, đặc biệt là nhân lực, để phục vụ nhu cầu của các dự án quy mô lớn, công nghệ cao”. 


Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT đề xuất cơ chế chính sách, giải pháp cho vùng KTTĐ mang tính đặc thù, vượt trội, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế để đạt mục tiêu này. Đồng thời bộ rà soát, đề xuất Chính phủ cơ chế phù hợp để các địa phương trong vùng KTTĐ tận dụng được tiềm năng, thế mạnh, không cạnh tranh lẫn nhau, làm suy yếu nhau.

Các tin khác