Biến đổi khí hậu, định hình lại kinh tế toàn cầu

(ĐTTCO)-Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden khai mạc Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến 2 ngày về khí hậu với sự tham gia của lãnh đạo 40 quốc gia, nhiều tổ chức quốc tế, cá nhân có ảnh hưởng lớn nhận định đây là tín hiệu “thay đổi cuộc chơi”, và kinh tế toàn cầu sẽ định hình lại.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc họp trực tuyến Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc họp trực tuyến Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu.
Biến số ngày càng quan trọng
Năm 1955, nhà kinh tế học Simon Kuznets công bố công trình nghiên cứu về mối tương quan giữa thu nhập bình quân đầu người (GNP) và sự xuống cấp của môi trường. Theo đó, trong giai đoạn GNP bắt đầu tăng, môi trường sẽ xuống cấp nhanh, nhưng sau đó khi GNP cao, môi trường lại được cải thiện dần.
Công trình này của Kuznets đã ảnh hưởng rất lớn đến các nghiên cứu và chính sách kinh tế liên quan đến môi trường. Điều này có thể quan sát được khi đời sống, thể hiện qua mức thu nhập, của hộ gia đình tăng, các ưu tiên về chất lượng cuộc sống sẽ tăng, trong đó dĩ nhiên có các yếu tố về môi trường sống xanh, trong lành, gần gũi với thiên nhiên.
Trong báo cáo vừa công bố ngày 22-4, Tập đoàn tái bảo hiểm hàng đầu thế giới Swiss Re, nhận định GDP toàn thế giới sẽ mất 18% do biến đổi khí hậu (BĐKH) nếu không có hành động gì.
Phân tích chỉ số chịu đựng (stress test) của 48 nền kinh tế, đại diện cho 90% kinh tế toàn cầu, đến năm 2050 thiệt hại tính theo GDP sẽ có những kịch bản: 18% nếu không có hành động gì (tăng 3,2°C); 14% nếu một số hành động giảm thiểu được thực hiện (tăng 2,6°C); 11% nếu có thêm các hành động giảm thiểu (tăng 2°C); và 4% nếu Thỏa thuận Paris thực hiện được (dưới 2°C).
Các nền kinh tế cũng bị thiệt hại khác nhau từ ảnh hưởng của BĐKH. Các nước ở khu vực châu Á sẽ bị nặng nề nhất, trường hợp Trung Quốc lên đến 24% GDP trong tình huống xấu nhất, trong khi với hoàn cảnh tương tự Mỹ bị mất 10% và châu Âu khoảng 11%.
Dự báo đến năm 2050, dân số toàn cầu sẽ vào khoảng 10 tỷ người, phần lớn lại tập trung vào những khu vực chịu ảnh hưởng lớn của BĐKH.

Chính sách các nước lớn
Vấn đề môi trường, BĐKH trở thành tâm điểm của toàn thế giới qua Hội nghị thượng đỉnh COP21 được tổ chức tại Pháp năm 2015. Thỏa thuận Paris được coi là thành công lớn lúc đó, mang lại nhiều hy vọng cho những người ủng hộ.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề chưa thống nhất được giữa các nền kinh tế lớn, đây lại chính là những nơi có lượng khí thải carbon lớn như Mỹ, Trung Quốc.
Vấn đề BĐKH dường như vào ngõ cụt khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump không ủng hộ COP21, rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận vào tháng 6-2017. Vì thế, những người ủng hộ COP21 đã rất vui mừng khi ông Joe Biden chỉ một thời gian rất ngắn sau khi nhậm chức, đã ký quyết định để Mỹ quay trở lại COP21. 
Nhưng Mỹ hay châu Âu không thể quyết định được hết “cuộc chơi”. Trung Quốc là nền kinh tế có lượng phát thải nhiều nhất toàn cầu. Kế hoạch của họ là trung hòa lượng khí thải vào năm 2060, với mức thải đạt đỉnh vào năm 2030.
Trong khi Mỹ và châu Âu lại muốn rút ngắn lại vào năm 2025. Việc thực hiện các thỏa thuận liên quan đến BĐKH còn gặp trở ngại lớn với ngành năng lượng hóa thạch, đặc biệt là dầu mỏ.
Các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nguồn tài nguyên này như Mỹ, Canada, Anh, Na Uy và các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC có thể có những tối hậu thư riêng của mình nếu ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích riêng của họ. 
Gần đây các NHTW Mỹ (Fed), Anh (BoE), châu Âu (ECB), Nhật Bản (BoJ) đã lên tiếng ủng hộ vấn đề BĐKH, xem BĐKH là rủi ro lớn đối với sự ổn định tài chính toàn cầu. Ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed, đã khẳng định trước Ủy ban Tài chính của Hạ viện Mỹ rằng Fed đã thành lập một ủy ban riêng, giám sát sự ổn định của hệ thống tài chính dưới sự tác động của BĐKH.
BoE, ECB hay BoJ cũng cho biết các định chế này đã thành lập các đơn vị chuyên trách để nghiên cứu, theo dõi BĐKH. Các NHTW này cũng yêu cầu các định chế tài chính lớn như ngân hàng, bảo hiểm thêm rủi ro BĐKH vào các mô hình tính toán, dự báo rủi ro của mình.
Hàm ý với Việt Nam
Khi vấn đề BĐKH được chính phủ, NHTW các nền kinh tế lớn đưa vào danh sách ưu tiên, việc thực hiện các chính sách dĩ nhiên đi kèm với các khoản tài chính khổng lồ, và điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc định hình lại kinh tế toàn cầu trong những năm tới.
Tại Mỹ, kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng lên đến 2.300 tỷ USD sẽ dành phần không nhỏ cho nền kinh tế xanh, tức các lĩnh vực kinh tế thân thiện với môi trường, ít khí thải carbon.
Bên cạnh đó, các khoản hỗ trợ thuế cho ngành năng lượng hóa thạch hàng năm khoảng 4 tỷ USD sẽ bị cắt. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen cũng cho rằng khu vực tư nhân của Mỹ cần đầu tư thêm khoảng 2.500 tỷ USD trong vòng 10 năm tới để cùng chung tay với chính phủ.
Tương tự, với châu Âu các khoản đầu tư khổng lồ sẽ làm thay đổi mạnh mẽ một số ngành nghề lĩnh vực nào đó. Một số ngành sẽ gặp khó khăn, lao động bị mất việc làm, nhưng sẽ có một số ngành được hưởng lợi, nhu cầu lao động tăng và sự dịch chuyển sang nền kinh tế xanh được tăng tốc.
Năng lượng tái tạo, xe điện, công nghệ pin, nguyên vật liệu mới thân thiện môi trường, các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải… sẽ là những lĩnh vực có tăng trưởng và mức đóng góp vào nền kinh tế ngày càng tăng. Các vấn đề về môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp (ESG) cũng được châu Âu ngày càng quan tâm.
Trường hợp một số nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á và phụ thuộc nhiều xuất khẩu như Việt Nam, các chính sách về BĐKH của các nước lớn cần được theo dõi chặt chẽ vì tác động của nó không nhỏ.
Thứ nhất, Việt Nam có nguy cơ cao từ rủi ro BĐKH, nên các chương trình hợp tác, hỗ trợ từ các nước phát triển sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các bên.
Thứ hai, các đối tác nhập khẩu lớn như Mỹ, châu Âu sẽ chú trọng nhiều đến các chỉ tiêu môi trường trong sản phẩm, nhu cầu các sản phẩm gắn liền với kinh tế xanh sẽ tăng cao, Việt Nam cần tìm vị trí của mình trong chuỗi giá trị mới. 
Thứ ba, việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài, dù trực tiếp hay gián tiếp, cũng cần đẩy mạnh nhanh các yếu tố gắn liền môi trường, BĐKH. Các tập đoàn sản xuất lớn khi phải theo chính sách mới ở thị trường của họ, nơi đặt các nhà máy cũng cần có độ tương thích nhất định.
Các quỹ đầu tư nước ngoài cũng sẽ ưu tiên đầu tư vào các doanh nghiệp niêm yết lớn ở Việt Nam có điểm số ESG cao, hay các dự án vay quốc tế sẽ thuận lợi hơn nếu gắn liền với môi trường hay BĐKH.

Các tin khác