Báo cáo PAPI 2020: Người dân lo ngại nhiều hơn về y tế

(ĐTTCO) - Ngày 14-4, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam chủ trì tổ chức.
Báo cáo PAPI 2020: Người dân lo ngại nhiều hơn về y tế
Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2020 phản ánh đánh giá về hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ công của các cấp chính quyền với 14.732 người dân được chọn ngẫu nhiên trong dân cư Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, với đặc điểm nhân khẩu đa dạng.
Trong báo cáo PAPI 2020, có 8 địa phương dẫn đầu cả nước về các chỉ số nội dung của PAPI năm 2020 gồm Thái Nguyên (tham gia người dân cấp cơ sở), Quảng Ninh (công khai minh bạch), Quảng Bình (trách nhiệm giải trình với người dân), Quảng Ninh (kiểm soát tham nhũng khu vực công), Trà Vinh (thủ tục hành chính công), Đồng Tháp (quản trị môi trường) và Đà Nẵng (quản trị điện tử).
Mặc dù Việt Nam thành công trong kiểm soát đại dịch Covid-19 trong năm 2020, những phát hiện nghiên cứu trong báo cáo này cũng chỉ ra tác động của đại dịch tới người dân. 
Theo đó, mối quan ngại về đói nghèo vẫn ở mức cao nhất, mặc dù tỷ lệ người trả lời cho rằng đây là vấn đề cần Nhà nước ưu tiên tập trung giải quyết giảm xuống còn 18%, mức thấp nhất kể từ năm 2015. 
Bên cạnh đó, mối quan ngại về y tế, bảo hiểm y tế và tăng trưởng kinh tế tăng lên đột biến. Tỷ lệ người trả lời quan ngại về tăng trưởng kinh tế của đất nước tăng từ 10% lên 13%, và tỷ lệ người quan ngại về y tế, bảo hiểm y tế tăng từ 2% năm 2019 lên 17% năm 2020. 
Mối quan ngại về tăng trưởng kinh tế của đất nước nói chung cũng phản ánh nỗi lo lắng của người dân về hiện trạng kinh tế hộ gia đình, rất có thể do tác động của đại dịch Covid-19.
Nhìn chung, mức độ hài lòng với điều kiện kinh tế hộ gia đình năm 2020 giảm xuống tới mức thấp nhất trong 5 năm qua, đồng thời đánh giá của người dân về nền kinh tế của Việt Nam nói chung ở mức bi quan nhất trong 3 năm qua. 
Lần đầu tiên sau 10 năm, tỷ lệ người dân cho biết tình hình kinh tế hộ gia đình của họ ở mức khá và rất khá giảm đi. Mức độ lạc quan với nền kinh tế của Việt Nam cũng giảm mạnh, thể hiện qua việc số người cho rằng tình hình kinh tế của đất nước hiện nay ở mức kém tăng lên đáng kể so với 2 năm trước.
Đánh giá về những vấn đề đáng quan ngại nhất năm 2020 cũng có sự khác biệt giữa phụ nữ và nam giới. Phụ nữ quan ngại hơn với những vấn đề như giảm nghèo, y tế và giáo dục. Nam giới quan ngại hơn về các vấn đề tăng trưởng kinh tế, an ninh, tranh chấp biển Đông và tham nhũng.
Sự khác biệt mang hàm ý chính sách quan trọng trong việc đề cử và bầu chọn người đại diện của công dân trong các cơ quan dân cử trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2021.

Các tin khác