Bài toán GDP và nợ công

(ĐTTCO)-Nền kinh tế Việt Nam và thế giới đang suy trầm do đại dịch Covid-19. Riêng Việt Nam ngoài mấy đợt dịch bệnh còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai như hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nam bộ và hiện là lũ lụt khốc liệt ở miền Trung, khiến người dân và nền kinh tế điêu đứng. 
Tuy nhiên GDP 9 tháng vẫn tăng trưởng dương 2,12%, trong khi hầu hết quốc gia trên thế giới tăng trưởng âm. Vậy GDP tăng trưởng do đâu? 
Nhìn GDP từ phía cầu bao gồm tiêu dùng cuối cùng, đầu tư và chênh lệch xuất nhập khẩu. Theo báo cáo của cơ quan Thống kê, 9 tháng năm 2020 tiêu dùng cuối cùng (bao gồm tiêu dùng cuối cùng của dân cư và tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước) giảm 3%, trong khi tiêu dùng cuối cùng chiếm tỷ trọng lớn trong GDP (82%).
Chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ chỉ chiếm trong GDP khoảng 3%. Còn nhân tố đầu tư tăng xấp xỉ khoảng 5%, mà cơ bản do đầu tư công tăng đột biến khi 9 tháng tăng 13% (9 tháng năm 2018 và 2019 tăng trưởng vốn đầu tư khu vực này chỉ 3%). 
Trong khi đó, tăng trưởng vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước 9 tháng 2020 chỉ 2,8% (9 tháng năm 2018 và 2019 tăng trưởng 18% và 17%); tăng trưởng vốn đầu tư khu vực FDI -3,5% (năm 2018 và 2019 là 9,1% và 8,4%).
Như vậy, tăng trưởng GDP 9 tháng qua dựa vào đầu tư công cần được kiểm soát và nâng cao hiệu quả đầu tư, nếu không chỉ vì thành tích tăng trưởng GDP có thể gây ra những rủi ro trong những năm sau, như lạm phát và nợ công tăng cao. 
Đáng chú ý, theo sách Trắng về doanh nghiệp Việt Nam được công bố bởi Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tỷ suất lợi nhuận trên vốn của khu vực doanh nghiệp nhà nước 2,2%, thấp hơn lãi suất ngân hàng khá nhiều; tỷ lệ giá trị tăng thêm so với doanh thu thuần của khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ 12%; tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tăng từ 3,1 : 1 (1 đồng vốn chủ sở hữu có 3,1 đồng vốn vay) năm 2011 lên 4,2 : 1 (1 đồng vốn chủ sở hữu có 4,2 đồng vốn vay) năm 2018.
Số liệu về vốn đầu tư và tích lũy tài sản của Tổng cục Thống kê, cho thấy tỷ lệ giữa tích lũy tài sản (đầu tư) và vốn đầu tư ngày càng cách xa nhau. Nếu năm 2010 chênh lệch này 7%, năm 2019 tỷ lệ này đã xấp xỉ 21%, cho thấy khoản tiền của xã hội nhằm mục đích đầu tư đi vào sản xuất để tạo ra tài sản (tài sản cố định và thay đổi tồn kho) ngày càng nhỏ. 
Với hiệu quả đầu tư, đặc biệt đầu tư công như vậy, sẽ khiến Chính phủ khó khăn về nguồn trả nợ. Theo số liệu về dự toán ngân sách năm 2020, trả nợ lãi và gốc chiếm 24% tổng thu, đây là tỷ lệ tương đối lớn.
Nhưng với tình hình cố chạy theo thành tích tăng trưởng GDP như hiện nay, có thể dẫn đến những rủi ro rất lớn về nợ công. 
Bài toán GDP và nợ công ảnh 2
Theo báo cáo về nợ công 2020 và dự kiến 2021 vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội, hàng loạt thách thức cho năm 2021 và giai đoạn tới đã được chỉ ra. Nợ công năm 2020 dự kiến vượt 3,63 triệu tỷ đồng và nghĩa vụ trả nợ cả gốc lẫn lãi khoảng trên 360.000 tỷ đồng.
Với dân số khoảng 97,5 triệu người của năm 2020, trung bình mỗi người dân gánh 37 triệu đồng nợ công. Năm 2020, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ nước ngoài so với xuất khẩu xấp xỉ 35%, vượt gần 10% so với mức Quốc hội cho phép. 
Theo dự toán ngân sách và phân bổ dự toán ngân sách năm 2021 đang trình Quốc hội khóa 14 tại kỳ họp thứ 10, Chính phủ phải vay khoảng 579.772 tỷ đồng để cân đối ngân sách trung ương, bao gồm vay bù đắp bội chi ngân sách khoảng 318.870 tỷ đồng; vay để trả nợ gốc của ngân sách khoảng 260.902 tỷ đồng. Như vậy, tới năm 2021, nợ công sẽ vượt mốc 4 triệu tỷ đồng, với nghĩa vụ trả nợ ngày càng lớn. 
Trong giai đoạn tới, các khoản vay từ Ngân hàng Thế giới kể từ tháng 7-2021 và từ Ngân hàng Phát triển châu Á kể từ năm 2023, sẽ bắt đầu áp dụng điều khoản trả nợ nhanh, kỳ hạn trả nợ gốc rút ngắn còn một nửa so với điều kiện vay ban đầu.
Các khoản vay ODA sẽ giảm dần, tiến đến kết thúc trong 5 năm tới, dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn vay dài hạn, ưu đãi cao cho đầu tư phát triển.

Các tin khác