Áp lực FDI giảm sút

Năm 2013, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 21,6 tỷ USD, tăng 54,5% so với năm 2012 và vượt xa mục tiêu 12-15 tỷ USD đề ra ban đầu. Thế nhưng, những tháng đầu năm 2014, dòng vốn này bỗng nhiên sụt giảm mạnh.

Năm 2013, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 21,6 tỷ USD, tăng 54,5% so với năm 2012 và vượt xa mục tiêu 12-15 tỷ USD đề ra ban đầu. Thế nhưng, những tháng đầu năm 2014, dòng vốn này bỗng nhiên sụt giảm mạnh.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), vốn FDI cấp mới và đăng ký tăng thêm trong quý I-2014 là 3,33 tỷ USD, chỉ bằng 50,4% so với cùng kỳ năm 2013.

Nguyên nhân khiến thu hút FDI giảm gần một nửa được cơ quan quản lý xác định do trong 3 tháng đầu năm không có những dự án FDI lớn (trong khi quý I-2013 có dự án của Công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên tổng vốn 2 tỷ USD, dự án của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn điều chỉnh tăng vốn 2,8 tỷ USD...).

Việc FDI giảm mạnh đột ngột khiến nhiều người không khỏi nghi ngại, nhất là trong bối cảnh gần đây có một số cảnh báo về môi trường đầu tư của Việt Nam ngày càng kém hấp dẫn.

Theo một khảo sát được Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây, năm 2013 trong số doanh nghiệp FDI được khảo sát có đến 54% doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào Trung Quốc, Thái Lan, đặc biệt là Campuchia và Lào... thay vì con số 32% như thời điểm năm 2011 và 2012. Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài được khảo sát cũng xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam ngang bằng với Campuchia và Lào, trong khi tham nhũng và gánh nặng quy định pháp luật Việt Nam bị đánh giá hơn 2 nước này.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết đang có nhiều nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hoa Kỳ quan tâm đầu tư và mở rộng đầu tư tại  Việt Nam. Nhưng nhà đầu tư cũng bày tỏ quan ngại về môi trường kinh doanh, nhất là về thủ tục hành chính, hải quan, thuế và cấp phép. Phó Thủ tướng cho rằng nếu không thúc đẩy mạnh mẽ môi trường đầu tư, chúng ta sẽ khó cạnh tranh được với một số nước trong khu vực như Myanmar, Campuchia…

Ở khía cạnh lạc quan hơn, một số chuyên gia kinh tế cho rằng không nên quá lo lắng về việc vốn FDI sụt giảm, bởi đây chỉ là số liệu trong quý I. Thực tế năm 2013, dự báo ban đầu sẽ khó khăn trong thu hút vốn FDI, nhưng đến cuối năm kết quả lại đạt mức rất cao.

Hơn nữa, điều quan trọng là con số thực hiện, không phải con số cam kết. Trong quý I, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 2,85 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ, là mức tăng khá cao. Một yếu tố khác, cơ cấu đầu tư vẫn có dấu hiệu tích cực.

Trong 3 tháng qua nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 15 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư với 141 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm 2,33 tỷ USD, chiếm 69,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Tuy nhiên, dù nhìn nhận ở khía cạnh nào, việc thu hút vốn FDI giảm tới một nửa cũng là vấn đề đáng để các nhà quản lý suy nghĩ. Có thể tín hiệu suy giảm này không đáng lo, nhưng cũng đủ để thúc đẩy quyết tâm cải cách môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn nữa. Hiện nay, một loạt dự luật về đổi mới thể chế kinh tế như Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi)… đang được chuẩn bị trình ra Quốc hội.

Những kiến nghị từ thực tế của doanh nghiệp về môi trường đầu tư cần được nhìn nhận và tiếp thu vào các dự luật này với một tư duy mới: chuyển từ Nhà nước “điều hành” sang Nhà nước “kiến tạo phát triển”. Có vậy, những vấn đề vướng mắc lâu nay về thủ tục, về phân cấp quản lý đối với nhà đầu tư mới thực sự có hướng tháo gỡ triệt để.

Đáng lưu ý, những bất cập lâu nay trong thu hút FDI đến nay vẫn chưa được giải quyết: chưa đạt được một số mục tiêu về thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn, tỷ lệ doanh nghiệp FDI có công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 5-6%, số còn lại chưa phải là công nghệ hiện đại, chỉ đạt mức độ trung bình của thế giới; chất lượng dự án FDI vẫn ở quy mô nhỏ và vừa, sự tham gia đầu tư theo chuỗi sản xuất của các tập đoàn xuyên quốc gia còn hạn chế; một số doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm môi trường, một số bỏ trốn, một số sử dụng phương thức chuyển giá trốn thuế…

Tháng 8-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 103 về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI. Theo nghị quyết này, để triển khai các giải pháp mới cho FDI trong giai đoạn tới, sẽ có khoảng 60 đề án cần hoàn thành trong giai đoạn 2013-2014. Đây là khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi sự quyết tâm cao. Hy vọng con số thu hút FDI giảm mạnh vừa qua nếu không là động lực cũng là áp lực cho các cơ quan hoạch định chính sách hoàn thành công việc của mình.

Các tin khác