Ấn Độ: “Mắt xích” kinh tế toàn cầu

(ĐTTCO)-Những hình ảnh bị vỡ trận của hệ thống y tế cho thấy mặc dù là một nền kinh tế lớn, nhưng cấu trúc kinh tế và xã hội của Ấn Độ đang có nhiều điểm mong manh. Các định chế tài chính và nhà đầu tư quốc tế đang đánh giá lại khả năng phục hồi và tăng trưởng của Ấn Độ, vì khó khăn của Ấn Độ cũng là cơ hội cho các nền kinh tế khác.
Một trong những thế mạnh của Ấn Độ đó là vận tải đường biển đi toàn cầu.
Một trong những thế mạnh của Ấn Độ đó là vận tải đường biển đi toàn cầu.
Nguy cơ cho “mắt xích” kinh tế 
Là nền kinh tế đông dân thứ hai trên thế giới, Ấn Độ cũng là một đối tác thương mại lớn của nhiều quốc gia khác. Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong năm 2019 Ấn Độ xếp hạng 10 trên toàn thế giới về nhập khẩu hàng hóa cũng như dịch vụ.
Về xuất khẩu hàng hóa, Ấn Độ xếp hạng thứ 18 và xuất khẩu dịch vụ đứng hạng 8. Xét về con số tuyệt đối, năm 2019 nhập khẩu cả hàng hóa và dịch vụ khoảng 665 tỷ USD, còn xuất khẩu là 537 tỷ USD. Đáng lưu ý, Ấn Độ là một quốc gia có giá trị xuất nhập khẩu rất lớn trong lĩnh vực hóa dầu, hóa chất. 
Còn về mảng dịch vụ, Ấn Độ cũng có nhiều ảnh hưởng trong lĩnh vực vận tải quốc tế, nhất là đường biển và đường hàng không. Trong lĩnh vực vận tải đường biển, Ấn Độ có tổng giá trị dịch vụ xuất nhập khẩu năm 2019 khoảng 45 tỷ USD, còn đường hàng không khoảng 42 tỷ USD.
Các dịch vụ thương mại khác mà chủ yếu là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, thương mại điện tử cũng mang lại giá trị kim ngạch trao đổi 2 chiều khoảng 250 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu gần gấp đôi nhập khẩu, vì Ấn Độ nổi tiếng là trung tâm outsourcing của cả thế giới.
Một ví dụ nổi bật nhất gần đây khi làn sóng Covid-19 lần 2 tàn phá Ấn Độ, ngành vận tải đường biển thế giới đã phải lao đao khốn đốn, kéo theo các tuyến vận tải hàng hóa quan trọng bị ảnh hưởng. Lý do vì 80% lượng hàng hóa trao đổi trên thế giới được vận chuyển bằng đường biển, và Ấn Độ là nơi cung cấp rất nhiều thủ thủy cho các hãng tàu biển.
Có những hãng tàu biển lớn, thủy thủ đoàn chiếm tỷ trọng lớn là người Ấn Độ, vì chi phí rẻ và kinh nghiệm đi biển. Khi Covid-19 bùng phát, rất nhiều cảng là nơi trung chuyển hàng hóa lớn từ chối các tàu cập cảng nếu có thủy thủ là người Ấn Độ trên boong tàu, như cách mà Singapore và Ả-rập-Xê-Út đã làm.
Vấn đề khó khăn hơn là các chuyến tàu hàng đường biển kéo dài hàng tháng trời, việc gián đoạn trong việc thay đổi ê-kíp thủy thủ là một điều quá khó khăn cho các hãng vận tải. Sự quá tải của hệ thống y tế Ấn Độ cũng làm chậm đi quá trình xét nghiệm Covid-19 cho các thủy thủ có nhu cầu có giấy chứng nhận là âm tính để có thể tiếp tục công việc.
Là một trung tâm hóa chất lớn, liên quan đến ngành công nghiệp dược phẩm của cả thế giới, làn sóng Covid-19 mất kiểm soát ở Ấn Độ đã và đang ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng thuốc men, dụng cụ y tế của thế giới.
Rất nhiều hãng dược phẩm lớn trên thế giới đặt nhà máy sản xuất ở Ấn Độ, và Ấn Độ cũng là một nhà sản xuất nguyên liệu đầu vào lớn cho cả ngành dược phẩm thế giới.
Thử hình dung nếu một loạt nhà máy ở Ấn Độ bị đóng cửa, các đơn hàng sẽ bị hoãn hay chậm lại, việc đương đầu với Covid-19 ở các nước phát triển cũng sẽ gặp không ít khó khăn.
Ấn Độ: “Mắt xích” kinh tế toàn cầu ảnh 1 Rất nhiều hãng dược phẩm lớn trên thế giới đặt nhà máy sản xuất ở Ấn Độ. Nước này cũng là nhà sản xuất nguyên liệu đầu vào lớn cho cả ngành dược phẩm thế giới. Ảnh:AP
Trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ cũng vậy. Rất nhiều công ty trên thế giới chọn Ấn Độ là nơi đặt các trung tâm dịch vụ khách hàng, bởi vì ngành công nghệ viễn thông, công nghệ thông tin ở một số bang của Ấn Độ rất phát triển, đạt trình độ chuyên nghiệp cao, thêm vào đó là khả năng sử dụng tiếng Anh của lao động có trình độ ở đây.
Rất nhiều tập đoàn ở các nước phương Tây ký hợp đồng phụ (outsourcing) với các công ty Ấn Độ, hay mở công ty (offshoring) trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phát triển phần mềm. Trong trường hợp Covid-19 lan rộng, người lao động không thể tiếp tục làm việc thì các hợp đồng, các dự án đều bị hoãn hay chậm lại, hình thành hiệu ứng domino.

Người khổ, kẻ khó
Làn sóng Covid-19 mất kiểm soát ở Ấn Độ đã và đang ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng thuốc men, dụng cụ y tế của thế giới. Rất nhiều hãng dược phẩm lớn trên thế giới đặt nhà máy sản xuất ở Ấn Độ, và Ấn Độ cũng là một là sản xuất nguyên liệu đầu vào lớn cho cả ngành dược phẩm thế giới.
Trong khu vực châu Á, xét về kinh tế và địa chính trị thì Ấn Độ có một vị trí chiến lược rất quan trọng. Mối quan hệ giữa 2 quốc gia đông dân nhất thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc từ lâu đã không mặn mà với nhau.
Không chỉ cạnh tranh về kinh tế, 2 nước này còn là cán cân quan trọng trong khu vực trong vấn đề Pakistan, Afghanistan. Và dĩ nhiên từ đó có sự liên quan đến Mỹ.
Ảnh hưởng của Ấn Độ ở Mỹ ngày càng lớn, và Mỹ cũng muốn thân thiện với Ấn Độ hơn để kiềm chế Trung Quốc, cũng như trong vấn đề Afghanistan. Trong vòng 20 năm trở lại đây, ảnh hưởng của người Mỹ gốc Ấn trong các tập đoàn công nghệ lớn là rất đáng kể.
Nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt là người Mỹ gốc Ấn. Rồi mới đây Phó Tổng thống cũng là gốc Ấn. Thêm vào đó, có rất nhiều học giả gốc Ấn Độ cũng có ảnh hưởng lớn trong giới khoa bảng, khoa học của Mỹ.
Cho nên khó khăn của Ấn Độ lúc này được giới quan sát cho rằng là lúc Mỹ cần thể hiện sự gắn kết và phát triển mối quan hệ chặt chẽ hơn với Ấn Độ, cũng là cách thể hiện một điều gì đó với Trung Quốc. Còn dĩ nhiên, với một số nước, khó khăn của đối thủ sẽ trở thành lợi thế của mình.
Với Việt Nam, Ấn Độ là một đối tác lâu dài và có nhiều tin cậy. Chỉ riêng trong quý I-2021, thương mại song phương giữa hai nước đã đạt 3,3 tỷ USD, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm trước, và hướng đến mục tiêu 15 tỷ USD.
Sang năm 2022, Việt Nam và Ấn Độ sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước cùng cố gắng triển khai hiệu quả quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giai đoạn 2021-2023. Với Ấn Độ, bên cạnh là đối tác thương mại quan trọng thì Việt Nam còn có những hợp tác an ninh quốc phòng quan trọng.
Trên bản đồ kinh tế và địa chính trị thế giới, Ấn Độ là là một mắt xích hết sức quan trọng. Hầu hết các nước đều mong muốn sự phát triển mạnh và bền vững của Ấn Độ.
Tuy nhiên, Ấn Độ còn nhiều vấn đề nội tại, từ cấu trúc xã hội đến sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền. Trong bối cảnh các nền kinh tế đan xen và phụ thuộc với nhau theo mạng lưới (network) càng nhiều, thì việc mong muốn và hỗ trợ để Ấn Độ sớm vượt qua khó khăn là hết sức cấp bách.
Có một thành ngữ trong tiếng Anh ý nói: “Một người bạn tốt, là người bạn bên cạnh trong lúc mình khó khăn”. Người viết mong rằng những quốc gia là bạn của Ấn Độ nhanh chung tay để hành động mang lại nhiều ý nghĩa hơn.

Các tin khác