4.0 Cuộc cách mạng chính sách và tư duy

(ĐTTCO) - Thế giới ngày nay đang thay đổi nhanh chóng dưới tác động của toàn cầu hóa, sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ theo xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), và Việt Nam không nằm ngoài quy luật của sự thay đổi.
 Nói đến CMCN 4.0 không thể không nói đến kinh tế số, đang làm thay đổi chóng mặt hành vi của người tiêu dùng, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục đổi mới, nếu không muốn bị loại khỏi sân chơi toàn cầu khi thị trường luôn mang tính cạnh tranh cao.
Nhiều mô hình kinh doanh mới đã ra đời và phủ sóng rộng khắp. Điều này cũng đặt ra thách thức cho chính phủ trong việc hoạch định chính sách và quản lý các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là các mô hình liên quan đến cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.
Thực tế 4.0 đã được nhắc đến vài năm gần đây, nhưng có lẽ 2018 là năm mà tất cả các ban ngành, doanh nghiệp và cả người dân nói đến khá nhiều. Rất nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm… của các ban ngành từ trung ương đến địa phương, các trường, các tổ chức nghề nghiệp… liên tục diễn ra.
Bởi lẽ công nghệ thông tin xuất hiện trong hầu khắp các lĩnh vực như: kinh tế 4.0, doanh nghiệp 4.0, dịch vụ thông minh 4.0, nông nghiệp thông minh 4.0, y tế thông minh 4.0, giáo dục thông minh 4.0, giao thông thông minh 4.0…
4.0 Cuộc cách mạng chính sách và tư duy ảnh 1
Tại “Hội nghị WEF ASEAN 2018 - Chung tay xây dựng Cộng đồng ASEAN trong thời kỳ CMCN 4.0” được tổ chức tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “ASEAN giờ đây đã là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á và thứ 5 của thế giới. Công nghệ số là phần không thể thiếu trong xã hội ở mọi cấp độ.
Trong làn sóng của CMCN 4.0, ASEAN ngày nay còn được biết đến như một trong những nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng mới, sáng tạo trên thế giới, và cũng là nơi hội tụ nhiều tiềm năng kinh tế số, với quy mô có thể vượt trên 200 tỷ USD vào năm 2025”. Thủ tướng từng nhấn mạnh tại cuộc gặp mặt với hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học trẻ người Việt tiêu biểu ở nước ngoài: Chính phủ Việt Nam đã xác định rõ việc xây dựng nguồn nhân lực 4.0, hệ sinh thái 4.0 và quan tâm cả văn hóa 4.0. 
Nói như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ông Nguyễn Mạnh Hùng, đây không chỉ là cuộc cách mạng về công nghệ, mà lớn hơn nữa là cuộc cách mạng về chính sách. Thời gian qua, Việt Nam thể hiện sự phát triển của CMCN 4.0 đang khập khiễng là loại hình công nghệ mới như Uber, Grab. Bởi khuôn khổ chính sách dành cho loại hình công nghệ mới này ở Việt Nam hiện chưa hoàn thiện.
Do vậy, nếu có tầm nhìn và tư duy có thể dễ dàng xây dựng một chính sách mới cho loại hình công nghệ thời đại 4.0. 
CMCN 4.0 sẽ là chất xúc tác nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu; tạo ra sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh bền vững hơn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; mang lại tiềm năng cho các nước đang phát triển có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hóa bằng cách đi tắt, đón đầu, phát triển nhảy vọt lên công nghệ cao hơn.
Tuy nhiên, nếu không có cách tiếp cận đúng và bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ, tình trạng dư thừa lao động kỹ năng thấp và sự bất bình đẳng trong xã hội.
Nhiều chuyên gia về công nghệ cho rằng, chính sách được xây dựng cho các loại hình công nghệ 4.0 không nên “nhốt” vào khung pháp lý, mà phải để các loại hình công nghệ 4.0 này phát triển. Phải vận dụng chính sách, thay đổi chính sách để bắt kịp với cách mạng công nghệ.
Đây cũng là lý do vì sao CMCN 4.0 được ví như một cuộc cách mạng của chính sách và tư duy. Bởi cho dù nền tảng công nghệ và ứng dụng số có phát triển mạnh mẽ đến đâu, nhưng tư duy của người làm chính sách không theo kịp cuộc sống, không khuyến khích được các ứng dụng thời 4.0 phát triển, thì các ứng dụng khoa học công nghệ thời 4.0 vẫn khó có thể phát triển ở Việt Nam. Khi ấy, rất có thể Việt Nam sẽ bỏ lỡ “chuyến tàu” mang tên CMCN 4.0.
Trong thời đại kinh tế số, khi biên giới quốc gia trong kinh doanh gần như bị xóa mờ, chính phủ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo dựng môi trường, chính sách tiến bộ và thuận lợi cho thương mại, đầu tư xuyên biên giới. Hay nói cách khác, để thực sự “đón sóng” CMCN 4.0, chính phủ cần phải đồng hành cùng với người dân và doanh nghiệp.
Các nước trên thế giới đang có các chiến lược quốc gia riêng để tận dụng xu thế của CMCN 4.0. Tuy nhiên, chiến lược quốc gia sẽ không thể thành công nếu chính phủ không sẵn sàng đổi mới mạnh mẽ tư duy, tạo ra một hành lang pháp lý thông thoáng, một thể chế thúc đẩy sáng tạo, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm.
Ngay tại ASEAN, Singapore đang dẫn đầu cuộc đua 4.0. Theo báo cáo về “Tương lai của sản xuất 2018” của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Singapore thuộc một trong 25 nước trên thế giới có ưu thế tốt nhất để hưởng lợi từ CMCN 4.0, đặc biệt Singapore chỉ đứng thứ 2 sau Mỹ về năng lực chủ động trong sản xuất. Để đạt được điều này, Chính phủ Singapore đã sớm vào cuộc, với các chiến dịch như Smart Nation Singapore, SGInnovate và hàng loạt các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, đầu tư, góp vốn.
Tận dụng được các lợi ích mà kinh tế số đem lại là cơ sở để Việt Nam bứt phá tăng trưởng kinh tế bền vững, chúng ta không thể tiếp tục dựa vào việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên hay nhân công giá rẻ để duy trì tốc độ tăng trưởng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng khẳng định: “CMCN 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc.
Chính phủ sẽ cởi mở, sẵn sàng thay đổi và phát triển kinh tế số”. Để chuẩn bị cho tương lai 4.0 của Việt Nam, hơn lúc nào hết chính phủ cần phải thể hiện một cách cụ thể, với những bước đi rõ ràng, đem lại hiệu quả và những “cú hích” thật sự cho quốc gia trong kỷ nguyên số hóa, khi mà sự chậm chạp trong thích ứng và bắt kịp sẽ dẫn đến sự thụt lùi cùng những hậu quả không hề nhỏ.
Rõ ràng kinh tế số và CMCN 4.0 đã và đang phát triển nhanh chóng trên toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng tạo ra những thách thức không nhỏ cho Việt Nam trên con đường hội nhập. Bởi trong cuộc CMCN lần 1, 2, 3, những yếu tố đảm bảo cho sự thành công phụ thuộc vào việc khai thác nguồn lực tài nguyên khoáng sản, nguồn lực tài chính, nhưng với CMCN 4.0 lại phụ thuộc vào thể chế, cơ chế chính sách và định hướng phát triển hơn là chỉ dựa vào nền tảng kỹ thuật số.
Đây có lẽ cũng là lúc các cơ quan hữu quan, các ngành làm luật cần có thái độ rõ ràng về chính sách cũng như tư duy trong vận hành, để tận dụng thành công những thành quả cuộc CMCN 4.0 mang lại.

Các tin khác