3 chân kiềng để phục hồi và phát triển kinh tế

(ĐTTCO) - Quý III-2021, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và TPHCM có thể trải qua quý đầu tiên tăng trưởng âm trong nhiều năm trở lại đây.
3 chân kiềng để phục hồi và phát triển kinh tế
Mặc dù chưa có số liệu thống kê của tháng 9 và quý III, nhưng đến thời điểm này có thể dự báo GDP quý III sẽ giảm mạnh. Đặc biệt, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và TPHCM có thể trải qua quý đầu tiên tăng trưởng âm trong nhiều năm trở lại đây. TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ đã dành cho phóng viên Báo SGGP cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

Chấp nhận và tìm cách thích ứng  

-Thưa ông, Bộ KH-ĐT vừa đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 chỉ khoảng 3,5%-4%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu dự kiến. Ông có bình luận gì? 

- Đó là điều tất yếu, không có gì bất ngờ. Từ tháng 7, TPHCM và các tỉnh phía Nam đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 hoặc 16+ để phòng chống dịch Covid-19. Sau đó có thêm cả Hà Nội.

Giao thông, vận chuyển người và hàng hóa giữa các địa phương trên toàn quốc bị hạn chế hoặc bị tạm dừng; hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh bị thu hẹp, bị đình trệ hoặc gặp khó khăn và chi phí cao hơn nhiều so với bình thường. Kết quả sản xuất kinh doanh của toàn nền kinh tế giảm sút mạnh.

Vậy thì, việc không đạt được chỉ tiêu tăng trưởng - vốn được xây dựng trong điều kiện không lường trước được sức tàn phá của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 - là dễ hiểu. Chúng ta phải chấp nhận và tìm cách thích ứng.  

3 chân kiềng để phục hồi và phát triển kinh tế ảnh 1TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ.
-UBTVQH cho biết, chậm nhất ngày 1-10 sẽ ban hành một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Trong khi đó, có nhiều ý kiến lo ngại về khả năng cân đối ngân sách. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Theo Bộ Tài chính, tính đến hết kỳ thống kê 8 tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 1 triệu tỷ đồng, bằng 74,8% dự toán. Trong khi đó, tổng chi ngân sách nhà nước 8 tháng ước đạt 918.100 tỷ đồng, bằng 54,4% dự toán. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến số thu ngân sách trong các tháng tới. 

Đến nay, có thể nói dư địa cho chính sách tài khóa tuy vẫn còn, nhưng có một số vấn đề cần rất cân nhắc khi sử dụng. Trong đó, đặc biệt phải lưu ý rằng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách sẽ vượt quy định trong một vài năm tới, do nhiều khoản vay đến hạn trả.
Chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa do 4 vấn đề: nợ xấu; lãi suất huy động đã ở mức thấp trong lịch sử và so với tỷ lệ lạm phát không còn nhiều khoảng cách; năng lực của tổ chức tài chính còn hạn chế; đáp ứng vốn tài chính cho nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào hệ thống ngân hàng. Cho nên, theo tôi, gói giải pháp hỗ trợ rõ ràng là hết sức cần thiết, nhưng phải tính toán để kết hợp giữa tài khóa với tiền tệ, và phải trên cơ sở đánh giá khả năng chịu đựng của ngân sách. 
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nên căn cứ vào tỷ lệ lao động được duy trì

-Ông có nhận định gì về tình hình sắp tới?
- Nền kinh tế thế giới nhìn chung đang đà phục hồi, nhu cầu thị trường bên ngoài là có. Tuy nhiên, sau một thời gian dài chịu tác động của đại dịch Covid-19, năng lực sản xuất của nền kinh tế, nội lực của doanh nghiệp trong nước bị giảm sút nghiêm trọng.
Tôi cho rằng, đại dịch Covid-19 và các rủi ro dịch bệnh sẽ tiếp tục trong tương lai, nên đã đến lúc cần chuyển đổi phương châm phòng dịch từ phấn đấu đạt “Zero Covid” sang sử dụng vaccine để Covid-19 dần dần trở thành bệnh theo mùa. Do vậy, chúng ta cần đẩy mạnh tiêm chủng, giảm tối đa lây nhiễm thành dịch và giữ tỷ lệ tử vong ở mức thấp nhất.
Rất nhiều báo cáo phân tích trên thế giới dự đoán, vaccine Covid-19 không miễn dịch cả đời, mà cần tiêm nhắc định kỳ. Do đó, nếu không tự sản xuất được vaccine, phải đi mua và trông vào viện trợ sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả phòng chống dịch của đất nước.
Kinh nghiệm từ các cường quốc vaccine cho thấy, cần phải đẩy nhanh phê duyệt và tiêm chủng vaccine trong nước sản xuất. Trong đó có chính sách Nhà nước bỏ tiền mua vaccine “Made in Việt Nam” theo cơ chế phù hợp, để khuyến khích quá trình này.
Vì tác động của đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế và xã hội rất khác nhau giữa các khu vực kinh tế, ngành nghề nên cần bảo đảm nguyên tắc hỗ trợ theo mức độ doanh nghiệp bị ảnh hưởng chứ không hỗ trợ “đổ đồng” toàn bộ các doanh nghiệp theo ngành.
3 chân kiềng để phục hồi và phát triển kinh tế ảnh 2Sản xuất trong điều kiện giãn cách tại một doanh nghiệp ở TP Thủ Đức, TPHCM.
Tóm lại, cần ưu tiên phòng chống dịch bệnh, bao phủ vaccine để bảo vệ người dân và nền kinh tế; tích lũy các điều kiện để phục hồi nền kinh tế và hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động; phục hồi kinh tế kết hợp với tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng số hóa và xanh. Đó là 3 chân kiềng để phục hồi và phát triển trong giai đoạn này.

- Ông có thể nói cụ thể hơn về khuyến nghị “không hỗ trợ đổ đồng”?

-Tôi có quan điểm hơi khác với một số ý kiến hiện nay. Tôi cho rằng, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, sẽ không tạo ra nhiều tác động tích cực mang tính lan tỏa tới người lao động và các doanh nghiệp, vì 3 lý do cơ bản. Thứ nhất, Việt Nam là quốc gia có khu vực phi chính thức lớn, diện hỗ trợ đông thì thực chất “miếng bánh” mỗi doanh nghiệp nhận được rất nhỏ.

Thứ hai, các doanh nghiệp này có mức độ liên kết kém. Thứ ba, quá trình triển khai sẽ khó thực thi, khó kiểm soát các rủi ro và khó bảo đảm tính hiệu quả của việc đánh giá. 

Tôi thiên về phương án tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và ít khả năng huy động được vốn trên thị trường tài chính. Nói cách khác, chính sách hỗ trợ nên căn cứ vào tỷ lệ lao động được duy trì, thậm chí mở rộng, để đảm bảo an sinh xã hội và tránh tình trạng phá sản doanh nghiệp tràn lan.

Chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ đưa người lao động từ địa phương khác quay trở lại làm việc (hỗ trợ doanh nghiệp chi phí hoặc tự thực hiện). Khi doanh nghiệp lớn được hỗ trợ, hoạt động ổn định trở lại sẽ kéo theo các doanh nghiệp nhỏ và vừa là các doanh nghiệp vệ tinh.

Cùng với đó là các hỗ trợ doanh nghiệp logistics để giảm chi phí hậu cần, góp phần giảm chi phí vận hành chung của nền kinh tế (lớn hơn nhiều so với chi phí lãi vay của doanh nghiệp), giúp kiểm soát lạm phát, là tiền đề để Chính phủ có dư địa thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng, hỗ trợ nền kinh tế ở giai đoạn sau.

Các tin khác