Xu hướng Marketing online

(ĐTTCO) - Marketing online mang lại rất nhiều lợi ích cho hoạt động kinh doanh của DN. Tuy nhiên, rất nhiều DN chưa khai thác được nguồn lợi từ kênh này do không nắm bắt được cách thức thực hiện. Đó là lý do để anh CAO DUY PHÚ (ảnh) tham gia thành lập Công ty TNHH ONESE để hiện thực hóa mong muốn giúp DN Việt Nam tăng tỷ lệ bán hàng qua kênh online.

(ĐTTCO) - Marketing online mang lại rất nhiều lợi ích cho hoạt động kinh doanh của DN. Tuy nhiên, rất nhiều DN chưa khai thác được nguồn lợi từ kênh này do không nắm bắt được cách thức thực hiện. Đó là lý do để anh CAO DUY PHÚ (ảnh) tham gia thành lập Công ty TNHH ONESE để hiện thực hóa mong muốn giúp DN Việt Nam tăng tỷ lệ bán hàng qua kênh online.

PHÓNG VIÊN: - Từng hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và truyền thông trực tuyến, vậy tại sao anh không tiếp tục phát triển lĩnh vực này mà lại chuyển hướng sang tư vấn chiến lược marketing online cho DN? 

Anh CAO DUY PHÚ: - Bắt đầu từ năm 2010-2011, các DN thuộc các ngành nghề đều chú trọng vào kênh marketing online, kể cả những cửa hàng bán lẻ, quán ăn cũng tham gia để tăng cơ hội tiếp cận khách hàng. Trong lĩnh vực online marketing có câu nói thông dụng “Nếu bạn lên mạng bạn không thấy bạn thì sẽ thấy đối thủ của bạn”, có nghĩa ai không xuất hiện trên kênh marketing online sẽ thua đối thủ của mình. Tuy nhiên, trong quảng cáo online cũng có rất nhiều công thức, quy trình. Thông thường, các DN chỉ nghĩ đơn giản về marketing online là đăng quảng cáo trên Facebook, Google hay trên báo điện tử, nhưng đăng như thế nào, thời điểm nào, chủ đề gì sẽ thu hút người xem… lại không được DN chú ý nhiều. Do đó, ONESE tập trung nghiên cứu về hành vi người dùng để đưa ra những ý tưởng độc đáo và cách thức triển khai nhằm thu hút sự quan tâm của người dùng trên kênh online, từ đó giúp các DN tăng tỷ lệ bán hàng qua mạng.

 - Khi một DN tham gia marketing online, chi phí đầu tư cần thiết là bao nhiêu và đổi lại DN sẽ nhận lại được giá trị gì, thưa anh?

- Chi phí thực hiện online marketing không có giới hạn vì đó là một thế giới mở. Chúng ta có thể mở rất nhiều cửa hàng cùng lúc và hoạt động liên tục, điểm khác nhau là đầu tư về chất lượng, nội dung sản phẩm và cách chăm sóc khách hàng online. Điều này cần con người và hệ thống vận hành. Nếu có kiến thức để tự thực hiện, chi phí là 0 đồng. Nhưng nếu muốn trở thành một nhà cung cấp hàng hóa chuyên nghiệp trên kênh online, DN nên thuê một đơn vị tạo website và tư vấn chiến lược marketing online. Bởi muốn tăng tỷ lệ bán hàng, website của DN không thể chỉ để trưng bày sản phẩm mà phải đảm bảo các vấn đề như bảo mật, tạo ra cảm giác vào website giống như đi dạo ở cửa hàng thật, đầy đủ thông tin sản phẩm, hiển thị thông tin liên lạc như số điện thoại hay trò chuyện trực tuyến để người dùng liên hệ khi cần biết thêm chi tiết… Nếu 2 DN cùng bán 2 chiếc điện thoại giống nhau, website của DN A chỉ có giá tiền và thông tin cơ bản về kỹ thuật, trong khi website của DN B có thêm phần miêu tả chi tiết về từng góc cạnh, hình ảnh người dùng trải nghiệm máy ảnh, máy quay phim trên điện thoại cũng như thông tin dòng máy phù hợp với nhu cầu nào, tỷ lệ khách mua hàng của DN B sẽ cao hơn dù giá bán có thể sẽ cao hơn.  

Khởi nghiệp không quan trọng là sản phẩm gì, chất lượng như thế nào mà quan trọng là sản phẩm phù hợp với ai, chất lượng phục vụ, giá cả như thế nào. Mặc dù hôm nay bạn chỉ bán phở nhưng nếu bạn thực hiện theo mô hình bài bản, sau này có thể mở một hệ thống hoặc nhượng quyền thương hiệu. Hay có những người đầu tiên tự bán điện thoại của mình, sau này vẫn có thể phát triển thêm cửa hàng này, cửa hàng kia. Điều quan trọng nhất là phải nắm bắt được thị hiếu của khách hàng để tạo ra được nét riêng trong cái chung.

Ngoài ra, chi phí đầu tư còn tùy theo đối tượng DN muốn hướng đến cũng như phụ thuộc vào thị trường DN mong muốn. Thí dụ phát triển ở TPHCM hoặc Hà Nội, mức chi phí đầu tư chắc chắn sẽ cao hơn so với tỉnh, thành khác. Thời gian qua, ONESE đã triển khai tư vấn chiến lược marketing online với nhiều DN lớn. Hầu hết DN này đều biết phát triển kênh này rất cần thiết nhưng không biết cách thực hiện cũng như các vấn đề liên quan như chi phí, nhân sự triển khai như thế nào. Do đó, một đơn vị tư vấn chiến lược online marketing ngoài việc phải đưa ra chiến lược, ngân sách còn phải đo lường được hiệu quả cho khách hàng. Bởi có những DN không tiếc tiền đầu tư nhưng nếu không đo lường được hiệu quả sẽ gây lãng phí nguồn lực đầu tư của khách hàng.

 Hiện nay, nhiều DN xuất khẩu đang đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các trang thương mại điện tử quốc tế. Dù chi phí khá cao nhưng đổi lại có được nguồn khách hàng rất lớn.

- Theo anh, hiện nay trình độ marketing online của DN Việt Nam đã tiệm cận so với các DN nước ngoài?

- Tại thời điểm này có thể nói là chưa. Câu chuyện quảng cáo của các DN nước ngoài đều rất ý nghĩa, từ những ý tưởng đó họ chuyển sang kênh online rất dễ chạm vào trái tim khách hàng. Những công ty như Samsung, Sony đầu tư vào quảng cáo online rất nhiều và rất bài bản; những hãng xe như Ford có thế mạnh do có những đoạn phim quảng cáo online rất ấn tượng. Nhiều DN Việt Nam cũng muốn tiến đến vì chúng ta có lượng người dùng internet vào loại nhiều nhất thế giới, nhưng đội ngũ marketing của DN đã quen làm kiểu truyền thống, trình độ có hạn nên chưa bắt kịp xu hướng. Để tuyển dụng được nhân sự và đào tạo cũng cần thời gian, trong khi các DN nước ngoài đi trước trong việc phát triển kênh online khá lâu. Nhiều DN nước ngoài có sẵn đội ngũ online marketing của công ty mẹ và tại các thị trường cũng có đội ngũ này, nên họ có thể phát triển chiến lược marketing nói chung và marketing online rất mạnh.

- Nếu anh đưa ra lời khuyên cho DN, đó sẽ là điều gì? 

- Điểm yếu của DN Việt Nam là thiết kế web rất sơ sài, màu mè nhưng thiếu thông tin và thích làm theo ý mình, nên sản phẩm bán qua kênh online cũng hạn chế. Có trường hợp tôi tư vấn cặn kẽ nhưng không được khách hàng chấp thuận vì họ cho rằng làm theo ý của họ mới đẹp, tức họ không hiểu rằng việc thiết kế web là cho khách hàng xem, không phải cho mình xem. Trong khi đó, doanh số bán hàng của DN nước ngoài qua kênh này rất tốt vì họ hiểu được sở thích, thói quen của khách hàng, website thiết kế đơn giản nhưng thân thiện, đầy đủ tính năng. Đây là điểm DN Việt nên thay đổi để gia tăng cơ hội bán hàng qua kênh trực tuyến.

- Anh khởi nghiệp từ 24 tuổi và đã thực hiện khá nhiều dự án nhưng hiện tại chỉ tập trung vào ONESE. Từ kinh nghiệm của mình, anh có chia sẻ gì với các bạn trẻ đang khởi nghiệp hiện nay?

- Khi còn trẻ, tôi khởi nghiệp với những mục tiêu lớn lao và suy nghĩ bản thân có thể làm tất cả. Do đó, tôi trực tiếp làm việc với các nhân viên và không tuyển các phó giám đốc hỗ trợ. Khi có lợi nhuận, tôi lại đầu tư dàn trải nhiều lĩnh vực. 2 điều này đã khiến tôi gặp nhiều khó khăn, thậm chí nhiều lúc tưởng như phải phá sản. Vì vậy, theo tôi các bạn trẻ khi khởi nghiệp nên có sự hỗ trợ của cấp phó và tránh đầu tư dàn trải.

- Xin cảm ơn anh.

Các tin khác