SIHUB - Cầu nối cộng đồng khởi nghiệp

(ĐTTCO) - Với quyết tâm đưa TPHCM trở thành TP khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học - Công nghệ (KHCN), Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo TPHCM (SIHUB). Ông HUỲNH KIM TƯỚC (ảnh), Giám đốc điều hành SIHUB, đã trao đổi với ĐTTC về vai trò của Nhà nước trong hoạt động của trung tâm này.

(ĐTTCO) - Với quyết tâm đưa TPHCM trở thành TP khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học - Công nghệ (KHCN), Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo TPHCM (SIHUB). Ông HUỲNH KIM TƯỚC (ảnh), Giám đốc điều hành SIHUB, đã trao đổi với ĐTTC về vai trò của Nhà nước trong hoạt động của trung tâm này.

PHÓNG VIÊN: - Ông có thể chia sẻ ý tưởng thành lập SIHUB, một trong những hệ sinh thái khởi nghiệp đầu tiên của TPHCM?

-Ông HUỲNH KIM TƯỚC: - Một hệ sinh thái khởi nghiệp tốt phải kết nối được DN khởi nghiệp với nhà đầu tư và Nhà nước. Đặc biệt, sự tham gia của Nhà nước vào cộng đồng khởi nghiệp hết sức cần thiết, nhưng không tham gia quá sâu, xác định đúng vị trí trong từng hành động và chỉ thực hiện vai trò kiến tạo, thực hiện các hoạt động hỗ trợ. Cách đây 5 năm, Sở KHCN TPHCM đã tham gia hoạt động khởi nghiệp. Qua đó, chúng tôi nhận thấy ưu điểm của các bạn trẻ khởi nghiệp là được đào tạo bài bản, có tinh thần khởi nghiệp rất mạnh mẽ. Tuy nhiên chúng tôi cũng nhận ra được những khó khăn trong hoạt động khởi nghiệp.

Chẳng hạn, cộng đồng khởi nghiệp còn yếu về ý tưởng, thiếu tính sáng tạo, phát triển manh mún, tính liên kết yếu. Nhiều bạn chưa làm việc tại các DN, tập đoàn lớn nên ý tưởng còn hạn hẹp, không đi đến tận cùng phát triển công nghệ. Ngoài ra, điểm yếu vẫn là nắm bắt thị trường hạn chế, không hiểu nhiều về đối thủ cạnh tranh nên sản phẩm đưa ra thị trường chỉ đi vào được những phân khúc nhỏ. Vì thế, để khởi nghiệp thành công và phát triển bền vững cần có bàn tay Nhà nước hỗ trợ. Theo đó, việc hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp trải dài trên rất nhiều lĩnh vực, từ nguồn lực tài chính đến hạ tầng gồm phòng thí nghiệm, nhà xưởng, văn phòng được cung cấp miễn phí, kết nối mối quan hệ và đào tạo. Song song đó, Nhà nước cần giúp định hướng các dự án khởi nghiệp vào các ngành công nghiệp trọng điểm, như chế biến lương thực thực phẩm, hóa chất - cao su, cơ khí và điện tử - công nghệ thông tin. Từ thực tế này, chúng tôi thấy rằng cần có hệ thống mang tính bền vững hơn để hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp. Đây chính là lý do để TPHCM cho ra đời SIHUB.

- Thực tế, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước rất khó khăn. SIHUB sẽ giúp gì cho các start up về việc này, và để duy trì hoạt động hỗ trợ chắc chắn SIHUB phải có kinh phí, thưa ông?

- Mục tiêu của SIHUB là đóng vai trò kết nối các start up với quỹ đầu tư, tổ chức quốc tế, các viện trường, vườn ươm nhằm tận dụng nguồn lực lẫn nhau, tạo ra sức mạnh, khắc phục các điểm yếu của cộng đồng khởi nghiệp. Theo đó, SIHUB sẽ là đầu mối tiếp nhận các nguồn lực từ chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Nhà nước, các tổ chức tài chính quốc tế, chương trình hợp tác trong và ngoài nước. Sau đó giới thiệu, điều phối các nguồn lực để cộng đồng khởi nghiệp tiếp cận và triển khai, trên cơ sở lựa chọn những đơn vị chuyên nghiệp nhất, làm tốt nhất, đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn lực.

SIHUB là kênh giúp TPHCM kiến tạo và định hướng cho cộng đồng trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Và với cầu nối SIHUB, cộng đồng khởi nghiệp sẽ tận dụng được các nguồn lực công, tài chính để thúc đẩy thị trường ngày càng phát triển theo định hướng của lãnh đạo TPHCM.

SIHUB không ươm tạo start up như các vườn ươm đang làm, mà chủ yếu phân bổ các nguồn lực công cho các đơn vị chuyên môn để hỗ trợ nâng cao năng lực cho start up. Chẳng hạn, start up cần thực hiện các nghiên cứu sản phẩm, SIHUB sẽ kết nối đến các viện, trường có phòng thí nghiệm đạt chuẩn và trả tiền cho các dịch vụ để start up sử dụng.

Bên cạnh đó, SIHUB sẽ thuê các đơn vị đào tạo để huấn luyện start up về cách tiếp cận thị trường, hoạch định kinh doanh, xây dựng các chiến dịch tiếp thị. Đặc biệt, SIHUB sẽ hỗ trợ, đảm nhiệm lo thủ tục cho cộng đồng khởi nghiệp, cam kết mọi việc sẽ nhanh chóng, chắc chắn, đảm bảo tinh thần, phong cách phục vụ thân thiện, hiệu quả.

Với sự hỗ trợ này, các start up sẽ dễ dàng tiếp nhận nguồn lực tài chính và chỉ thông qua 1 cửa là SIHUB. Mọi start up đều được chào đón đến SIHUB không có sự phân biệt. Thậm chí ngay cả việc để tiếp nhận được nguồn tài chính công, các start up đều có cơ hội như nhau, miễn là đáp ứng được các tiêu chí, thang điểm, định hướng mục tiêu Nhà nước đặt ra.

Sinh viên tìm ý tưởng khởi nghiệp.

Sinh viên tìm ý tưởng khởi nghiệp.

Về kinh phí cho hoạt động, SIHUB tiếp cận start up ở thời điểm đầu tư về mặt ý tưởng để hình thành nên sản phẩm. Đây là thời điểm có nhiều rủi ro nếu khởi nghiệp không thành công, khả năng thu hồi lại tiền rất nhỏ. Nhưng nếu thành công sẽ có những bước đột phá cho nền kinh tế cũng như tiềm năng tạo ra lợi nhuận. Khi start up phát triển đến giai đoạn thị trường chấp nhận sản phẩm, SIHUB sẽ cùng góp vốn đầu tư theo dạng cổ phần. Và khi start up đã lớn mạnh, SIHUB sẽ thoái vốn kiếm các khoản lợi. Với khoản lợi nhuận đó, SIHUB dùng để tái đầu tư cho start up khác.

- Ông có thể chia sẻ về mục tiêu của SIHUB trong thời gian tới?

- Mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020 SIHUB đặt ra khá cao. Chẳng hạn, chúng tôi phải hỗ trợ 2.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo thông qua các hoạt động tư vấn, đào tạo, kết nối, ươm tạo. Mục tiêu này nếu chỉ mình SIHUB làm sẽ rất khó, bởi các vườn ươm do Nhà nước quản lý phải mất cả chục năm mới ươm tạo được vài chục dự án. Do vậy, SIHUB phải tạo ra sự khác biệt và cách làm của chúng tôi là giao các nguồn lực công cho các đơn vị chuyên môn để họ hỗ trợ ươm tạo các start up. Thực tế cho thấy, cách làm của SIHUB trong thời gian qua đã chứng minh sự hiệu quả và đem lại niềm tin cho lãnh đạo TPHCM về một quyết sách đúng. Đó là tạo ra một cộng đồng khởi nghiệp mạnh thông qua kết nối các thành phần. Nguồn lực công được phân bổ đúng địa chỉ và đầu tư hiệu quả vào start up. Trong tương lai, trên nền tảng căn bản này, SIHUB sẽ mở rộng mọi mặt về đầu tư, hợp tác để đem thêm nhiều lợi ích cho cộng đồng khởi nghiệp. Thự tế, sự hiện diện của vai trò Nhà nước trong cộng đồng khởi nghiệp đã giúp thu hút nhiều nguồn lực trong và ngoài nước, hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp.

Các tin khác