Nông nghiệp công nghệ cao: Gian nan vẫn không nản

(ĐTTCO) - Nông nghiệp công nghệ cao đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ Chính phủ với nhiều chính sách ưu đãi, thế nhưng nhiều DN tham gia lĩnh vực này vẫn gặp nhiều khó khăn. 
Xung quanh câu chuyện này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với bà PHẠM THỊ HUÂN, Giám đốc Công ty Ba Huân.
PHÓNG VIÊN: - Tính đến thời điểm này Ba Huân đã hoàn thiện chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Vậy cái khó khăn nhất của công ty khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao là gì, thưa bà?

Bà PHẠM THỊ HUÂN: - Hiện Công ty Ba Huân đã hoàn chỉnh chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn, bao gồm: Trang trại chăn nuôi gà lấy trứng công nghệ cao quy mô 18ha, với tổng đàn 1 triệu con. Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công suất 20 tấn/giờ tại Tân Uyên, Bình Dương. Nhà máy xử lý trứng gia cầm quy mô 2ha, công suất 185.000 trứng/giờ tại Bình Chánh, TPHCM. Nhà máy chế biến thực phẩm quy mô 5ha, tổng công suất 50 tấn/ngày tại Đức Hòa, Long An. Trang trại chăn nuôi gà lấy thịt công nghệ cao quy mô 30ha, tổng đàn 3 triệu con tại Long An.
Gần đây nhất chúng tôi đã khánh thành Nhà máy Xử lý chế biến trứng gia cầm công nghệ cao tại thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ (Hà Nội), toàn bộ dây chuyền xử lý trứng tự động hóa 100% được nhập từ hãng Moba, Hà Lan. 

Bà Phạm Thị Huân (bìa phải) giới thiệu với khách hàng sản phẩm trứng gà omega 3
tại Hội chợ  "Sản phẩm Nông nghiệp và làng nghề". 
Tuy nhiên, cái khó nhất khi chọn con đường làm nông nghiệp công nghệ cao chính là làm sao tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi. Hiện Chính phủ cũng có nguồn vốn ưu đãi hàng trăm tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao, nhưng chúng tôi chưa tiếp cận được.
Và khi phải vay với mức lãi suất hiện nay, sức cạnh tranh của các DN nội như Ba Huân với các DN có vốn đầu tư nước ngoài đương nhiên kém hơn. Để cạnh tranh chúng tôi chỉ còn cách tiết kiệm chi phí để giảm giá thành. Tôi rất mong mỏi cả nông dân và DNNVV đều tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. 

- Tuy khó về vốn, nhưng có rất nhiều DN vẫn đang đẩy mạnh đầu tư vào ngành trứng gia cầm và thịt gia cầm nói chung?

- Nếu nhìn vào bức tranh chung hiện nay, sản lượng tiêu thụ trứng gà của Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với khu vực. Thái Lan có tỷ lệ tiêu thụ 125 quả trứng/người/năm; Indonesia 340 quả trứng/người/năm, trong khi Việt Nam mới chỉ tiêu thụ khoảng 80 quả trứng/người/năm.
Dự báo, đến năm 2020, tỷ lệ tiêu thụ tại Việt Nam sẽ đạt 140 quả trứng/người/năm. Con số này cho thấy dư địa cho ngành trứng gia cầm ở thị trường Việt Nam vẫn còn khá khả quan. Và các DN khi đầu tư, nhất là những DN ngoài ngành chắc chắn đã có những khảo sát của riêng họ trước khi quyết định. Còn về vốn, theo quan sát của tôi, DN từ ngành khác sang rất mạnh về vốn.
Song tôi nghĩ Nhà nước nên có quy hoạch phát triển cho ngành gia cầm nói chung, nếu không rất dễ xảy ra tình trạng như con heo. Thực tế hơn 40 năm trong nghề này, tôi thấy làm nông nghiệp công nghệ cao nói chung phải đam mê và “máu lửa”, vì lợi nhuận của ngành này khá khiêm tốn. 

- Cách đây 3 năm Ba Huân có cho ra thị trường dòng sản phẩm trứng gà omega 3, cho đến nay sản phẩm này vẫn chỉ phân phối ở 2 TP lớn là TPHCM và Hà Nội. Bà có ý định đẩy mạnh phân phối sản phẩm này cũng như cho ra thêm những sản phẩm có nhiều vi chất dinh dưỡng khác?

Đã có nhiều nhà nhập khẩu đến làm việc với Ba Huân, những yêu cầu khắt khe của phía họ chúng tôi đều đáp ứng được do Ba Huân luôn chọn cho mình con đường đầu tư công nghệ hiện đại, bản thân tôi rất chuộng công nghệ cao. Nhưng cũng chưa biết khi nào mới xuất khẩu được lô hàng đầu tiên do còn đang đợi giấy phép.
- Với lợi thế có nhà máy, con giống, kỹ thuật nên chúng tôi đã cho ra đời dòng sản phẩm này. Đây là dòng sản phẩm mang lại giá trị dinh dưỡng cao hơn, được chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi tung ra thị trường.
Đây cũng là một trong những chiến lược của công ty khi sản phẩm trứng ngày một nhiều hơn thì sẽ đi vào những dòng có giá trị gia tăng cao hơn. Sản phẩm này được người tiêu dùng đón nhận khá tích cực, tuy nhiên chúng tôi muốn từ từ phát triển, đi từng bước chậm mà chắc, nên đến nay vẫn chỉ phân phối chủ yếu ở 2 thị trường lớn là TPHCM và Hà Nội.
Hiện nay với nhà máy chế biến thực phẩm, Công ty Ba Huân còn cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm từ gia cầm khác ngoài trứng. Mấy năm gần đây ngoài việc đẩy mạnh tiêu thụ trứng tại thị trường trong nước, chúng tôi cũng tính chuyện xuất khẩu trứng vịt muối và sản phẩm thịt gà sang một số thị trường như Nhật Bản. Việc này sẽ giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm trứng và gia cầm Việt Nam. 

- Hạn ngạch nhập khẩu trứng năm 2017 của Việt Nam khoảng 600.000 quả, con số này liệu có ảnh hưởng đến các DN sản xuất, kinh doanh trứng gia cầm trong nước không, thưa bà?

- Với số lượng 600.000 quả thì không có ảnh hưởng gì đến các DN trong nước, nhưng theo tôi được biết hiện chưa có DN nào nhập trứng gia cầm. Tuy nhiên tháng 8 này có một thông tin rất đáng quan tâm, chính là việc châu Âu phải đối mặt với khủng hoảng “trứng bẩn”. Và theo thông tin báo chí, trứng nhiễm thuốc trừ sâu fipronil đã được phát hiện tại Hồng Công.
Như vậy, ít nhất 17 quốc gia bị ảnh hưởng bởi scandal trứng bẩn bao gồm 15 thành viên EU (Bỉ, Hà Lan, Đức, Pháp, Thụy Điển, Anh, Áo, Ireland, Italia, Luxembourg, Ba Lan, Rumani, Slovakia, Slovenia, Đan Mạch) và Thụy Sĩ, Hồng Công.
Tôi lo nếu những quả trứng gia cầm này xuất hiện ở Việt Nam sẽ ảnh hưởng lớn đến DN trong nước. Nên thời điểm này rất cần có những biện pháp chặt chẽ để không lọt trứng bẩn vào thị trường Việt Nam. 

- Đứng trước áp lực về vốn, lại thêm ngành chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh trứng và thịt gia cầm nói chung còn bị đe dọa bởi dịch bệnh, ở tuổi này bà có khi nào thấy mệt mỏi?

- Đúng là với ngành chăn nuôi gia cầm dịch bệnh luôn rình rập, nhưng nếu chọn con đường chăn nuôi bài bản, đầu tư công nghệ hiện đại cũng giảm thiểu nhiều rủi ro.
Với riêng tôi đôi khi cũng cảm thấy mệt mỏi và âu lo, nhưng vì đã gắn bó với nghề hơn 40 năm và được bà con nông dân cũng như khách hàng tin tưởng, nên tôi vẫn tự tin đi trên hành trình mà mình đã chọn. 

- Xin cảm ơn bà.

Các tin khác