Kiên trì với con đường đã chọn

(ĐTTCO) -  Trước khi cho ra đời CTCP Công nghệ GO-IXE, Hàng Bá Trí đã phải mất hơn 10 năm đi làm thuê cho một công ty Nhật Bản. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với anh để tìm hiểu rõ hơn hành trình chuẩn bị cho khởi nghiệp của chàng thanh niên đầy nghị lực này.

(ĐTTCO) -  Trước khi cho ra đời CTCP Công nghệ GO-IXE, Hàng Bá Trí đã phải mất hơn 10 năm đi làm thuê cho một công ty Nhật Bản. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với anh để tìm hiểu rõ hơn hành trình chuẩn bị cho khởi nghiệp của chàng thanh niên đầy nghị lực này.

PHÓNG VIÊN: - Nếu được chọn lại anh có chọn khởi nghiệp sớm hơn không, vì 10 năm làm thuê quả là thời gian khá dài đối với nhiều người muốn lập nghiệp?

Anh HÀNG BÁ TRÍ: - Nếu được chọn lại tôi cũng vẫn đi con đường mình đã đi. Ngay từ mới khi ra trường tôi đã rất thích khởi nghiệp, thế nhưng tôi cũng xác định rõ phải đi làm thuê để tích lũy kinh nghiệm, nên trong quá trình làm việc tôi luôn ở tâm thế vừa làm vừa học hỏi. Kinh nghiệm trong suốt khoảng thời gian tôi làm cho công ty của Nhật Bản, đặc biệt khi ở vị trí trưởng bộ phận phát triển sản phẩm rất quý báu, đã giúp hành trình khởi nghiệp của tôi sau này bớt bỡ ngỡ hơn. Thêm nữa đi làm thuê cũng chính là khoảng thời gian tôi tích lũy tài chính, bởi khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đòi hỏi phải có sự chuẩn bị dài hơi về vốn. Tôi cũng đã xác định khởi nghiệp không phải câu chuyện 1 năm, 2 năm mà có thể lâu hơn mọi chuyện mới bắt đầu ổn. Cũng may mắn cho tôi và nhiều bạn trẻ khởi nghiệp trong giai đoạn này, là phong trào khởi nghiệp đã được Nhà nước cũng như TPHCM đẩy mạnh với nhiều sân chơi thử sức, nhiều chương trình hỗ trợ tích cực.

- Anh hãy chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp với GO-IXE?

- GO-IXE ra đời trên nền tảng của mô hình kinh tế chia sẻ rất thành công của Uber và Grab. Theo đó, tôi muốn mang đến một ứng dụng gọi xe của người Việt, nơi cung cấp giải pháp hoàn chỉnh để giúp các DN taxi, DN cho thuê xe tự lái, DN vận tải có thể sử dụng hệ thống không phải xây dựng ứng dụng riêng cho DN mình. Các dịch vụ tôi đang xây dựng bao gồm Go-bike (gọi xe ôm), Go-taxi (gọi xe taxi) và Go-car (gọi xe ô tô), Go-travel (gọi xe du lịch và đi chung xe), Go-share (dịch vụ thuê xe tự lái)… Thực ra trước đây để cạnh tranh trong bối cảnh xuất hiện Uber và Grab, Vinasun cũng đầu tư phần mềm để khách gọi xe nhưng chưa thành công. Bởi lẽ Uber và Grab chỉ là những công ty phần mềm trung gian, nên hoạt động chính của họ là đầu tư cho công nghệ, trong khi Vinasun là một hãng taxi nên vừa đầu tư cho xe, tài xế vừa đầu tư cho công nghệ sẽ khó như ý. Thời gian đầu với Go-bike, Go-taxi, Go-car, mô hình của tôi cũng không khác gì Uber hay Grab, nhưng mục tiêu lâu dài của tôi không chỉ đơn giản như vậy. Tôi muốn liên kết với các hãng taxi như Mai Linh hay Vinasun… Hiện nay khi khách sử dụng dịch vụ của Grab chọn Grab taxi chắc chắn họ không biết mình đi của hãng nào, nhưng với phần mềm của chúng tôi khi khách gọi sẽ biết rõ mình chọn taxi của hãng nào.

- Một trong những lý do khách hàng thích gọi xe thông qua phần mềm Uber và Grab là giá cước hợp lý. Vậy GO-IXE sẽ cạnh tranh như thế nào?

- Tôi cũng đã điều tra về điều này. Hiện nay Uber đang thu phí 20%/chuyến xe và trong giai đoạn đầu để thu hút khách cũng như chủ xe, tôi sẽ tính toán để người tiêu dùng được hưởng mức giá rẻ hơn. Theo đó chúng tôi hoàn toàn miễn phí và về lâu dài cũng chỉ thu khoảng 8-10%. Tính từ thời điểm chính thức tung ra các dịch vụ này đến nay khoảng hơn 6 tháng, chúng tôi đã kết nối được 10.000 người tham gia trong hệ thống với số lượng xe lên tới hơn 500 xe, tốc độ tăng trưởng người dùng hàng tháng trên 30%. Xét về nhận diện thương hiệu hiện chúng tôi cũng chỉ xếp sau Uber và Grap.

Riêng về việc liên kết với các hãng taxi, ngay thời điểm tôi đạt giải nhì cuộc thi ý tưởng Startup Wheel 2016 của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đã có một số hãng taxi muốn liên kết, nhưng tôi cần thêm thời gian để thực hiện việc này.

- Anh có nói về các sân chơi khởi nghiệp và Startup Wheel là một điển hình, vì sao  anh tham gia các sân chơi này?

- Theo kế hoạch của tôi năm nay sẽ tham dự Startup Wheel và qua năm 2017 tham dự 2 cuộc thi nữa là Nhân tài đất Việt và Shark Tank - chương trình truyền hình thực tế cho startup Việt lần đầu tổ chức tại Việt Nam. Mục tiêu ban đầu của tôi khi tham dự các sân chơi khởi nghiệp là để quảng bá cho DN mình, đồng thời hoàn thiện hoạt động khởi nghiệp từ chính những góp ý của ban giám khảo, tức các chuyên gia và DN đi trước. Ngoài ra khi tham gia những cuộc thi như Startup Wheel và đoạt giải, đó chính là động lực rất lớn, sự động viên thiết thực cho lựa chọn của mình. Nhưng quan trọng hơn, khi tham gia mình có cơ hội gọi vốn từ các quỹ cũng như các nhà đầu tư thiên thần.

Anh Hàng Bá Trí đạt giải nhì cuộc thi ý tưởng Startup Wheel 2016.

Anh Hàng Bá Trí đạt giải nhì cuộc thi ý tưởng Startup Wheel 2016.

Trong 2 cuộc thi sẽ tham gia năm 2017, tôi rất quan tâm đến Shark Tank. Ban giám khảo của Shark Tank phiên bản Việt là một hội đồng các nhà đầu tư tiềm năng sẽ cân nhắc đưa ra những lời đề nghị đầu tư đối với startup Việt. Họ là những doanh nhân lớn như ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT, Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Geleximco, Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco Trường Hải... Đáng chú ý, khoản tiền đầu tư cho các dự án trong chương trình hoàn toàn là tiền của các đại gia này. Và đây là một chương trình truyền hình thực tế nên hiệu ứng truyền thông sẽ rất tốt.

- Anh có vẻ rất quan tâm đến các quỹ đầu tư cũng như các nhà đầu tư cá nhân. Anh đã có sự chuẩn bị gì cho sự hợp tác với họ trong tương lai?

- Việc có vốn từ các nhà đầu tư rất cần thiết, nhưng tôi đã có sự chuẩn bị của riêng mình. Ngay trước khi cho ra đời GO-IXE, tôi đã thành lập công ty chuyên gia công phần mềm, đó chính là một trong những nguồn tài chính để nuôi khát vọng khởi nghiệp của tôi. Tôi cũng hiểu khi công ty mình chưa có gì sẽ khó để gọi vốn từ các quỹ và nhà đầu tư, nhưng khi chúng tôi đủ chín muồi chắc chắn họ sẽ tham gia. Bản thân tôi cũng có chuẩn bị khá kỹ khi tìm hiểu những cách thức để nếu có làm việc với nhà đầu tư mình vẫn có thể nắm thế chủ động. Thực tế, ngoài việc tìm kiếm nguồn đầu tư từ các quỹ, tôi cũng tích cực trong việc tìm kiếm những chương trình hỗ trợ của Nhà nước cũng như TPHCM và mong muốn được tiếp cận. Tôi được biết hiện TP có nguồn quỹ đồng hành dành cho DN khởi nghiệp được vay tối đa 2 tỷ đồng. Với chúng tôi con số đó không lớn nhưng nếu được tiếp cận đó cũng là một nguồn động viên để chúng tôi bước tới.

- Khởi nghiệp là con đường không dễ dàng, nhưng chưa thấy anh nói nhiều về những khó khăn?

- Vốn, con người và thị trường là những khó khăn chung của DN khởi nghiệp, và thực tế không phải DN khởi nghiệp nào cũng thành công. Song tôi đủ tự tin vào con đường mình đang đi bởi tôi nhận thấy mô hình của mình đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Tôi có sự chuẩn bị về kinh nghiệm, tài chính và quan trọng hơn tôi có nhiệt huyết và đam mê. Tất nhiên con đường phía trước còn rất dài, nhưng tôi tin khó khăn sẽ giúp mình trưởng thành hơn.

- Xin cảm ơn và chúc anh thành công.

Các tin khác