Đừng để luật có cũng như không

(ĐTTCO) - Phòng Công nghiệp - Thương mại Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV tại Hà Nội và TPHCM. Dù dự thảo luật đã được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2016 và đang vào giai đoạn cuối để trình thông qua, nhưng tại cả 2 nơi, đại diện các hiệp hội, luật sư, DN đều cho rằng có quá nhiều điều khoản chung chung, khó thực thi.

(ĐTTCO) - Phòng Công nghiệp - Thương mại Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV tại Hà Nội và TPHCM. Dù dự thảo luật đã được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2016 và đang vào giai đoạn cuối để trình thông qua, nhưng tại cả 2 nơi, đại diện các hiệp hội, luật sư, DN đều cho rằng có quá nhiều điều khoản chung chung, khó thực thi.

Quá nhiều điều khoản chung chung

Nhiều quy định của dự án quá chung chung, trong khi chủ thể hỗ trợ cũng chỉ nhắc lại là trách nhiệm của các bộ, ngành. Là luật hỗ trợ DN nhưng các điều khoản cốt lõi đều bị các hiệp hội, DN phản đối. Nếu dự luật được thông qua, sự thay đổi ở khối DNNVV sẽ khó như kỳ vọng và người ta sẽ đặt ra câu hỏi có thực sự cần thiết luật này?

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Dự thảo đưa ra 7 biện pháp hỗ trợ chung (tín dụng, thuế, mặt bằng, công nghệ, thị trường, thông tin, nhân lực) và 3 nhóm biện pháp hỗ trợ mục tiêu (chuyển đổi hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo và chuỗi liên kết).

Tuy nhiên, những quy định này chỉ dẫn chiếu tới pháp luật khác hiện đang có hiệu lực, không có gì mới, cũng không có gì ưu tiên cho DNNVV hoặc quá chung chung, hoặc không khả thi. Chẳng hạn biện pháp hỗ trợ tiếp cận tín dụng.

Ngoài việc nêu tên biện pháp, Điều 8 dự thảo không chỉ ra được biện pháp hỗ trợ tiếp cận tín dụng này thực chất là biện pháp gì, chưa nói tới chuyện các biện pháp đó sẽ vận hành như thế nào, nguồn từ đâu, cho đối tượng nào…

Đơn cử về quỹ bảo lãnh tín dụng, dự thảo nêu tổ chức này là “tổ chức tài chính” có “chức năng bảo lãnh tín dụng” nhưng không có quy định nào về tính chất pháp lý của tổ chức này. Đó có phải tổ chức tài chính nằm trong phạm vi áp dụng của Luật Các tổ chức tín dụng không? Nếu có, tổ chức này là tư nhân hay Nhà nước? Nếu kinh doanh việc bảo lãnh thua lỗ ai chịu trách nhiệm? Tiền dùng để bảo lãnh cho DNNVV lấy từ đâu? DNNVV nào sẽ được hưởng bảo lãnh?... 

Hay biện pháp hỗ trợ thuế. Một loạt vấn đề cốt lõi về cơ chế hỗ trợ không được dự thảo đề cập, như mức thuế suất thấp hơn là thấp hơn bao nhiêu? Một mức thấp hơn hay nhiều mức thấp hơn khác nhau? Đối tượng được hưởng phải đáp ứng các điều kiện nào hay cứ DNNVV sẽ được hưởng?...

Trong khi đó, hỗ trợ thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu ngân sách (đặc biệt khi số lượng các DNNVV chiếm tới 97-98% tổng số DN có đăng ký). “Những điều khoản chung chung như vậy sẽ không hỗ trợ được DN và khi đã không hỗ trợ được, dự luật trở thành vô dụng” - ông Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ, thẳng thắn bày tỏ.

Điều khiến nhiều đại biểu bức xúc là dự thảo thiếu vắng hoàn toàn các quy định về cơ chế, cách thức thực hiện, cơ quan có thẩm quyền. Và trong khi các quy định hỗ trợ chung chung, điều khoản về trách nhiệm của Hiệp hội DNNVV lại quá cụ thể, từ việc tập hợp, liên kết DNNVV cho đến tổ chức tôn vinh, khen thưởng.

Các quy định về Hiệp hội DNNVV bao trùm lên các hiệp hội ngành hàng khác, tạo sự bất bình đẳng giữa các hiệp hội. Ngay đại diện một Hiệp hội DNNVV địa phương cũng cho rằng nếu quy định như vậy sẽ khó khăn cho hiệp hội vì nhiệm vụ quá sức, quá tầm của họ. 

DNNVV cần gì và nhận được gì?

DNNVV - chủ thể được hỗ trợ - trong dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV cũng đang gây nhiều tranh cãi, không đồng thuận từ DN. Theo dự thảo, DNNVV bao gồm DN siêu nhỏ, DN nhỏ và DN vừa có số lao động bình quân của năm trước liền kề không quá 300 người và đáp ứng 1 trong 2 tiêu chí: có tổng nguồn vốn của năm trước liền kề không quá 100 tỷ đồng hoặc doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.

Thế nhưng, đại diện nhiều hiệp hội lại cho rằng, quy định như vậy là bất hợp lý. Chẳng hạn như trong ngành dệt may, nhiều DN chỉ có vốn 5-10 tỷ đồng nhưng số lao động lên đến cả ngàn người do sử dụng máy móc thô sơ.

Nếu quy định như dự thảo rất nhiều DNNVV sẽ bị loại ra khỏi đối tượng hỗ trợ. Hay như về tiêu chí DNNVV cho các hỗ trợ mục tiêu là DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, dự luật định nghĩa về nhóm này với các đặc điểm rất chung chung, hầu như không thể xác định được. Thí dụ, khi nào DNNVV được xem là có ý tưởng dựa trên khai thác “công nghệ, mô hình kinh doanh mới”, khi nào là “có khả năng tăng trưởng nhanh”?

Nhiều DNNVV khó tiếp cận vốn, hạ tầng, công nghệ. Ảnh: NGỌC THẮNG

Nhiều DNNVV khó tiếp cận vốn, hạ tầng, công nghệ. Ảnh: NGỌC THẮNG

Ngay trong buổi lấy ý kiến hồi cuối tháng 3 vừa qua nhiều đại biểu cũng không đồng tình với điểm này. Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Nam Thái Sơn, cho rằng tiêu chí xác định DN nhỏ là DN có dưới 300 lao động như dự thảo đã quá cũ. Những DN nhỏ của Đài Loan đang làm giày dép, gỗ ở Bình Dương hiện đã trên 1.000 lao động.

Theo Th.S Lê Hùng Điệp, dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV chưa thỏa mãn mong đợi của cộng đồng DN, khi những chính sách cụ thể vẫn áp dụng theo các chính sách đã ban hành. Đại diện Hiệp hội DN tỉnh Kiên Giang, ông Trần Đỗ Liêm kiến nghị, việc hỗ trợ DNNVV phải làm thế nào để có giá trị thực tế vì thời gian qua DNNVV tại các địa phương gần như không nhận được sự hỗ trợ nào từ Nhà nước.

Để các chương trình hỗ trợ phát huy được hiệu quả, cần nâng cao vai trò của chính quyền các cấp tại địa phương và các hiệp hội địa phương. Nguồn lực hỗ trợ phải lấy từ ngay chính ngân sách địa phương, các bộ, ngành chỉ hướng dẫn về chính sách. Ông Liêm cũng cho rằng, bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí xử lý môi trường, giá thuê đất ở các khu sản xuất tập trung các DN còn cần được hỗ trợ về đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, kế toán, phát triển nguồn nhân lực...

Đại diện Hiệp hội Giấy cũng cho rằng việc xác định các đối tượng hỗ trợ trong luật rất quan trọng, cần xác định chỉ hỗ trợ cho các DN mới thành lập hay hỗ trợ DN phát triển bền vững. Vì trên thực tế, DNNVV đang chiếm đến 97% trên tổng số DN cả nước, nên việc xác định các đối tượng hỗ trợ là DNNVV sẽ không mang lại hiệu quả.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc hỗ trợ DNNVV, Hiệp hội DN TPHCM, luật nên bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ là các hợp tác xã và không nên phân biệt đối tượng thành lập DN nhỏ, vừa và siêu nhỏ, vì nhìn chung các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng này đều được áp dụng như nhau.

Nguồn lực hỗ trợ DNNVV trong dự thảo luật mới nói đến vốn là chưa đủ vì ngoài vốn, nguồn lực của DN còn là sức cạnh tranh, chính sách, hạ tầng kỹ thuật, khoa học, công nghệ, nhân lực… Do vậy, nguồn lực cho DN phải tổng hợp được nhiều nội dung mới phát huy hiệu quả các chương trình hỗ trợ.

Nhiều ý kiến cho rằng luật nên quy định các bộ, ngành chỉ có vai trò tham mưu cho chính sách, không tham gia vào việc xây dựng, phân bổ, kế hoạch, bố trí nguồn lực, việc bố trí nguồn lực nên tập trung về các địa phương để tránh tạo ra sự cồng kềnh cho bộ máy, giảm hiệu quả các chương trình hỗ trợ.

Đối với các chính sách hỗ trợ cho DN, Nhà nước cần  hỗ trợ đầu tư vận hành hệ thống xử lý nước thải cho các DN tại các khu, cụm công nghiệp để đảm bảo về môi trường, đồng thời nên nghiên cứu bù một phần tiền thuê đất cho DN vì đây đang là những khó khăn của hầu hết DNNVV. Tuy nhiên, điều DNNVV cần nhất hiện nay là môi trường kinh doanh bình đẳng, được bảo vệ.

Các tin khác