Chợ du lịch thời 4.0

(ĐTTCO) - Để xóa bỏ giới hạn về thời gian của một hội chợ truyền thống chỉ tổ chức vài ngày tại một địa điểm cố định, giờ đây các DN trong ngành du lịch có thể họp chợ 24/7 thông qua trang web Tripi.vn. 
Ý tưởng về “sàn giao dịch du lịch” này đã được anh TRẦN BÌNH GIANG, Giám đốc công nghệ CTCP Phát triển Công nghệ Thương mại và Du lịch (TETTO), một trong những thành viên sáng lập trang web Tripi, chia sẻ với ĐTTC.
PHÓNG VIÊN: - Ra mắt đúng dịp Hội chợ Du lịch quốc tế Hà Nội-VITM 2016, Tripi đã quy tụ các DN lữ hành, hàng không, khách sạn cùng “họp chợ” trên mạng. Thời điểm đó, mô hình sàn giao dịch du lịch trực tuyến có khó tiếp cận khách hàng?

Anh TRẦN BÌNH GIANG: - Năm 2015, sau nhiều ấp ủ chúng tôi quyết định chọn khởi nghiệp với Công ty TETTO. Tripi ra mắt vào tháng 4-2016, đúng dịp hội chợ du lịch quốc tế VITM Hanoi. Chúng tôi lựa chọn mô hình sàn giao dịch du lịch điện tử để liên kết với các công ty lữ hành, hàng không, khách sạn và đối tác của Hiệp hội Du lịch để chào bán sản phẩm online trên trang Tripi.
Thay vì tới từng gian hàng để nhận cả một tập giới thiệu các thông tin, nay khách hàng chỉ cần một vài thao tác vào web của Tripi.vn hoặc tải app trên điện thoại để tìm kiếm và so sánh giá. Điều này cũng tạo thuận lợi cho các DN vừa và nhỏ ở các địa phương không thể tới Hà Nội vẫn có thể chào bán sản phẩm và cạnh tranh công bằng với các công ty khác. 

Dù mới ra mắt, đối tác và khách hàng còn nhiều bỡ ngỡ với mô hình hội chợ online, nhưng ghi nhận trong 4 ngày của hội chợ năm đó đã có khoảng 93.860 lượt truy cập tham quan, tìm kiếm sản phẩm, có 9.200 lượt tải và cài phần mềm ứng dụng trên điện thoại. Có 25 DN lữ hành đã đăng ký mở gian hàng trên sàn giao dịch online.
Cuối năm 2016, sau nhiều nỗ lực liên tục nâng cấp công nghệ và mở rộng thị trường, Tripi đã giành giải Nhì và được đánh giá hạng mục Công nghệ triển vọng của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt. 

- So với 2016, tại VITM năm 2017 diễn ra hồi tháng 4 vừa qua, Tripi đã có những thay đổi gì?

- Sau 2 năm vừa thử nghiệm vừa tìm hiểu thị trường, chúng tôi nhận thấy các công ty du lịch cần một kênh bán hàng chủ động và bền vững. Khách hàng Việt Nam cũng đã quen với các hành vi tiêu dùng online, thấy được lợi ích tiết kiệm thời gian thay vì vào Google tìm kiếm từng công ty, từng tour, nay có thể so sánh ngay tại một trang web. Từ tổng hợp những nhu cầu tìm kiếm của khách hàng thời gian qua, Tripi đã đẩy mạnh khai thác thêm các sản phẩm về vé máy bay và khách sạn.
Tất nhiên, mảng chính của chúng tôi vẫn là phần tour. Sự thay đổi này tất yếu do sự định hướng của thị trường. Bởi thế, tại hội chợ VITM 2017, có hơn 20.000 khách hàng đăng ký, tham gia các chương trình cùng Tripi trong 3 ngày đầu. Doanh số bán vé máy bay, khách sạn và tour du lịch và dịch vụ tích hợp máy bay - khách sạn đặt qua Tripi đạt gần 4,2 tỷ đồng. 

- Việc mở “chợ du lịch” trực tuyến, điều băn khoăn nhất của khách hàng là chất lượng sản phẩm và dịch vụ của công ty. Vậy Tripi kiểm soát chất lượng này như thế nào?

- Hiện nay, Tripi có trên 300 đối tác, trong đó có những tập đoàn lớn với nhiều chi nhánh, công ty con trên cả nước, các chuỗi khách sạn, hệ thống nhà hàng... Vì vậy, điều đầu tiên chúng tôi kiểm chứng chất lượng thông qua Hiệp hội Du lịch Việt Nam.
Khi DN là thành viên của một hiệp hội lớn họ sẽ phải tuân thủ và đáp ứng được các quy chuẩn chung của hiệp hội nghề nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi có thể soi chiếu thang điểm qua việc DN có hoạt động trong các câu lạc bộ du lịch, lữ hành uy tín hiện nay. Và điều quan trọng nhất, chúng tôi không thể bỏ qua là làm việc trực tiếp với các DN để nắm thông tin, đảm bảo là nhà cung ứng tốt nhất.
Chợ du lịch thời 4.0 ảnh 1 Gian hàng Tripi tại VITM 2017. 
- Trước Tripi, đã có nhiều trang web đặt phòng khách sạn trực tuyến lớn như agoda.com, booking.com… Vậy sản phẩm của Tripi có gì khác biệt? 
- Tripi không kinh doanh du lịch như các công ty truyền thống mà là một công ty công nghệ trong lĩnh vực này. Chúng tôi luôn tâm niệm, “khi tạo nên một giá trị khác, mình hoàn toàn có thể cạnh tranh”. Bởi vậy, chúng tôi tạo ra một “hội chợ” nhằm đưa ra liên kết với các hãng để làm đối tác, cho khách hàng chủ động so sánh và lựa chọn giá, để thấy mức giá tại Tripi luôn thấp và cạnh tranh nhất thị trường.
Tripi có được lòng tin của khách hàng bởi sự minh bạch về thông tin, khách hàng có thể kiểm chứng từng dịch vụ nhỏ như bữa ăn, vận chuyển, minh bạch về phí thuế… Bên cạnh đó, yếu tố bản địa cũng là một lợi thế của Tripi.
Trong khi công nghệ giúp xóa bỏ mọi khoảng cách, các DN có cơ hội, tiềm năng như nhau, nhưng Tripi có thế mạnh riêng am hiểu địa phương, xử lý ngay những vấn đề phát sinh cho du khách một cách nhanh nhất. Bởi vậy, dù chỉ chiếm một thị phần khá khiêm tốn so với những “ông lớn” đa quốc gia trong ngành du lịch, nhưng Tripi có lượng khách hàng trung thành nhất định. 

- Khởi nghiệp bằng công nghệ vẫn được ví là cuộc đua của DN tỷ đô. Theo anh, hướng đến thị trường ngách như du lịch có phải là vườn ươm khởi nghiệp tốt?

- Ở Việt Nam, những công ty khởi nghiệp về công nghệ trong du lịch không nhiều. Nhiều công ty du lịch lớn đã đầu tư triển khai một số ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức thanh toán online, so với các công ty lớn trên thế giới vẫn còn khoảng cách khá xa. Bên cạnh đó, phát triển công nghệ không có giới hạn.
Do đó, con đường của Tripi có nhiều lợi thế và cũng không ít thử thách. Theo các nghiên cứu, du lịch là ngành có nhiều thế mạnh để triển khai ứng dụng công nghiệp 4.0 nhanh nhất. Chúng tôi đã luôn đầu tư công nghệ, chứng minh năng lực bằng sự thay đổi công nghệ sẽ làm thay đổi thói quen người tiêu dùng, tìm kiếm đối tác và nhà đầu tư. 

- Xin cảm ơn anh.

Các tin khác