Chấp nhận trải nghiệm bằng thất bại

(ĐTTCO) - Việc hình thành nên CTCP Xe điện toàn cầu PEGA LTT không bắt nguồn từ ý tưởng làm xe điện, mà từ câu chuyện làm điện thoại, rồi chuyển hướng sang phát triển smartphone thất bại, và đi đến quyết định sản xuất xe đạp điện thông minh PEGA. Những trải nghiệm khởi nghiệp của nhóm người trẻ đang sở hữu chuỗi sản xuất, lắp ráp và 230 showroom chính hãng xe đạp điện PEGA được Giám đốc điều hành Lê Hoàng Long (ảnh) chia sẻ cho thấy sự nỗ lực, khát vọng vươn lên không ngừng của họ.

(ĐTTCO) - Việc hình thành nên CTCP Xe điện toàn cầu PEGA LTT không bắt nguồn từ ý tưởng làm xe điện, mà từ câu chuyện làm điện thoại, rồi chuyển hướng sang phát triển smartphone thất bại, và đi đến quyết định sản xuất xe đạp điện thông minh PEGA. Những trải nghiệm khởi nghiệp của nhóm người trẻ đang sở hữu chuỗi sản xuất, lắp ráp và 230 showroom chính hãng xe đạp điện PEGA được Giám đốc điều hành Lê Hoàng Long (ảnh) chia sẻ cho thấy sự nỗ lực, khát vọng vươn lên không ngừng của họ.

Cái chết của điện thoại HKPhone 

Để khởi nghiệp không hề đơn giản, không chỉ là chuyện có sức, có tiền, mà còn phải học hỏi rất nhiều từ thực tế kinh doanh của các công ty lớn trước khi muốn làm một điều gì đó. Đặc biệt, trong khởi nghiệp bản lĩnh của bạn là biết chấp nhận và vượt qua thất bại để vươn lên thực hiện hoài bão của mình.

Anh Lê Hoàng Long,Giám đốc điều hành PEGA

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, Lê Hoàng Long đi làm thuê cho nhiều công ty, từ sản xuất phần mềm đến phân phối điện máy, rồi làm tổ chức sự kiện. Và chính quãng thời gian làm thuê này đã làm nẩy sinh trong đầu anh suy nghĩ phải làm cái gì đó cho riêng mình. Anh bàn bạc với bạn bè thân về ý tưởng khởi nghiệp với sản phẩm là chiếc điện thoại "made in Vietnam".

Long tâm sự: “Đó là vào những năm 2007-2009, khoảng thời gian mang lại cho 10 người chúng tôi nhiều trải nghiệm với vô vàn khó khăn. Với số vốn ban đầu chỉ 50 triệu đồng, trong 3 năm này chúng tôi cùng nhau làm mọi việc, từ thiết kế website, chụp ảnh điện thoại, photoshop chỉnh sửa ảnh điện thoại và đẩy lên mạng… với tham vọng cho ra đời thương hiệu điện thoại HKPhone - và cũng là tên gọi của công ty chúng tôi.

Nhưng công việc liên tục gặp trục trặc khiến một số người chán nản, rút lui không hợp tác nữa. Những người trụ lại phải thế chấp nhà cửa để vay tiền, tiếp tục công việc tạo ra chuỗi cửa hàng điện thoại mang tên HKPhone. Ông trời đã không phụ lòng chúng tôi. Kết quả của sự cố gắng không ngừng đó là vào năm 2010, công ty có được danh sách 14.000 cửa hàng điện thoại trên cả nước, mỗi ngày trung bình anh em nhân viên kinh doanh phải gọi trên 50 cuộc điện thoại để kết nối với khách hàng”.

 Trong thời gian tìm hiểu công nghệ, thiết kế mẫu mã sản phẩm điện thoại, nhóm của Lê Hoàng Long đã kết nối được với một số DN đối tác chuyên sản xuất chíp, như Chip Quacom và Media Tek. Họ cung cấp cho công ty những loại chíp 4 lõi và 8 lõi và đặt hàng công ty HKPone làm phần cứng (main) của điện thoại.

Thực sự lúc này Long và bạn bè rất muốn làm ra một chiếc điện thoại hoàn chỉnh, chứ không chỉ sản xuất các linh kiện riêng lẻ. Tuy nhiên hàm lượng công nghệ và độ sáng tạo trong chiếc điện thoại rất cao. Có thể 2-3 tháng test sản phẩm không vấn đề nhưng 7-8 tháng sau nó lại có vấn đề về pin, màn hình. Sau hơn 1 năm trời miệt mài, công ty của Lê Hoàng Long đã cho ra đời chiếc điện thoại HKPone.

Từ năm 2010, thương hiệu điện thoại HKPhone nổi lên rất nhanh trên thị trường. Có thời điểm khách hàng xếp hàng dài để mua điện thoại HKPhone. Mỗi tháng công ty bán được hơn 10.000 chiếc điện thoại HKPhone. Và chỉ trong 2 năm đã hình thành trên 200 cửa hàng điện thoại HKPhone trên cả nước.

Hệ thống cửa hàng HKPhone thời điểm đó sánh ngang với Qmobile và là 2 thương hiệu điện thoại "made in Vietnam" lớn nhất. Không dừng lại ở kết quả này, HKPhone đến Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc thuê mặt bằng để phát triển nhà máy sản xuất điện thoại. Nhưng đúng thời điểm này hãng sản xuất điện thoại OPPO của Trung Quốc bắt đầu nhảy vào thị trường Việt Nam.

Anh Long nhớ lại: “Sản phẩm của họ cạnh tranh quyết liệt với HKPhone. Thậm chí họ còn chiêu dụ những nhân viên giỏi của chúng tôi về làm việc cho OPPO với mức lương rất cao. Trước tình hình này, đội ngũ chuyên gia của HKPhone bàn với các đối tác sản xuất linh, phụ kiện về kiểu dáng điện thoại trong những năm tới sẽ hao hao iPhone, cũng như phải phát triển chíp 8 lõi, 16 lõi hay cao hơn, nhưng họ không cho là như vậy.

Và thị trường điện thoại những năm sau đó diễn ra đúng như những gì HKPhone dự báo. OPPO đã đi theo hướng này và cho ra đời các sản phẩm Oppo F1s Selfie rất  đẹp và kiểu dáng khá giống với iPhone, giá bán khoảng 6 triệu đồng”.

 Biết không thể tiếp tục làm điện thoại, cuối năm 2013 công ty HKPhone đã tách một nhóm riêng nghiên cứu làm xe đạp, xe máy điện. Và đến cuối năm 2014, HKPhone chính thức đóng cửa, chuyển hướng dồn nguồn lực cho phát triển xe máy điện HKBike. Đây là bài học kinh nghiệm xương máu về khởi nghiệp đối với Lê Hoàng Long và các bạn của anh.

PEGA - tham vọng thương hiệu toàn cầu

Để phát triển dòng xe đạp, xe máy điện HKBike (nay là xe đạp, xe máy điện PEGA - cũng là tên mới của công ty: CTCP Xe điện toàn cầu PEGA LTT), Lê Hoàng Long và đồng nghiệp đã đi tìm gặp nhiều nhà sản xuất linh, phụ kiện xe điện trong nước, nhưng họ không tiếp.

Nhiều đối tác chê PEGA làm gì có tiền, sao cạnh tranh được với những hãng lớn, với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc. Vì vậy, thời gian đầu PEGA vẫn phải làm thương mại. Lợi thế của công ty lúc đó là đã có kinh nghiệm phát triển hệ thống phân phối điện thoại nên phát triển hệ thống đại lý xe đạp, xe máy điện rất nhanh.

Mẫu xe đạp điện của PEGA.

Mẫu xe đạp điện của PEGA.

Trong khoảng 4 năm (2013-2016) PEGA đã phát triển được 230 showroom xe đạp, xe máy điện cùng hơn 500 cửa hàng cấp 2 trên cả nước. Dù khá thành công trong phân phối sản phẩm xe điện của nhiều hãng, nhưng PEGA vẫn xác định phải làm ra được sản phẩm của chính mình.

Theo đó, PEGA đưa người qua làm việc, thực hành ở Tập đoàn công nghệ Bosch (Đức); liên hệ với các hãng Honda, Yamaha (Nhật Bản) đặt làm linh kiện sản xuất xe điện. PEGA cũng tập trung đầu tư hệ thống nhà máy lắp ráp xe điện, với đội ngũ kỹ thuật viên, công nhân lành nghề đông đảo.

Có thể khẳng định rằng trong chuỗi hơn 300 nhà cung ứng, sản xuất linh kiện xe đạp điện hiện nay, nếu PEGA có nhu cầu đặt hàng, họ đều sản xuất, cung ứng đủ đúng theo tiêu chuẩn của Pega. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, PEGA đã lần lượt cho ra đời nhiều dòng xe đạp điện được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng.

 Lê Hoàng Long bật mí cuối năm 2017 sẽ cho ra đời dòng xe điện thông minh Smart In Scooter, với đầy đủ tính năng thông minh như một chiếc điện thoại, như kết nối với iPhone; có kết nối GPS, có chỉ dẫn đường, hệ thống chống trộm, mất xe chỉ cần bấm nút điều khiển xe tự khóa; có ECU, bộ điều chỉnh tốc độ…

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, PEGA cũng đang nghiên cứu sản phẩm xe đạp trợ lực, với nhiều tác dụng như tập thể dục, đi nhanh đi chậm tùy theo chế độ điều khiển, có thể leo dốc và đạt được vận tốc 40km/h. Hiện PEGA đang cung cấp ra thị trường 6 sản phẩm xe đạp, xe máy điện như Zinger Color 2, Cap-A2, Crazy Bull, Top Class, Maxxer, X-Men Plus 2.

Trong năm 2017 PEGA đặt mục tiêu chinh phục thị trường trong nước với nhiều mẫu xe mới, doanh số mục tiêu bán ra khoảng 150.000 xe. Và trong 3 năm tiếp theo PEGA sẽ hướng tới mục tiêu chinh phục 50% thị trường xe đạp điện trong nước. Tiếp đó, PEGA sẽ hướng tới xuất khẩu xe đạp, xe máy điện ra thị trường thế giới. Để thực hiện các mục tiêu này, PEGA đang xây dựng nhà máy lắp ráp rộng 15.000m², công suất 40.000 xe/tháng tại Khu công nghiệp Yên Dũng (Bắc Giang).

Các tin khác