2017 là năm giảm phí cho doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Sáng nay 17-5, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2017. 
2017 là năm giảm phí cho doanh nghiệp
Với chủ đề “Đồng hành cùng DN”, hội nghị có sự tham dự trực tiếp của khoảng 2.000 đại biểu (gấp 4 lần năm 2016) và sự tham gia trực tuyến của lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cùng các đại biểu DN. Hội nghị thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hỗ trợ DN phát triển, thực sự là động lực phát triển của đất nước. 
Vẫn còn nhiều rào cản
 Để tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật phải thực hiện từ Trung ương đến địa phương, bí thư, chủ tịch tỉnh, thành ủy, phải lo vấn đề này. Tinh thần nói phải đi đôi với làm. Tôi sẽ ký ban hành Chỉ thị 20 chấn chỉnh công tác thanh, kiểm tra DN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 
Báo cáo tổng hợp kiến nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về kết quả thực hiện Nghị quyết  35/NQ-CP của Chính phủ để hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, cho thấy các vấn đề DN kiến nghị chủ yếu tập trung vào cải cách hành chính (tập trung vào việc cải tiến thủ tục thuế, hải quan, tiếp cận đất đai, thanh tra, kiểm tra, môi trường; tinh thần, thái độ phục vụ của các công chức làm việc trong lĩnh vực trên…), về tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo; giảm chi phí kinh doanh cho DN (tập trung vào việc đảm bảo  mặt bằng lãi suất phù hợp, giảm giá thuê đất, giảm mức thu phí tại một số dự án BOT, các loại phí, lệ phí khác...).
Một điểm đáng lưu ý là nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm như Nghị quyết 35 đã đề ra. Việc DN 1 năm phải tiếp 6-7 đoàn thanh tra, kiểm toán, thậm chí trên 10 đoàn chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức.  Theo nghiên cứu “Khảo sát về môi trường kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới năm 2017, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản ở mức cao so với các nước trong cùng khu vực như Singapore hay Malaysia. Đặc biệt chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam cao gấp gần 49 lần so với Philippines; chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4, ở mức 39,1% lợi nhuận, cao hơn 2 lần so với Singapore… Đây thực sự là một vấn đề rất đáng quan ngại bởi làm giảm năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam. Các vấn đề khác liên quan đến chi phí cũng đang gây mối quan ngại lớn như chi phí logistics (thí dụ như vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại, khoảng 100km, đắt gấp 3 lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam); thuế xuất nhập khẩu; chi phí thuê mặt bằng kinh doanh trong nước quá cao gây khó khăn cho DNNVV; chi phí lao động (thí dụ như so với nhiều nước và trong khối ASEAN, Việt Nam đang có mức đóng bảo hiểm cao nhất với 32,5%, trong khi đó, Malaysia 13%, Phillippines 10%, Indonesia 8%)...
2017 là năm giảm phí cho doanh nghiệp ảnh 1
Cơ chế chính sách, pháp luật chưa tạo thuận lợi
 Nhiều điều kiện sản xuất kinh doanh không phù hợp “đến Boeing cũng không thể làm được”, tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, “trên nóng dưới lạnh” còn phổ biến. Nhiều bộ, ngành, địa phương chỉ giải thích, không giải quyết kiến nghị của DN... vẫn là những thách thức, rào cản cần giải quyết, gỡ bỏ trong thời gian tới. 
Ông Vũ Tiến Lộc
Chủ tịch VCCI
Báo cáo của Bộ Kế hoạch-Đầu tư do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày dù ghi nhận môi trường kinh doanh đã có sự cải thiện, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc của DN… khi triển khai Nghị quyết 35 thời gian qua, nhưng cũng chỉ ra không ít điểm cần phải cải thiện. Chẳng hạn dù mặt bằng lãi suất ổn định từ tháng 9-2016 đến nay, lãi suất cho vay giảm (phổ biến 6-9%/năm đối với ngắn hạn, 9-11%/năm trung và dài hạn)… nhưng phản ánh từ cộng đồng DN cho thấy việc thế chấp tài sản tại tổ chức tín dụng còn nhiều khó khăn; ít DNNVV tiếp cận được bảo lãnh tín dụng từ các quỹ…  Về chi phí, vấn đề này một lần nữa lại được chỉ ra như: vay vốn, logistics, tiền lương, bảo hiểm, chi phí giao dịch, tuân thủ thủ tục… “Năng lực nội tại và ý chí kinh doanh của nhiều DN còn thấp, thể hiện rõ ở quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu; năng lực quản trị hạn chế, dẫn đến năng suất và hiệu quả kinh doanh, sức cạnh tranh kém; chủ yếu tham gia ở phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp. DN trong lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo chỉ chiếm 16% tổng số DN đang hoạt động, còn lại chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, xây dựng, bất động sản. Đây là rào cản lớn nhất hạn chế khả năng tham gia cụm, chuỗi giá trị sản xuất trong nước, khu vực và toàn cầu” - ông Nguyễn Chí Dũng nói. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng chỉ ra những quy định pháp luật, cơ chế chính sách chưa thực sự tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, làm phát sinh những thủ tục không cần thiết, không hợp lý, tiếp tục gây khó khăn cho việc thực hiện; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn chồng chéo, kéo dài gây khó khăn cho DN. Điển hình có DN ở Đồng Nai trong 1 tháng bị thanh kiểm tra 3 lần, có DN ở địa phương khác bị thanh tra 12 lần/năm.
2017 là năm giảm phí cho doanh nghiệp ảnh 2  
Nhận thức người đứng đầu chưa đổi mới
Một nguyên nhân quan trọng khiến việc hỗ trợ sự phát triển của DN thời gian qua bộc lộ nhiều hạn chế, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đó là nhận thức của người đứng đầu một số bộ ngành, địa phương về ý nghĩa và tầm quan trọng triển khai Nghị quyết 35 chưa đầy đủ, sâu sắc, dẫn đến việc triển khai chưa quyết liệt, hiệu quả; còn tồn tại nhiều cán bộ, công chức chưa tự đổi mới tư duy, từ quản lý DN sang lấy DN làm đối tượng phục vụ… Ngoài ra có thể kể đến nguyên nhân nữa là văn hóa phương Đông có thiên hướng ít thay đổi, ngại đổi mới, có tâm lý sợ rủi ro. Đây là rào cản rất lớn cản trở các DN Việt Nam chấp nhận thách thức để bứt phá vươn lên, bắt kịp với xu thế mới của hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4… “Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành chỉ thị nhằm tiếp tục tăng cường triển khai hiệu quả Nghị quyết 35. Yếu tố then chốt là người đứng đầu các bộ ngành, địa phương phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc tinh thần Nghị quyết 35, chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo thực hiện một cách chủ động, quyết liệt và hiệu quả; cán bộ công chức phải thay đổi tư duy, thái độ, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ” - ông Dũng nói. Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, kiến nghị cần tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức viên chức cơ sở trực tiếp làm việc với DN. “Ở địa phương cán bộ đi chơi quá nhiều, tránh mua quan, bán chức để chọn được người tài như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng”- ông Đệ nói. Cũng theo ông Đệ, “cái gì tư nhân làm được thì Nhà nước không làm nữa”, phải tạo cơ chế bình đẳng… tránh tình trạng “cái gì dễ thì công làm, khó thì đẩy cho tư”. Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Bức tranh kinh tế Việt Nam đã sáng hơn, tốt hơn; nhiều tổ chức thế giới ghi nhận đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam đã được cải thiện. Do vậy tinh thần nói phải đi đôi với làm, trong chiều nay tôi sẽ ký ban hành Chỉ thị 20 chấn chỉnh công tác thanh, kiểm tra DN. Đồng thời khẳng định cam kết xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh để tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh”. Theo Thủ tướng, so với hội nghị năm trước, những ý kiến góp ý gay gắt đã bớt đi rất nhiều, chứng tỏ chúng ta đã “gãi đúng chỗ” chứ không phải “ngứa trên đầu, gãi dưới chân”. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhìn nhận thực tế vẫn còn nhiều rào cản và Chính phủ đã nhận diện được vấn đề này. Đó là thể chế chính sách chưa giải quyết triệt để, văn bản dưới luật còn mâu thuẫn, mất thời gian cho DN; thuế, phí còn cao; giấy phép con chưa được loại bỏ, vẫn còn tình trạng cán bộ viên chức nhũng nhiễu, gây khó khăn cho DN... Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ sẽ xây dựng chính sách bình đẳng giữa công và tư trong hoạt động kinh tế. Với quyết tâm tháo gỡ khó khăn cho DN, Thủ tướng nhấn mạnh: “Năm nay là năm giảm chi phí cho DN”. Trong đó sẽ giảm gánh nặng phí thủ tục hành chính, logistics, kiểm định, giám định các phí kiểm tra của Nhà nước, thuế... Cũng theo Thủ tướng, Chính phủ cần sự đồng lòng, đồng tâm của các DN cùng quyết tâm của hệ thống chính trị. Chính phủ, viên chức phải sẵn sàng bảo vệ DN làm ăn chân chính, bảo vệ quyền tự do kinh doanh của các DN, bảo vệ quyền tài sản… 

Các tin khác