Vai trò Trung Quốc trong chủ nghĩa tư bản toàn cầu (Kỳ 1)

(ĐTTCO) - LTS: GS. Jörn-Carsten Gottwald  và GS. Sebastian Bersick là 2 giáo sư nổi tiếng, giảng dạy toàn thời gian về chính trị Đông Á tại Đại học Ruhr, Bochum, CHLB Đức.
Hai vị còn được mời giảng dạy tại các trường đại học nhiều nơi trên thế giới, đã in nhiều ấn phẩm nghiên cứu về các vấn đề quản lý nhà nước, lĩnh vực tài chính, kinh tế chính trị Trung Quốc; có nhiều tác phẩm nghiên cứu chuyên sâu về quan hệ EU-châu Á... Nhằm cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn đa chiều, ĐTTC trân trọng giới thiệu (lược dịch) tác phẩm mới của 2 vị giáo sư này với tiêu đề: “Nguồn lực nội địa của Trung Quốc trong vai trò cải cách chủ nghĩa tư bản toàn cầu”.

 Khối BRICS và hình ảnh Trung Quốc trỗi dậy

Lời tác giả: Sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc, đại diện cho một thế lực mới, làm dấy lên các câu hỏi cơ bản về tương lai của nền quản trị tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, điều này lại đối nghịch sâu sắc với các quan điểm truyền thống của Trung Quốc – luôn  đặt ưu tiên vào chủ quyền lãnh thổ, từ đó tách biệt nước này khỏi chủ nghĩa đa phương. Từ lập trường của Trung Quốc, có thể thấy sự đối lập rõ ràng giữa những kỳ vọng bên ngoài về vai trò tương lai của Trung Quốc với những can thiệp quốc tế truyền thống được tập trung cao độ. Vì vậy, đến nay Trung Quốc vẫn khá mờ nhạt trong các khởi xướng chính sách cũng như những đề xuất cải cách thể chế. Do đó bài viết này sẽ tiếp cận theo thuyết vai trò để phân tích những chuyển dịch đang diễn ra trong chính sách kiểm soát nền tài chính toàn cầu của Trung Quốc trong bối cảnh các nước G20 có nhiều thay đổi. 
Ảnh hưởng ngày càng tăng 

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (KHTCTC) nổ ra ở Hoa Kỳ vào năm 2007-2008 đã làm thay đổi sâu sắc nền chính trị toàn cầu. Thậm chí, chỉ cần nhìn thoáng qua những hình ảnh tại các hội nghị thượng đỉnh G7/8 và các cuộc họp giải quyết khủng hoảng của hội nghị thượng đỉnh G20 đã có thể thấy ngay sự đa dạng mới với mức độ phức tạp hơn: Xen lẫn những đại diện của trật tự chủ nghĩa tư bản toàn cầu trước đây là đại diện của những thế lực mới nổi ở châu Phi, các nước Ả Rập, châu Á và Mỹ Latin.
Rõ ràng, các nỗ lực nhằm cải cách nền quản trị kinh tế thế giới và tái cấu trúc chủ nghĩa tư bản toàn cầu để ứng phó với cuộc KHTCTC, phụ thuộc lớn vào nguồn cung ứng từ các nước ở bán cầu Nam. Với dân số lớn, khả năng phát triển kinh tế mạnh mẽ và hình thái quản trị đặc trưng, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (gọi tắt là Trung Quốc) đã chiếm lĩnh vị trí trung tâm sân khấu – ít nhất là trong kỳ vọng của nhiều nhà quan sát trong và ngoài nước.

Vai trò Trung Quốc trong chủ nghĩa tư bản toàn cầu (Kỳ 1) ảnh 1 Con đường danh vọng ở Los Angeles với Nhà hát Trung Hoa và các quảng cáo tiếng Trung Quốc dày đặc.  
Cuộc KHTCTC đã tàn phá nghiêm trọng các nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong đó có Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU). Điều này dẫn đến một quan điểm mới, nhận được nhiều sự đồng thuận, cho rằng các nước mới nổi ở bán cầu Nam cần gia tăng ảnh hưởng và đảm đương nhiều trọng trách hơn trong việc quản lý nền kinh tế toàn cầu. Kết quả là, những chuyển đổi mang tính hệ thống đã diễn ra, với việc hình thành nhóm G20 mới, sự khủng hoảng trong quan điểm về khái niệm G7/G8 cũng như sự xuất hiện của nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Sau hơn 3 thập niên cải cách kinh tế xã hội, Trung Quốc đã “thực hiện một nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” (Điều 15, Hiến pháp Trung Quốc). Thêm vào đó, sự bùng nổ về kinh tế đã cung cấp những nguồn lực đáng kể giúp giải quyết cuộc KHTCTC. Vì vậy, nền kinh tế Trung Quốc tuy chịu sự suy giảm lớn trong xuất khẩu, nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã nhanh chóng phục hồi. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng cùng cách thức xử lý dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phơi bày những mất cân bằng cốt lõi và các điểm yếu cấu trúc trong trật tự nền kinh tế nội địa cũng như mô hình phát triển của quốc gia này. 

Sự phụ thuộc vào đầu tư công, công nghệ nước ngoài và thị trường xuất khẩu đang là vấn đề mấu chốt trong các chính sách cải cách sâu rộng hơn của Trung Quốc. Ban đầu, cuộc tranh luận về KHTCTC ở Trung Quốc cho thấy sự tự mãn của nước này ở một mức độ nào đó trước những thất bại của chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ. Tuy nhiên, theo thời gian, rất nhiều luồng ý kiến đa dạng cạnh tranh nhau, từ tầm vóc vĩ đại của một quốc gia đến tính tự giới hạn, hay nhận thức về tính dễ tổn thương của nền kinh tế đã được thảo luận trong giới hoạch định chính sách. 

BRICS - đối trọng mới

Chúng tôi ủng hộ quan điểm cho rằng các bước đi trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc “có thể được lý giải một cách xác đáng nhất thông qua phân tích cấu trúc nội địa và tình hình chính trị của quốc gia này”. Chính sách ngoại giao của Trung Quốc từ lâu đã bị “những ưu tiên cải cách trong nước” chi phối và đến nay, được cho là sẽ tạo điều kiện cho quá trình phát triển kinh tế xã hội tiếp tục diễn ra. Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc hội nhập ngày càng sâu hơn vào thị trường toàn cầu và từ từ mở cửa hệ thống tài chính, cách thức quốc gia này đóng góp không chỉ vào việc kiểm soát cuộc KHTCTC, mà còn trong tái cấu trúc các thể chế tài chính quốc tế, là vấn đề tối quan trọng.

Hoa Kỳ đã và đang sử dụng diễn đàn các hội nghị thượng đỉnh G20 để yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ trong việc tái cân bằng nền kinh tế thế giới. Trong bối cảnh khủng hoảng, lập trường của Hoa Kỳ với Trung Quốc bao gồm 2 yếu tố chính: một là, kêu gọi giới lãnh đạo Trung Quốc hợp tác như một bên liên quan có trách nhiệm và hai là, hạn chế sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, một đối thủ tiềm năng lớn và có quyền phủ quyết trong quản trị kinh tế toàn cầu. 

Thực trạng cuộc khủng hoảng nợ công đang đe dọa những nền tảng thống nhất của châu Âu, không còn thể hiện thái độ tự tin như trước khủng hoảng với việc rao giảng mô hình và chỉ dẫn cho các cường quốc mới nổi đang thay thế vai trò của họ trong các diễn biến toàn cầu. Lúc cuộc khủng hoảng mới bắt đầu, chính phủ các nước EU vẫn còn tiếp tục xây dựng những cơ chế nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các tổ chức Trung Quốc vào châu Âu.
Trong suốt cuộc khủng hoảng, mối lo sợ Trung Quốc sẽ trỗi dậy thành kẻ thống trị mới của thế giới đã chuyển sang cách nhìn nhận quốc gia này là một đối tác chiến lược, có thể cứu được nền kinh tế châu Âu mặc dù chưa thực sự sẵn lòng. Tóm lại, EU đã bắt tay cùng Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc có những cam kết cao hơn trong quản trị tài chính toàn cầu mới bao gồm các thay đổi chính sách và luân chuyển tài chính.

Tất cả các nước trong khối BRICS đều là thành viên của G20, tuy chia rẽ nhưng là những bên có tiếng nói quan trọng khác. Brazil, Trung Quốc đã sử dụng BRICS làm một diễn đàn quan trọng để thể hiện hình ảnh của mình như người phát ngôn hay người đại diện cho các nước mới nổi đang phát triển, cho rằng: “Liên minh cùng khối BRICS không những giúp Trung Quốc đối trọng với Hoa Kỳ mà còn mang lại rất nhiều lợi ích khác cho quốc gia này: như ổn định môi trường quốc tế, hỗ trợ các nước đang phát triển khác, tăng cường bản sắc với vị thế của một quốc gia đang phát triển, phối hợp vai trò với các nước khác trong khối BRICS để tối đa hóa đòn bẩy vốn, và ẩn mình trong một nhóm để tránh những chú ý tiêu cực”.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ, EU và, ở mức độ thứ cấp, là BRICS không được xem là tâm điểm được tập trung trong các cuộc tranh luận, bởi các quốc gia và liên minh này đại diện cho 3 đối trọng khác nhau: Một đã thiết lập được vị thế bá chủ (Hoa Kỳ), một là nền kinh tế lớn nhất và có nguồn lực kinh tế đã tồn tại lâu đời (EU), và một là hệ thống tổ chức mới, phi truyền thống gồm các cường quốc đang cùng nổi lên (BRICS).

Nhận thức vai trò toàn cầu mới 

Cuộc KHTCTC và tác động của nó đến nền quản trị tài chính toàn cầu đã khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc bất ngờ. Trước khi cuộc khủng hoảng nổ ra, Trung Quốc tiếp cận nền quản trị toàn cầu một cách hiệu quả theo hướng dài hạn. Nước này quan sát từ bên ngoài, và không có những đóng góp chủ động từ bên trong. Quốc gia này cũng đã hạn chế sự tham gia của mình theo mong muốn của người dân trong nước. Khi nhóm G20 được thành lập, tại những hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của G20, giới lãnh đạo Trung Quốc đã lên tiếng ủng hộ việc phối hợp hành động giữa các quốc gia trên toàn thế giới nhằm đối phó với cuộc KHTCTC. Tuy nhiên, họ lại không mong muốn tìm kiếm một kết cấu điều tiết mới ở cấp độ toàn cầu.
Ông Ngô Kính Liễn (Wu Jinglian), chuyên gia kinh tế cao cấp có nhiều ảnh hưởng, đã sớm kêu gọi Trung Quốc có khả năng tái xác định vai trò của mình trong hệ thống tài chính thời kỳ hậu Bretton Woods. Hệ thống mới này cần phục vụ cho lợi ích của mọi quốc gia và không nên bị đồng USD chi phối. Tuy nhiên, ông Trần Đông Hiểu (Chen Dongxiao) cho rằng “tình hình thiếu vắng sự đồng thuận trong nội bộ Trung Quốc về vai trò của G20 như một thể chế quản trị toàn cầu mới đang dẫn đầu”. Các động thái thận trọng chi phối bởi thái độ hoài nghi đối với tính bền vững của G20.

Những quan điểm khác nhau về vai trò của Trung Quốc trong nền quản trị tài chính toàn cầu dẫn đến câu hỏi Trung Quốc cần tận dụng tối đa tình hình khủng hoảng như thế nào, và quốc gia này nên đi xa đến đâu trong việc nắm giữ vai trò lãnh đạo. Việc tăng cường vai trò toàn cầu đòi hỏi Trung Quốc phải đẩy mạnh tiến trình cải cách trong nước ở lĩnh vực các dịch vụ tài chính đầy khó khăn, bao gồm tài chính công.
Thực hiện cải cách trong mảng này sẽ là mối đe dọa cho những lợi ích đã được thiết lập và làm căng thẳng thêm cuộc đấu đá tranh giành quan liêu, như giữa Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia hoặc giữa Bộ Tài chính và PBoC. Ở góc nhìn bao quát hơn, việc nắm vai trò lãnh đạo trong G20 được cho sẽ gây ra những rủi ro mới về chiến lược.
Nếu Trung Quốc chọn cách tiếp cận chủ động hơn trong khi các đối tác quan trọng nhất của nước này đang bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng theo nhiều cách khác nhau, chiến lược địa chính trị của Trung Quốc sẽ bị tác động như thế nào? Trước mắt, việc nhìn nhận lại vai trò của Trung Quốc phụ thuộc vào những tranh luận khắt khe về vai trò, không chỉ giữa những kỳ vọng trong và ngoài nước, mà còn giữa các thành phần khác nhau thuộc cộng đồng chính sách ngoại giao tại Trung Quốc.
 Trung Quốc đang trong giai đoạn xác định lại mô hình phát triển, và trên cơ sở đó nhận thức về vai trò quốc gia mới của mình. Mặc dù có những mối quan tâm khác nhau liên quan đến Trung Quốc, các cuộc thảo luận đều công nhận quốc gia này đã từ bỏ thái độ cách biệt đầy hoài nghi trước đây đối với nền quản trị toàn cầu và các cam kết đa phương; được kỳ vọng sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong việc tái thiết lập nền quản trị tài chính toàn cầu.
(Còn tiếp)

Các tin khác