Tỷ phú xưa và nay (kỳ 2): Vua thép Andrew Carnegie

Andrew Carnegie chào đời ở Dunfermline, Scotland vào ngày 25-11-1835. Nỗ lực vượt qua nghèo khó, Andrew trở thành người giàu thứ 2 trong lịch sử cận và hiện đại, chỉ sau John D. Rockefeller. Ông còn được biết đến như người giúp tạo ra nhiều triệu phú USD nhất.

Andrew Carnegie chào đời ở Dunfermline, Scotland vào ngày 25-11-1835. Nỗ lực vượt qua nghèo khó, Andrew trở thành người giàu thứ 2 trong lịch sử cận và hiện đại, chỉ sau John D. Rockefeller. Ông còn được biết đến như người giúp tạo ra nhiều triệu phú USD nhất.

> Tỷ phú xưa và nay (kỳ 1): Vua dầu Rockefeller, tỷ phú đầu tiên

Thời niên thiếu nghèo khó

Khi Carnegie 13 tuổi, sự nghèo khó khiến cha ông, William Carnegie quyết định rời bỏ quê hương, sang Allegheny, Pennsylvania (Hoa Kỳ) vào năm 1848 để tìm cơ hội mới.

Tuy nhiên cái nghèo vẫn đeo bám gia đình ông. Cha của Carnegie phải dệt khăn trải bàn và đem bán dạo từng nhà, trong khi mẹ ông kiếm thêm thu nhập bằng cách giặt mướn tại nhà và khâu giày cho một người thợ giày.

Để phụ giúp gia đình, Carnegie phải đi làm 12 giờ/ngày và 6 ngày/tuần với mức lương chỉ 1,2USD/tuần. Năm sau (1849), ông làm chân giao điện tín. Chính công việc này giúp ông biết và ghi nhớ được tên của hầu như tất cả doanh nghiệp và những nhân vật quan trọng trong vùng.

Có một giai thoại về thời gian này của ông. Người ta kể rằng khi còn là cậu bé đưa điện tín, ông rất thèm làm điện tín viên thực thụ. Vì vậy, buổi tối hết giờ làm việc ông ở lại để học thêm chữ Morse, sáng tới sớm để tập đánh tin. Một buổi sáng có tin quan trọng đặc biệt từ Philadelphia nhưng chưa có điện tín viên nào đến.

Thế là Carnegie chạy lại, nhận tin, chuyển tin và ngay ngày đó được đưa lên làm điện tín viên, lương gấp đôi. Sau này ông thích kể lại lần thành công đầu tiên đó. Từ câu chuyện này, người ta rút ra bài học “muốn trở nên một người ra sao phải hành động như đã là con người ấy”.

Tạo dựng sự nghiệp

Vua thép Andrew Carnegie.

Vua thép Andrew Carnegie.

Năm 1853, ông vào làm ở hãng đường sắt Pennsylvania với vai trò trợ lý và là nhân viên điện báo cho Thomas Scott, một trong các quan chức hàng đầu của ngành đường sắt. Công việc này giúp ông tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm về công nghiệp đường sắt và kinh doanh nói chung.

3 năm sau, Carnegie được thăng chức làm người giám sát. Khi làm việc ở đây, Carnegie cũng bắt đầu đầu tư. Ông có nhiều chọn lựa khôn ngoan và thấy rằng các khoản đầu tư, đặc biệt trong ngành dầu mỏ, đã mang lại những khoản hời lớn.

Ông rời công ty đường sắt vào năm 1865 để theo đuổi những sở thích kinh doanh riêng, bao gồm Công ty Keystone Bridge Company.

Trong 10 năm kế tiếp, Carnegie dành hầu hết thời gian cho ngành thép. Công việc của ông tại Công ty Thép Carnegie đã mở ra thời kỳ cách mạng hóa hoạt động sản xuất thép ở Hoa Kỳ. Carnegie xây dựng các nhà máy trên khắp đất nước, dùng các phương pháp và công nghệ giúp sản xuất thép dễ, nhanh và năng suất cao hơn.

Đối với mỗi bước tiến, ông làm chủ được chính xác những gì mình cần: nguyên liệu thô, tàu hàng và đường sắt để vận chuyển hàng hóa, thậm chí là các mỏ than để nấu thép. Chiến lược kiểm soát từ đầu tới cuối này giúp Carnegie trở thành một thế lực vượt trội trong ngành và trở nên giàu có. Đến năm 1889, Carnegie Steel Corporation là tập đoàn lớn nhất thế giới trong ngành thép.

Một số người cho rằng thành công của công ty đến từ việc bóc lột sức công nhân. Trường hợp đáng chú ý là năm 1892, khi công ty cố giảm lương ở một nhà máy thép tại Homestead, Pennsylvania, nhưng bị công nhân phản đối.

Họ không làm việc và bắt đầu cuộc đình công. Vụ đình công biến thành bạo loạn sau khi các giám đốc địa phương cho bảo vệ tấn công người đình công. Lúc đó Carnegie đi vắng, nhưng người ta vẫn quy trách nhiệm cho ông.

Cống hiến từ thiện

Năm 1901, Carnegie tiến hành thay đổi cuộc đời mình khi bán công ty cho United States Steel Corporation, thuộc sở hữu của huyền thoại tài chính J. P. Morgan. Thương vụ này mang về cho ông 480 triệu USD (tương đương 309,2 tỷ USD ở thời điểm hiện nay).

Ở tuổi 65, ông quyết định dùng hết thời gian còn lại để giúp đỡ người khác. Ông bắt đầu xây dựng thư viện, trường học và đóng góp từ thiện. Ông đã đóng góp khoảng 5 triệu USD cho Thư viện Công cộng New York, giúp thư viện này mở thêm một số chi nhánh năm 1901.

Năm 1904, ông xây dựng Học viện Kỹ thuật Carnegie ở Pittsburgh, bây giờ là Đại học Carnegie-Mellon. Năm 1905, ông sáng lập Quỹ Carnegie vì Phát triển giáo dục. Năm 1910, ông thành lập Quỹ vì Hòa bình quốc tế Carnegie, để cổ súy cho hòa bình.

Ông còn đóng góp cho rất nhiều hoạt động từ thiện khác và hỗ trợ cho hơn 2.800 thư viện được mở cửa. Ước tính ông đã đóng góp 60 triệu USD cho các thư viện, 78 triệu USD cho giáo dục, tặng các giáo đường 7.000 đàn piano…

Khi chiến tranh Tây Ban Nha - Hoa Kỳ kết thúc, Hoa Kỳ mua Philippines từ tay Tây Ban Nha với giá 20 triệu USD. Carnegie đã nhận ra đó là một hành vi đế quốc, đề nghị hiến 20 triệu USD để người Philippines giữ được độc lập, nhưng giới chức Philippines từ chối.

Carnegie mất vào ngày 11-8-1919.

-------

Kỳ 3: Trùm ô tô Henry Ford

Các tin khác