Truyền thuyết kho báu (K5): “Lỗ đen” Money Pit

Dù chưa xuất hiện bất kỳ dấu vết báu vật nào nhưng vẫn thu hút được nhiều nỗ lực đào bới nhất, đó chính là kho báu Money Pit trên đảo Oak, Canada.

Dù chưa xuất hiện bất kỳ dấu vết báu vật nào nhưng vẫn thu hút được nhiều nỗ lực đào bới nhất, đó chính là kho báu Money Pit trên đảo Oak, Canada.

>  Truyền thuyết kho báu (K4): Kho vàng Yamashita

Truyền thuyết kho báu (K3): Mật mã Beale

> Truyền thuyết kho báu (k2): Căn phòng hổ phách

> Truyền thuyết kho báu (K1): Hồ Toplitz

Thiếu niên phát hiện kho báu

Vào năm 1795 ở tuổi 16, Daniel McGinnis tình cờ phát hiện trên đảo Oak (nằm ở Nova Scotia, Canada) có một khoảnh rộng phía trước một cây sồi già mang những vết sẹo kỳ lạ, không giống với dấu tích tạo hóa làm ra. Quan sát kỹ hơn, Daniel thấy nó giống vết cứa của dây thừng và hệ thống ròng rọc dùng để đưa đồ đạc xuống dưới mặt đất, mà ngay dưới cây có một vết lõm đường kính khoảng 5m.

Daniel ngay lập tức nhớ tới những câu chuyện về kho báu cướp biển. Hôm sau, Daniel trở lại đảo Oak cùng với 2 người bạn, Anthony Vaughan và John Smith. Tự trang bị cuốc, xẻng thô sơ, 3 thiếu niên hăm hở săn tìm kho báu.

Bí ẩn kho báu Money Pit cứ thế loan truyền, nó cứ như một “lỗ đen vũ trụ” hút hết mọi kho báu trong truyền thuyết, cũng như nhiều thế hệ săn tìm kho báu về với mình.

Khi bắt đầu đào xới, họ phát hiện nền đất vẫn còn lưu lại những dấu vết can thiệp của con người, sự phấn khích càng tăng khi ở độ sâu 1,2m họ chạm tới một lớp đá phiến. Lớp đá được dỡ đi, để lộ những khối gỗ ở độ sâu 3m, 6m và 9m.

Trong lúc cố gắng di dời những lớp gỗ, các chàng trai đã nhận ra rằng họ sẽ cần thêm công cụ hỗ trợ thích hợp nếu muốn tìm thấy kho báu của đảo Oak. Họ miễn cưỡng quay lại đất liền với lời hứa sẽ trở lại lấy kho báu từ Money Pit (hố tiền). 9 năm sau, Daniel, Anthony và John đã trở lại đảo Oak.

Họ nhanh chóng tìm thấy nơi mình từng đào tìm kho báu, vẫn y như hiện trạng lúc họ rời đi. Lần này, nhờ sự tham gia của Simeon Lynds (một doanh nhân địa phương) nên kế hoạch tìm kho báu đã có được chỗ dựa tài chính và sự hỗ trợ đáng kể từ lực lượng lao động địa phương. Việc khai quật được bắt đầu một cách nghiêm túc, tất cả mọi người nỗ lực làm việc để được chia phần nếu tìm thấy kho tàng.

Trời phụ lòng người

Những người tìm kiếm kho báu ra sức đào sâu hơn. Các kết cấu gỗ sồi tiếp tục được phát hiện ở độ sâu 12m, 15,2m và 18,2m có gia cố thêm chất liệu xơ dừa và trét mát tít. Tới 21,3m, họ gặp một nền toàn gỗ sồi. Tiếp theo, ở 24,4m có nhiều gỗ sồi hơn được gắn kết bằng mát tít.

Đặc biệt, niềm vui bùng lên khi ở độ sâu 27,4m họ phát hiện một hòn đá lạ, không phải đá có nguồn gốc từ Nova Scotia, trên đó có một dòng chữ. Đáng buồn thay, nhóm đào bới không hiểu tầm quan trọng của những mật mã và không thể đọc được đó, dù vậy, họ phấn khởi tin rằng chỉ cần vượt qua hòn đá thì có thể chạm tay vào kho báu.

Họ vội vã di dời hòn đá bí ẩn, nhưng bên dưới không hề có vàng bạc châu báu như dự kiến mà chỉ có thêm một lớp gỗ nữa. Màn đêm buông xuống, tầm nhìn hạn chế, đồng thời càng đào sâu thì nước càng trở thành khó khăn lớn, nhóm thợ nghĩ rằng kho tàng đã nằm đó nhiều năm không suy suyển thì chờ thêm một đêm nữa cũng có sao đâu, nên họ quyết định dừng toàn bộ việc đào bới, giải tán chờ tới sáng mai.

Chắc hẳn họ đã rời đảo với tâm trí choáng ngợp những suy nghĩ về cướp biển và kho tàng to lớn. Nhưng, ngày hôm sau là Chủ nhật, mà niềm tin tôn giáo không cho phép làm việc vào ngày này nên sớm ngày thứ Hai, họ hăm hở trở lại đảo Oak. Tuy nhiên, chào đón họ là một cảnh tượng khủng khiếp: Money Pit ngập đầy nước biển.

Đảo Oak, nơi có kho báu Money Pit bí hiểm.

Đảo Oak, nơi có kho báu Money Pit bí hiểm.

Cái hố trở thành một giếng chứa nước, với mực nước được duy trì ở mức 10m cách miệng hố. Tất cả mọi nỗ lực bơm hút nước đều thất bại, không thể nào đào tiếp và dự án đã bị bỏ rơi trong 1 năm. Nhóm thợ trở về với công việc nông trại. Sau đó, họ quyết định thử phương án đào một cái hố mới gần với cái hố chính, nhờ nguyên tắc bình thông nhau để dẫn nước từ hố chính qua hố mới.

Ở độ sâu 33,5m, họ đã nối hố chính với hố mới nhưng kết quả không như mong đợi. Nguy hiểm hơn, nhóm thợ suýt bị chôn sống vì thành hố mới đổ sụp, và hố cũ lại ngập như trước. Smith, chủ đảo kiêm thủ lĩnh nhóm thợ, bắt đầu tuyệt vọng, tin rằng trời muốn họ thất bại. Smith đã từ bỏ, chấp nhận kho báu vuột khỏi tầm tay. Đây cũng là cảm giác rất nhiều thợ săn kho báu đời sau gặp phải, bất kể họ trang bị những thiết bị tiên tiến hơn như máy dò kim loại và radar.

Cũng vì sự bí ẩn của Money Pit nên hầu như bất kỳ kho báu mất tích nào cũng được cho là có thể đã cất giấu ở đây, thí dụ như kho báu thuyền trưởng Kidd, kho báu tướng cướp Râu đen, kho báu các hiệp sĩ dòng Đền, trang sức của Hoàng hậu Pháp Marie Antoinette, tàu vàng Tây Ban Nha…

Theo truyền thuyết, kho báu được bảo vệ bởi những cái bẫy tinh vi. Mặc dù đã phát hiện nhiều kiến trúc nhân tạo chôn vùi sâu dưới lòng đất nhưng cho đến giờ vẫn chưa có dấu hiệu của bất kỳ kho báu nào ngoại trừ dòng chữ trên hòn đá kỳ bí được giải mã ra là: 40 foot (12,2m) bên dưới chôn giấu 2 triệu pound. Đảo Oak hiện tại vẫn là một đại công trường khai quật của những người tin vào huyền thoại Money Pit.

Các tin khác