Trung Quốc xử lý nợ xấu (K2): Biến nợ thành “vàng”?

Đó là tựa đề của bài báo trên Bloomberg ngày 10-10 nói về việc các AMC Trung Quốc đã thành công trong việc xử lý nợ xấu và nay có lợi nhuận hàng chục tỷ NDT, thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.

Đó là tựa đề của bài báo trên Bloomberg ngày 10-10 nói về việc các AMC Trung Quốc đã thành công trong việc xử lý nợ xấu và nay có lợi nhuận hàng chục tỷ NDT, thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.

> Trung Quốc xử lý nợ xấu (K1): AMC ra đời

Tài sản tăng gấp 3

Bloomberg trích báo cáo của các AMC cho biết khi mới thành lập, 4 AMC được vay 570 tỷ NDT từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), sau đó huy động thêm 820 tỷ NDT bằng cách bán trái phiếu cho 4 ngân hàng quốc doanh (SOB) lớn nhất (xem lại kỳ 1).

Trong quá trình tái cơ cấu năm 2003-2005, các AMC tiếp quản thêm nhiều khoản nợ xấu khác từ các ngân hàng lớn, loại bỏ hàng ngàn tỷ NDT nợ xấu ra khỏi bản kế toán của các ngân hàng, giúp những định chế suy vi ngày nào trở thành những nhà cho vay thành công nhất thế giới. Cuối tháng 6 vừa qua, 4 SOB báo cáo tỷ lệ nợ xấu chưa tới 1%.

Các AMC cũng giúp hồi sinh các tập đoàn của Trung Quốc bằng cách chuyển đổi 405 tỷ NDT các khoản vay quá hạn thành cổ phần ở 601 doanh nghiệp nhà nước (SOE) lớn nhất. Nhờ thoát được các khoản nợ không thể trả, nhiều SOE vốn thua lỗ nặng như Tập đoàn Nhôm Chalco và Tập đoàn Dầu khí China Petroleum & Chemical Corp. đã hồi sinh và trở thành những công ty dẫn đầu trong ngành về lợi nhuận.

Các SOE hồi sinh cũng giúp AMC gia tăng giá trị tài sản nhờ cổ phần tại các SOE được định giá cao hơn. Chẳng hạn, năm 2001 Cinda mua 2 tỷ NDT nợ xấu của Chalco và chuyển đổi thành 21% cổ phần. Chưa đầy 3 tháng sau, số cổ phần này được định giá 2,2 tỷ NDT trên sàn chứng khoán Hồng Công. Hiện Cinda vẫn nắm giữ 5,9% cổ phần của Chalco, có thị giá 3,5 tỷ NDT.

Tổng vốn của 4 AMC đã tăng hơn 3 lần lên 148 tỷ NDT từ năm 1999. “Điều đó giúp các AMC có thêm tiềm lực tài chính để giải quyết các tài sản xấu vốn vẫn còn tồn tại trong hệ thống tài chính của Trung Quốc” - Tân Minh, một nhà phân tích của Jefferies LLC có trụ sở ở Hồng Công, nói.

Sự thành công của các AMC Trung Quốc đã thu hút chú ý của nhiều ngân hàng lớn trên thế giới. UBS và Standard Chartered đã mua cổ phần ở Cinda, công ty đang chuẩn bị bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng với hy vọng huy động 3 tỷ USD vào cuối năm nay.

Hiện Bộ Tài chính Trung Quốc vẫn là cổ đông lớn nhất của Cinda nắm 83,5% cổ phần, trong khi Quỹ Hưu trí quốc gia sở hữu 8%. UBS nắm 5% trong khi Citic Capital và Standard Chartered nắm lần lượt 2% và 1,5%.

Ôm nợ thêm 10 năm

Tuy nhiên, tất cả những số liệu “hồng” được trích dẫn ở trên hầu như chỉ dựa theo báo cáo của các AMC và nhà nước Trung Quốc. Trong thực tế, có những diễn biến đáng chú ý đã được các nhà quan sát quốc tế ghi lại: Năm 1999, các AMC mua nợ của 4 SOB bằng trái phiếu 10 năm (chiếm 60% tổng giá trị mua bán), nhưng đến năm 2010, họ vẫn chưa thể hoàn trả tiền mua trái phiếu cho các SOB, buộc Bộ Tài chính phải gia hạn số trái phiếu đó thêm 10 năm. Nói cách khác, việc xử lý nợ xấu vẫn chưa kết thúc mà đang giãn ra gấp đôi. Như vậy, không thể nói rằng các AMC Trung Quốc đã thành công trong giải quyết nợ xấu.

Tạp chí Economist gọi việc các AMC Trung Quốc dự định IPO là “trát son lên mặt lợn”. Minh họa: Văn Cường

Tạp chí Economist gọi việc các AMC Trung Quốc dự định IPO
là “trát son lên mặt lợn”. Minh họa: Văn Cường

Đó chính là lý do khiến tạp chí kinh tế uy tín toàn cầu Economist gọi việc các AMC chuẩn bị IPO là “trét son lên mặt lợn” (lipstick on a pig). Tạp chí này đưa ra những cảnh báo việc các AMC Trung Quốc làm gì đối với các khoản nợ xấu đã mua từ các SOB ít ai biết rõ, bởi các công ty này không minh bạch thông tin, không đưa ra được những chứng từ, số liệu thuyết phục.

Trong khi các AMC tuyên bố thành công với việc xử lý nợ xấu mua lại năm 1999, họ chỉ thu được 20% tiền mặt trong tổng số 866 tỷ NDT nợ xấu đã bán, theo Ủy ban Điều tiết ngân hàng Trung Quốc (CBRC). “Tôi không tin các AMC thật sự có lợi nhuận nếu họ phải chứng minh dòng tiền và trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ của họ. Nợ của họ đối với các ngân hàng và nhà nước rất lớn.

Vấn đề khi đầu tư vào các AMC là những định chế này như thùng rác chứa tất cả khoản vay xấu và đầu tư xấu mà nhà nước muốn giấu trong kho hoặc quét dưới thảm. Tôi sẽ không đầu tư vào các công ty AMC” - theo Jack Rodman, người đã tư vấn cho các ngân hàng hàng đầu Trung Quốc và AMC về việc xử lý nợ xấu giai đoạn 2002-2007.

Dù thất bại trong xử lý nợ xấu nhưng các AMC vẫn không ngừng mở rộng sang các lĩnh vực khác như bảo lãnh phát hành chứng khoán và trái phiếu, bảo hiểm và cho thuê tài chính. Cinda có 9 chi nhánh, bao gồm cả những công ty cho thuê tài chính, môi giới, phái sinh, quản lý quỹ, bảo hiểm nhân thọ và tài sản, tín thác và bất động sản. Huarong sở hữu cổ phần trong nhiều công ty tài chính khác nhau, từ ngân hàng và quản lý quỹ cho đến chứng khoán và bất động sản...

Nhưng tại sao một số định chế nước ngoài vẫn muốn mua cổ phần của các AMC? Câu trả lời rất đơn giản: Họ muốn lợi dụng sự hậu thuẫn của nhà nước Trung Quốc đối với các AMC để có thể thu lời trong đợt xử lý nợ xấu kế tiếp. Hồi tháng 8, Goldman Sachs ước tính trong 4 năm qua Trung Quốc đã phát sinh thêm cỡ 3.000 tỷ USD nợ xấu.

Các tin khác