Trung Quốc xử lý nợ xấu (K1): AMC ra đời

Ngày 19-8, hãng tin Reuters trích nguồn tin thân cận cho biết Cinda - 1 trong 4 công ty quản lý tài sản (AMC) được thành lập để xử lý nợ xấu các ngân hàng (NH) Trung Quốc - có kế hoạch IPO vào cuối năm nay. Phải chăng các AMC của Trung Quốc đã thành công tốt đẹp trong việc xử lý nợ xấu, nay đã tới mùa gặt hái lợi nhuận?

Ngày 19-8, hãng tin Reuters trích nguồn tin thân cận cho biết Cinda - 1 trong 4 công ty quản lý tài sản (AMC) được thành lập để xử lý nợ xấu các ngân hàng (NH) Trung Quốc - có kế hoạch IPO vào cuối năm nay. Phải chăng các AMC của Trung Quốc đã thành công tốt đẹp trong việc xử lý nợ xấu, nay đã tới mùa gặt hái lợi nhuận?

Năm 1999, đứng trước nguy cơ phá sản của 4 NH quốc doanh (SOB) lớn nhất nước, Trung Quốc quyết định thành lập 4 AMC, mỗi AMC được cấp 10 tỷ NDT và phụ trách xử lý nợ xấu cho riêng 1 SOB.

Bối cảnh

Ngành NH Trung Quốc bị chi phối bởi 4 SOB lớn, gồm NH Trung Quốc (BOC), NH Xây dựng Trung Quốc (CCB), NH Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) và NH Thương mại và Công nghiệp Trung Quốc (ICBC), chiếm hơn 70% thị trường tín dụng doanh nghiệp và tiêu dùng. Giai đoạn 1970-1999, việc cấp ngân sách cho doanh nghiệp nhà nước (SOE) được chuyển từ ngân sách chính phủ sang SOB.

Đến giữa thập niên 90, hơn 1/2 SOE làm ăn thua lỗ và khoảng 3/4 khoản cho vay của NH là cho SOE, trong đó đa số lẽ ra phải bị xếp vào nợ xấu. Từ năm 1996 trở đi, mỗi năm chính phủ phải bỏ ra khoản tiền lớn để bù các khoản nợ xấu của SOB, trong đó có 40 tỷ NDT năm 1998.

Đến năm 1999, 3 trong 4 SOB có thể đã phá sản nếu những tài sản này được công khai. Theo ước tính của Moody’s Investors Service, tỷ lệ nợ xấu trong các NH này khoảng 30-70% năm 1996, nhưng số liệu của chính phủ là 25% năm 1997 và 10% năm 1998. Chính phủ ước tính tổng nợ xấu trong hệ thống tài chính khoảng 2.800 tỷ NDT (340 tỷ USD), nhưng Pricewaterhouse Cooper ước tính khoảng 500 tỷ USD (xem thêm ĐTTC ngày 8-11-2012).

Trước nguy cơ sụp đổ vì nợ xấu của 4 SOB, Bắc Kinh đã thành lập 4 AMC vào năm 1999, gồm Cinda, Huarong, Orient và Great Wall, lần lượt được giao giải quyết nợ xấu cho CBC, ICBC, BOC và ABC. Trên lý thuyết, tổng số nợ xấu 4 AMC này phải xử lý lên tới 1.900 tỷ NDT, tương đương 19% nợ của các SOB và 16% GDP Trung Quốc năm 1999.

Việc chuyển nợ xấu từ các NH mẹ sang các AMC là những giao dịch được tính bằng giá trị mặt của các khoản vay, điều đó giúp các NH được đền bù đủ tất cả khoản nợ xấu chuyển giao. Bắc Kinh dùng 2 phương pháp để chuyển nợ. Thứ nhất, dùng tiền mặt.

Theo đó các SOB sẽ được thanh toán bằng một số khoản vay của NH Trung ương với lãi suất 2,25%/năm. Cách này chiếm 40% giá trị nợ xấu chuyển giao. Thứ 2, NH mẹ đổi nợ lấy trái phiếu của AMC (được Bộ Tài chính bảo đảm) với lãi suất 2,5%/năm. Cách này chiếm 60%. Hoạt động chuyển giao nợ xấu từ SOB sang AMC được tiến hành cho đến tháng 7-2000, với tổng giá trị 1.394 tỷ NDT (168 tỷ USD).

Giới phân tích cho rằng hầu hết nợ xấu được chuyển giao phát sinh trước năm 1996, tức nợ xấu do những chính sách của nhà nước gây ra. Còn khoảng 1.800 tỷ NDT nợ xấu của các SOB phát sinh sau năm 1996 vẫn không được chuyển cho AMC, tức AMC nhận xử lý chưa tới 50% nợ xấu của các SOB.

Cơ chế đặc biệt cho AMC

Về tổ chức, các AMC hoạt động như một SOE, thuộc quyền quản lý của Ủy ban Kinh tế - Mậu dịch quốc gia (SETC), Bộ Tài chính và NH Trung ương. Cách thức tổ chức và vận hành của các AMC Trung Quốc lúc đó được cho là nhiều rủi ro. Thứ nhất, AMC có cơ chế như SOE, nên việc quản trị gặp phải những vấn đề truyền thống như quan liêu, tham nhũng và bị chi phối mạnh từ chính phủ.

Thứ 2, các AMC được mong đợi tham gia vào một loạt hoạt động tài chính nhưng lại thiếu nguồn nhân lực. Điều quan trọng là họ không thể tuyển dụng nhân tài từ bên ngoài như các AMC ở phương Tây. Thứ 3, quan hệ chồng chéo với các NH mẹ khiến việc xử lý nợ của khách hàng là SOE rất khó khăn. Giới chuyên môn cho rằng để giải quyết nợ xấu triệt để, vấn đề mấu chốt là ngăn dòng chảy nợ xấu mới, tức không để phát sinh thêm nợ xấu.

Nhưng vì cả NH và con nợ SOE vẫn còn những mối quan hệ tài chính, nên việc ngăn chặn phát sinh thêm nợ xấu rất khó khăn. Thứ 4, sự khó khăn trong việc triển khai các chính sách dùng một lần có thể khiến xuất hiện thêm tình trạng vỡ nợ và những vấn đề nghiêm trọng về đạo đức. Một vấn đề khác là thị trường nợ của Trung Quốc lúc đó chỉ mới hình thành và còn rất nhiều lỗ hổng.

Trụ sở Huarong ở Bắc Kinh, 1 trong 4 AMC được thành lập năm 1999 để xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.

Trụ sở Huarong ở Bắc Kinh, 1 trong 4 AMC
được thành lập năm 1999 để xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.

Theo các nhà phân tích, điều đáng lo ngại là khi các AMC trở thành các SOE. Vì thế để AMC hoạt động hiệu quả, ngoài việc cấu trúc phải ngăn chặn thói quan liêu, tham nhũng, có chế độ thưởng phạt công minh đối với nhân viên, AMC cũng cần được tự do tuyển dụng và sa thải nhân viên mà không có hạn chế nào như các SOE. AMC phải được phép ký hợp đồng với các tổ chức chuyên môn nước ngoài để trợ giúp những tình huống nằm ngoài khả năng xử lý.

Dù vậy, nhân viên của các AMC cần được tạo điều kiện để phát triển những kỹ năng quản lý tài sản và tái cấu trúc SOE hiệu quả, trở thành nguồn nhân lực chủ chốt cho việc phát triển thị trường vốn của Trung Quốc về sau. Cuối cùng, để khuyến khích cạnh tranh hiệu quả giữa các AMC, AMC cần độc lập khỏi NH mẹ và sự chỉ đạo trực tiếp từ các cơ quan nhà nước.

Nhằm nắm bắt cơ hội để định đoạt tài sản trên thị trường thứ cấp, chính phủ cần mở cửa thị trường vốn. Khách hàng tiềm năng của các tài sản này bao gồm các công ty tư nhân và những nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

-------------

Kỳ 2: Biến nợ thành “vàng”?

Các tin khác