Trung Quốc thống trị cuộc đua vũ trang AI?

(ĐTTCO) - Khi những cuộc chiến tranh đang chuyển sang môi trường hỗn hợp, nơi không gian ngoài trái đất và không gian mạng ngày càng trở nên quan trọng, cuộc đua ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công nghệ quân sự diễn ngày càng sôi nổi. Bất kỳ ai đạt được sự phổ biến của AI đầu tiên sẽ dẫn trước đối thủ hoặc đồng minh.
Hệ thống Blowfish A-2 của Trung Quốc được quảng cáo có khả năng hoàn thành các cuộc tấn công tự động chính xác.
Hệ thống Blowfish A-2 của Trung Quốc được quảng cáo có khả năng hoàn thành các cuộc tấn công tự động chính xác.
Ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh
Tại một phiên họp của Bộ Chính trị vào năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Phải đảm bảo đất nước tiến lên tốp đầu về nghiên cứu lý thuyết trong lĩnh vực quan trọng AI, chiếm vị trí cao trong các vấn đề công nghệ và cốt lõi". Trong khi đó, tại hội nghị của Ủy ban An ninh Quốc gia về AI vào tháng 11-2019, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, phát biểu: “Những cải tiến trong AI cho phép các phương tiện tự hành có khả năng hơn và tiết kiệm chi phí. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang tích cực triển khai chúng trên nhiều lĩnh vực chiến sự. Vì thế, Mỹ phải đối mặt với nhiệm vụ to lớn trong việc chuyển đổi quân đội tiên tiến nhất thế giới sang các hệ thống hỗ trợ AI mới. Bởi Trung Quốc tin rằng họ có thể đi trước công nghệ hiện tại của chúng ta và tiến thẳng đến thế hệ tiếp theo”.
Với việc AI được coi là thành phần quan trọng của chiến tranh trong tương lai, Trung Quốc đang dốc toàn lực để giành chiến thắng trong cuộc đua, xác định AI là một lĩnh vực quan trọng để hiện đại hóa. Phát triển AI đóng vai trò quan trọng trong tham vọng từ lâu của ông Tập Cận Bình đối với Trung Quốc, khi quốc gia này vươn lên thành siêu cường kinh tế và giờ đây hy vọng sẽ nhân rộng điều này trong lĩnh vực mạng. Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ghi nhận trong Đánh giá An ninh Khu vực châu Á-Thái Bình Dương: “Khi Trung Quốc theo đuổi chiến lược phát triển tập trung vào thúc đẩy đổi mới, sự tranh giành vị trí dẫn đầu trong các công nghệ thông tin thế hệ tiếp theo - đặc biệt AI - cũng là một ưu tiên cốt lõi".
Sách Trắng quốc phòng của Bắc Kinh làm rõ điều này khi cho biết: “Được thúc đẩy bởi cách mạng công nghệ và công nghiệp mới, việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như AI, thông tin lượng tử, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và Internet of Things đang tăng tốc trong lĩnh vực quân sự. Cuộc đua quân sự quốc tế đang trải qua những thay đổi lịch sử”. IISS tin rằng sự thúc đẩy này có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai an ninh và ổn định của châu Á - Thái Bình Dương và hơn thế nữa. 
Trong khi đó, để đối phó với quỹ đạo của Trung Quốc và nhu cầu tập trung vào nghiên cứu AI của mình, Mỹ đã thành lập Trung tâm AI Chung (JAIC) để hợp lý hóa việc phát triển và áp dụng AI. Washington cũng đã ban hành hướng dẫn của Bộ Quốc phòng về việc tích hợp AI ở khắp mọi nơi từ hậu cứ cho đến tiền tuyến.

Trung Quốc sẽ vượt Mỹ?
Nhu cầu giành chiến thắng cuộc đua triển khai AI trong quân sự không nằm ở khu vực tư nhân. Paolo Palumbo, Giám đốc Trung tâm AI Xuất sắc của F-Secure, nhận định: “Điều quan trọng không chỉ là đạt được lợi thế sớm, còn phải tích hợp càng sớm càng tốt. Có AI trong phòng điều khiển sẽ là bước đầu tiên, nhưng sau đó cần tích hợp gần hơn với chiến trường, và khả năng nhanh chóng đạt được giai đoạn đó có thể tạo ra sự khác biệt”.
Robert Vass, người sáng lập và Chủ tịch Viện Nghiên cứu Globsec, lặp lại cảnh báo của Esper về khả năng “đi tắt đón đầu” của Trung Quốc đối với Mỹ. Nói chuyện tại Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 12-2019, Vass giải thích, trong khi Mỹ chiếm ưu thế về các khả năng thông thường trong thời gian khá dài, Trung Quốc đang xác định một điểm họ có thể dẫn đầu. “Chúng ta cần đảm bảo NATO không chuẩn bị cho cuộc xung đột hôm qua, nhưng chúng ta đang chuẩn bị cho cuộc xung đột ngày mai, đặc biệt khi Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ vào AI. Họ sẽ không thể đạt đến trình độ của Mỹ khi nói đến quân đội và quốc phòng truyền thống, nhưng họ có thể đi tắt đón đầu, bởi với công nghệ mới, các thiết bị của chúng ta có thể lỗi thời” - ông nhấn mạnh
Vass nói thêm rằng, việc thúc đẩy AI là một phần của sự thay đổi lớn hơn trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh: “Chúng ta đang chuyển từ các lĩnh vực truyền thống sang lĩnh vực an ninh mạng và sai lệch thông tin. Thậm chí tôi có thể nói là “siêu chiến tranh”, là sự kết hợp của các phương tiện truyền thống với thông tin sai lệch trên mạng”. Ông cũng cho rằng châu Âu chiếm vị trí chiến lược quan trọng trong cuộc chạy đua vũ trang AI. Nên ngay cả khi Mỹ đánh bại Trung Quốc để triển khai AI, họ có thể gây rủi ro khi hợp tác với châu lục này. Một thách thức hầu hết quốc gia phải đối mặt trong sự phát triển AI là phần lớn công nghệ cần thiết đã tồn tại, nhưng khó khăn nằm ở việc tích hợp nó với các hệ thống phòng thủ. 
Có vẻ như ngành công nghiệp AI của Trung Quốc đã ghép ít nhất một số mảng này lại với nhau, như Esper đã chỉ ra trong bài phát biểu của mình tại hội nghị vào tháng 11: “Các nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc đang bán các máy bay không người lái được quảng cáo có khả năng tự chủ hoàn toàn, bao gồm cả khả năng tiến hành các cuộc tấn công có mục tiêu gây chết người”.

Xác định lại sức mạnh quân sự
Với những khả năng đã có trong tay Bắc Kinh, việc phổ biến vũ khí hạt nhân trên quy mô lớn có thể làm thay đổi cán cân quyền lực không chỉ ở Biển Đông mà trên quy mô toàn cầu. Xét cho cùng, việc sản xuất các vật phẩm giá rẻ hàng loạt sẽ rẻ hơn so với việc đóng một tàu sân bay, tàu khu trục hoặc máy bay chiến đấu. Thí dụ, một lực lượng quân sự được trang bị một đội máy bay không người lái hỗ trợ AI, có thể triển khai với tốc độ chưa từng thấy trong thời hiện đại và với chi phí thấp hơn nhiều so với định mức hiện tại.
Phát triển AI đã nổi lên như cuộc chạy đua vũ trang AI mới, nhưng lần này với bộ công cụ tiên tiến hơn nhiều. Tiền cược trong cuộc đua này cao hơn bao giờ hết, nhưng cũng thường bị hiểu nhầm. Xét cho cùng, thế giới vẫn quen xem các hàng không mẫu hạm và hạm đội xe tăng, thay vì các hệ thống không người lái, như dấu hiệu của sức mạnh quân sự. 
  Những tiến bộ trong AI có khả năng thay đổi tính chất của chiến tranh cho các thế hệ sau. Quốc gia nào khai thác AI trước sẽ có lợi thế quyết định trên chiến trường trong nhiều năm.
Mark Esper, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ 

Các tin khác