Trung Quốc kết thúc chu kỳ tăng trưởng? - Kỳ 1: Tăng trưởng sụt giảm mạnh

(ĐTTCO) - Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã kết thúc năm 2018 với mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 3 thập niên. Theo Capital economy, Trung Quốc đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm nhất trong 28 năm. Các nhà phân tích nhận định tăng trưởng GDP năm 2018 của Trung Quốc ở mức 6,6%, mức thấp nhất kể từ năm 1990 và giảm so với mức 6,8% của năm 2017.

Mất dần những lợi thế, bộc lộ sự lo ngại
Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng, nguy cơ của kinh tế Trung Quốc bao gồm: Thứ nhất, đà tăng trưởng sa sút, thực tế chẳng lên tới 6,6% như họ nói mà vẫn mức thấp nhất từ 30 năm nay. Thứ hai, các biện pháp kích thích chỉ là liều thuốc ngoài da, như giảm thuế cho tiểu doanh nghiệp, sinh viên vừa tốt nghiệp và cho giới nghèo nhất. Thứ ba, vẫn tiếp tục bơm tiền cấp cứu các xí nghiệp đang vỡ nợ, sở dĩ như vậy vì nạn thất nghiệp và biểu tình phản đối của công nhân đã tăng mạnh so với năm ngoái, nhất là tại khu vực duyên hải miền Đông.
Kinh tế Trung Quốc có lợi thế là dân số đông và nhân công rẻ nên đạt tăng trưởng cao sau 30 năm cải cách, với trọng tâm là đầu tư mạnh để chế biến mặt hàng tiêu dùng với giá rẻ và ào ạt bán ra ngoài. Nhưng lợi thế đó ngày càng giảm, vì dân số bị lão hóa sẽ co cụm, trong khi nhân công cũng không còn rẻ. Thực tế, từ thời Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo hơn chục năm trước, lãnh đạo Bắc Kinh đã nói tới nhược điểm kinh tế của Trung Quốc là không cân đối, không phối hợp, không công bằng và không bền vững.
Trung Quốc kết thúc chu kỳ tăng trưởng? - Kỳ 1: Tăng trưởng sụt giảm mạnh ảnh 1 Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Buenos Aires, ngày 1-12-2018. 
Theo Bloomberg, phát biểu trước các lãnh đạo tỉnh, các bộ trưởng và tướng lĩnh cấp cao trong cuộc họp bất thường được tổ chức tại Bắc Kinh hôm 21-1, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, Đảng Cộng sản Trung Quốc cần nỗ lực nhiều hơn để ngăn chặn và giải quyết các nguy cơ lớn. Ông Tập đề cập tới một loạt mối lo ngại trong các lĩnh vực mà ban lãnh đạo Trung Quốc cần tập trung giải quyết, từ chính trị cho tới kinh tế, môi trường và các vấn đề đối ngoại. “Chúng ta đang phải đối mặt với những phép thử phức tạp và dài hạn liên quan tới việc cải cách, mở cửa, nền kinh tế định hướng thị trường” - ông Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc họp.
Mặc dù Chủ tịch Tập Cận Bình từng đưa ra những cảnh báo tương tự trước đây, song bài phát biểu trên là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự lo ngại ngày càng tăng của chính quyền Bắc Kinh về những tác động của nền kinh tế bị đình trệ lên xã hội Trung Quốc. Bài phát biểu cũng cho thấy sự cấp bách Trung Quốc đang phải đối mặt trong bối cảnh hiện nay.
Theo báo Hongkong South China Morning Post, đây là cuộc họp rất quan trọng, khoảng 12 tỉnh thành tại Trung Quốc buộc phải thay đổi kế hoạch tổ chức các cuộc họp hội đồng nhân dân thường niên để các nhà lãnh đạo tỉnh có thời gian tới Bắc Kinh dự cuộc họp với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ngoài ra, hàng trăm quan chức cấp cao từ tất cả tỉnh thành, vùng tự trị cũng tham dự cuộc họp kéo dài 4 ngày tại Bắc Kinh. Trong cuộc họp bất thường ngày 21-1 này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bộc lộ sự lo ngại về sự sụt giảm kinh tế nghiêm trọng trong vòng 28 năm qua, chỉ đạt tăng trưởng 6,6% trong năm 2018. 

Sa lầy trong cuộc chiến thương mại
Trong các vòng đàm phán thương mại gần đây, các đại diện Mỹ tập trung vào việc yêu cầu Trung Quốc thực hiện 2 thay đổi chính, gồm mua thêm hàng hóa của Mỹ, và từ bỏ chính sách công nghiệp mang lại lợi thế độc quyền. Trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc muốn chấm dứt càng sớm càng tốt vì nó làm cho nền kinh tế nước này bị giảm tốc mạnh. Bởi vậy, trong khi Mỹ yêu cầu Canada dẫn độ bà Giám đốc tài chính Tập đoàn Huawei, cho đến nay Trung Quốc chưa có phản ứng trả đũa nào với Mỹ. Bất cứ cố gắng cứng rắn nào của Trung Quốc đối với Mỹ - đều sẽ phá hoại cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin còn nói hôm 29-1, rằng vụ xét xử bà Mạnh sẽ không ảnh hưởng tới các phiên đàm phán. 
Sau nhiều ngày có tin đồn, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 7-2 khẳng định với giới báo chí không có khả năng gặp lãnh đạo Trung Quốc trước ngày 1-3, thời hạn chót để ký kết thỏa thuận thương mại tránh việc Mỹ áp thuế quan cao hơn đối với hàng hóa Trung Quốc. Theo hãng tin Pháp AFP, trong cuộc trao đổi ngắn ngủi với một số phóng viên tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, khi được hỏi ông có dự trù cuộc gặp nào với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump đã trả lời: “Chưa”. Về câu hỏi cuộc gặp với ông Tập liệu có diễn ra trước ngày đầu tháng 3, ông Trump nói ngắn gọn: “Không” và lắc đầu. 
Trước đó, việc tổng thống Mỹ nhiều lần đề cập đến cuộc gặp mới với lãnh đạo Trung Quốc và chuyến đi Việt Nam dự thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào cuối tháng 2, đã làm dấy lên tin đồn về một cuộc gặp với ông Tập Cận Bình nhân chuyến công du đó. Thậm chí còn có tin cho rằng địa điểm gặp gỡ có thể là ở đảo Hải Nam.
Theo giới quan sát, sự kiện tổng thống Mỹ bác bỏ khả năng tiếp xúc sớm với chủ tịch Trung Quốc là một dấu hiệu cho thấy cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra không phải là hoàn toàn êm đẹp. Thêm vào đó, phát biểu trên kênh truyền hình Mỹ Fox Business, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow, đã hàm ý rằng các cuộc thương thuyết với Trung Quốc không có bước tiến thuyết phục nào, thậm chí một dự thảo văn kiện cũng chưa được phác thảo, dù đại diện thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu phái đoàn đến Bắc Kinh để tiếp tục tháo gỡ các bế tắc thương mại. Trong Thông điệp Liên bang ngày 5-2, Tổng thống Donald Trump tuyên bố thời kỳ Trung Quốc “ăn cắp” công ăn việc làm và của cải của người dân Mỹ đã chấm dứt. Đã đến lúc Bắc Kinh phải thực sự thay đổi cơ cấu kinh tế, ngừng giao thương một cách bất bình đẳng với Mỹ.
Đến nay Washington vẫn dọa đánh thuế 10-25% lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc bán sang Mỹ trong trường hợp đàm phán thất bại. Theo Bloomberg, ban lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt với một nước Mỹ ngày càng cứng rắn hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump. Trong một bình luận trên Twitter gần đây, ông Trump tiếp tục đề cập tới Bắc Kinh: “Trung Quốc đã công bố những số liệu kinh tế thấp nhất kể từ năm 1990 do căng thẳng thương mại và các chính sách mới với Mỹ. Điều này có ý nghĩa rất lớn để Trung Quốc phải đưa ra một thỏa thuận thực sự”.
 Trung Quốc được hưởng lợi từ các chính sách cải cách, mở cửa kinh tế trong những năm 1990. Việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã làm gia tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài. Chỉ trong vòng 1 thập niên, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào các ngành công nghiệp xuất khẩu. Nhưng từ năm 2018, Mỹ và nhiều nước EU đã có các biện pháp giảm nhập siêu từ Trung Quốc. Điều này làm ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu, khiến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trì trệ trong bối cảnh ngành xuất khẩu mất khả năng cạnh tranh.
(Còn tiếp)

Các tin khác