Thức ăn chăn nuôi: Khối nội khó lấy lại vị thế

Việc Masan tham gia thị trường thức ăn chăn nuôi cùng tham vọng chiếm 50% thị phần vào năm 2020 liệu có làm vị thế của khối ngoại bị lung lay.

Việc Masan tham gia thị trường thức ăn chăn nuôi cùng tham vọng chiếm 50% thị phần vào năm 2020 liệu có làm vị thế của khối ngoại bị lung lay.

Nội: Định hình bộ ba

Những ngày cuối tháng 4, CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group) công bố thông tin đã mua thành công 99,99% cổ phần của Công ty TNHH Sam Kim. Tập đoàn sau đó đổi tên công ty thành Công ty TNHH Masan Nutri-Science. Với việc sở hữu công ty này, Masan cũng chính thức sở hữu 52% cổ phần của CTCP Sản xuất thức ăn gia súc Việt - Pháp (Proconco) và 70% cổ phần của CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco).

Việc sở hữu cổ phần lớn tại Proconco và Anco cho thấy tham vọng lấn sâu vào thị trường thức ăn chăn nuôi có trị giá khoảng 6 tỷ USD của Masan. Đây không phải lần đầu Masan tham gia thị trường này, trước đó Masan đã mua 40% cổ phần của Proconco (nhưng sau đó đã bán toàn bộ số cổ phần này).

Nói về tham vọng của Masan sẽ chiếm 50% thị phần vào năm 2020, nhiều phân tích chỉ ra rằng có cơ sở tin tưởng vào sự thành công của Masan trong lĩnh vực này. Trước hết, nhìn vào 2 công ty Masan mới sở hữu cổ phần. Proconco là công ty sản xuất thức ăn cho heo lớn nhất (không bao gồm trại gia công) và Anco là công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi nói chung lớn thứ 2 tại Việt Nam. Như vậy dù là lính mới nhưng Masan sẽ không gặp khó về công nghệ và nhân sự.

Ngoài ra, khi nhắc đến những điểm yếu của DN nội, người ta thường nói tiềm lực tài chính yếu, song với khả năng huy động vốn từ những đối tác lớn trên thế giới, đây lại là điểm mạnh của Masan. Đặc biệt nhìn vào những thành công DN này đã làm được trong ngành hàng tiêu dùng sau khi thực hiện nhiều thương vụ thâu tóm, cho thấy Masan nhảy vào thị trường thức ăn chăn nuôi với nhiều lợi thế sẵn có.

Thị trường thức ăn chăn nuôi còn có 2 cái tên nữa đang được đặt nhiều kỳ vọng cùng Masan tạo thế vững chắc cho khối nội là Hùng Vương và Hòa Phát. Hòa Phát mới chính thức bước vào thị trường này hồi tháng 3 vừa qua với việc thành lập Công ty Sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát (vốn điều lệ 300 tỷ đồng). Với công suất khoảng 300.000 tấn/năm, tập đoàn này có tham vọng chiếm 10% thị phần thức ăn chăn nuôi trong 5 năm tới.

Trong khi đó, Hùng Vương tham gia sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản từ năm 2007. Với chiến lược M&A, trong năm 2015, công ty sẽ tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu ở các công ty con và liên kết. Cụ thể, Hùng Vương sẽ nâng sở hữu tại Việt Thắng lên trên 90%, Agifish lên 85% và Sao Ta trên 51%. Bên cạnh đó, Hùng Vương cũng có kế hoạch đầu tư mới vào CTCP Thức ăn thủy sản Hùng Vương Vĩnh Long và CTCP Thức ăn chăn nuôi Hùng Vương Cao Lãnh.

Như vậy, với 4 công ty chuyên chế biến thức ăn chăn nuôi, tham vọng của Hùng Vương đến năm 2018 nâng sản lượng lên 1,5-1,8 triệu tấn thức ăn/năm, năm 2020 doanh số đạt được 18.000-20.000 tỷ đồng.

Tham vọng của DN nội đã rõ, nhưng việc đổi ngôi với DN FDI hoàn toàn không đơn giản. Bởi trong khi DN nội tăng cường đầu tư, đẩy mạnh M&A, DN FDI chắc chắn không đứng yên. Theo đó, thế cân bằng nội - ngoại trong thị trường thức ăn chăn nuôi khó có thể tạo lập trong thời gian ngắn.

Ngoại: Hưởng phần to miếng bánh

Theo đánh giá, thị trường thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam phát triển khá nhanh, với mức tăng trưởng trung bình 10-13%/năm. Việt Nam hiện là nước đứng đầu khối ASEAN và đứng thứ 12 thế giới về sản lượng sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp.

Giới chuyên gia khá lạc quan về khả năng tăng trưởng của ngành chăn nuôi năm 2015, khi đặt ra mục tiêu giá trị sản xuất toàn ngành sẽ tăng 5-5,6% so với năm 2014. Hiện tại, nhu cầu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam khoảng 16 triệu tấn/năm, trị giá khoảng 6 tỷ USD. Dự báo đến năm 2020, con số này có thể lên đến 25-26 triệu tấn/năm, với trị giá hàng chục tỷ USD.

Chính sức hấp dẫn này đã trở thành lực hút để các DN trong và ngoài nước nhảy vào lĩnh vực này. Song tính đến thời điểm hiện tại, DN nước ngoài tuy chiếm số lượng ít nhưng lại nắm khoảng 60-65% thị phần. Trong đó, DN chiếm thị phần cao nhất hiện nay là CTCP Chăn nuôi CP Việt Nam với 19,4%; kế tiếp là Công ty TNHH Cargill Việt Nam với 8,11%...

Một báo cáo gần đây của Bộ Công Thương về những lỗ hổng cần xem xét với thị trường thức ăn chăn nuôi, đã đề cập đến vấn đề thao túng thị trường của DN ngoại. Theo đó, thị trường thức ăn chăn nuôi đang bị điều khiển bởi một số DN FDI. Các DN này chiếm thị phần lớn, tập trung thị trường, liên kết định giá, sử dụng hệ thống phân phối thông qua các đại lý độc quyền và chiết khấu lớn để cạnh tranh không lành mạnh với DN trong nước.

Thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam tăng trưởng 10-13%/năm.
Thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam tăng trưởng 10-13%/năm.

Nhìn nhận này của Bộ Công Thương đã trả lời cho câu hỏi ai hưởng phần to của miếng bánh. Thực ra việc DN FDI chiếm phần lớn thị phần không là câu chuyện của riêng ngành thức ăn chăn nuôi.

Song với đặc thù thức ăn chăn nuôi ảnh hưởng tới 70% giá thành sản phẩm chăn nuôi, nếu không có những động thái can thiệp kịp thời, tạo điều kiện tốt hơn cho DN trong nước phát triển, càng hội nhập sâu ngành chăn nuôi nước ta càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi không thể cạnh tranh với các nước trong khu vực cũng như thế giới khi giá thành thức ăn chăn nuôi đang bị thao túng.

Các tin khác