Trái phiếu nhà Thanh: “Vũ khí” mới của Mỹ?

(ĐTTCO)-Theo hãng tin Bloomberg, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nghiên cứu khả năng đòi lại món nợ trái phiếu được phát hành từ thời nhà Thanh, trước khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Bloomberg nhận định: “Bớc đi tiếp theo của Tổng thống Trump trong cuộc thương chiến với Trung Quốc có thể là trong những cuốn sách lịch sử, theo nghĩa đen”.
Trái phiếu nhà Thanh: “Vũ khí” mới của Mỹ? ảnh 1
Trái phiếu 100 năm
Trái phiếu Bloomberg đề cập là trái phiếu đường sắt Hukuang (Hukuang Railway bond), được bán vào năm 1911 dưới sự bảo lãnh của chính quyền nhà Thanh, giúp tài trợ xây dựng tuyến đường sắt kéo dài từ Hán Khẩu đến Tứ Xuyên. Chúng có lợi suất 5%/năm và mệnh giá dao động 20-100 bảng Anh.
Hiện nay, có hàng ngàn người Mỹ vẫn đang giữ loại trái phiếu này. Các trái chủ cho biết họ đang nắm giữ khoảng 1.000 tỷ USD trái phiếu loại này. Nếu tính cả trượt giá, lãi suất và những thiệt hại khác, nó có thể tương đương giá trị trái phiếu kho bạc Mỹ do Bắc Kinh nắm giữ. 
Cho đến nay, Trung Quốc chưa bao giờ thừa nhận các khoản nợ này, cho dù tuyên bố mình là chính quyền kế thừa hợp pháp duy nhất của Trung Hoa Dân Quốc - chính quyền kế thừa của nhà Thanh.
Tuy nhiên, khi Tổng thống Trump ngày càng cho thấy thái độ cứng rắn của Mỹ trong cuộc thương chiến với Trung Quốc, những người nắm giữ trái phiếu cổ xưa đang hy vọng ông sẽ chú ý tới trường hợp của họ, dùng chúng như một vũ khí bổ trợ. Tin cho biết, Tổng thống Trump, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross đều đã gặp gỡ các trái chủ và đại diện của họ. 

Kế thừa nợ
Liệu người Mỹ có đòi được món nợ này từ Trung Quốc? Để trả lời câu hỏi này, cần xét một số vấn đề liên quan, như tính hợp pháp của các khoản nợ. Mỹ từng đề cập đến dòng tiền đầu tư vào Trung Quốc đầu thế kỷ 20.
Cụ thể, ngay sau khi triều đại nhà Thanh bị lật đổ vào năm 1911, Trung Hoa Dân Quốc cũng bắt đầu khai thác thị trường vốn quốc tế, bao gồm bán một loạt kỳ phiếu được hỗ trợ bằng vàng để tài trợ cho đất nước non trẻ. Sau khi đánh bại chính phủ Trung Hoa Dân Quốc và thành lập chính phủ mới năm 1949, CHND Trung Hoa bác bỏ các nghĩa vụ nợ có chủ quyền trước đây của nhà Thanh hoặc Trung Hoa Dân Quốc. 
Tuy nhiên, theo Bloomberg, nhiều người cho rằng với tư cách là một thực thể pháp lý, các chế độ chính trị kế thừa khoản nợ của các chế độ tiền nhiệm. Hơn thế nữa, chối bỏ các khoản nợ của các chính quyền tiền nhiệm cũng là cách hành xử hệ thống pháp luật quốc tế hiện đại luôn lên án và phản đối. 
Trong vụ án nổi tiếng Gabčíkovo - Nagymaros (Hungary/Slovakia) năm 1997 tại Tòa án Công lý Quốc tế, Hungary từ chối tiếp tục tuân thủ nghĩa vụ của mình trong việc hợp tác xây dựng đập thủy điện Danube với Slovakia, vốn bắt đầu từ thời Liên Xô. Họ lập luận rằng sự tan rã của khối xã hội chủ nghĩa và sự thay đổi chế độ chính trị ở các nước Đông Âu đủ căn cứ dựa trên Điều 62, Công ước Vienna về Điều ước Quốc tế năm 1969, để họ không phải kế thừa nghĩa vụ hợp tác với Slovakia. 
Thế nhưng, tòa án Công lý Quốc tế phủ nhận lập luận này, khẳng định, chính phủ mới của một quốc gia, dù trải qua bất kỳ biến động chính trị nào, vẫn mặc nhiên phải tiếp nhận các nghĩa vụ và khoản nợ chính phủ tiền nhiệm để lại. 

Không thể “đẩy gậy” cho Đài Loan
 Vấn đề trái phiếu nhà Thanh của Trung Quốc đã được nghiên cứu. Các trái chủ nuôi tham vọng ước mơ của họ sẽ thành hiện thực, khi Tổng thống Donal Trump đang đưa ra những quyết sách thương chiến quyết liệt với Trung Quốc. 
Jonna Bianco
đại diện các trái chủ nhà Thanh
Vậy Đài Loan hay Trung Quốc mới là nhà nước kế thừa hợp pháp của Đế quốc Đại Thanh? Trung Hoa Dân Quốc được thành lập năm 1912 sau cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911 lật đổ nhà Thanh - triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc. Đến năm 1949, chính quyền Trung Hoa Dân Quốc thua trận trong cuộc nội chiến kéo dài 3 năm với Đảng Cộng sản Trung Quốc, phải rút ra đảo Đài Loan và nhường toàn bộ đại lục cho Đảng Cộng sản lập nên nhà nước CHND Trung Hoa. 
Còn Đài Loan, dù vẫn sử dụng tên cũ là Trung Hoa Dân Quốc, nhưng không hề giống với Trung Hoa Dân Quốc trước năm 1949. Lãnh thổ Đài Loan hiện bằng 1/267 xưa kia, và họ cũng không có tư cách thành viên Liên hiệp quốc. 
Trong khi đó, CHND Trung Hoa luôn khẳng định nhà nước phong kiến trước kia là chính quyền phản động và không đại diện cho nhân dân. Dù vậy chính sách “Một Trung Quốc” khẳng định thẩm quyền đại diện duy nhất và tuyệt đối của Bắc Kinh, bao gồm cả những phần lãnh thổ đã bị tách rời trong lúc nhà Thanh đang nắm quyền như Tây Tạng, Mãn Châu, Hồng Kông, Macau, thậm chí cả Đài Loan. 
Mặt khác, Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng Trung Hoa Dân Quốc đã chấm dứt tồn tại và mình là người kế thừa duy nhất nhà nước này. Năm 1949, Hội nghị Tham vấn Chính trị chung của Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra nghĩa vụ của chính phủ lâm thời, là nghiên cứu các điều ước và thỏa thuận Trung Hoa Dân Quốc đã ký kết, để từ đó thừa nhận, đề nghị sửa đổi hay phủ nhận tùy thuộc nội dung có lợi hay hại cho Trung Quốc. 
Bà Jonna Bianco, đại diện các trái chủ nhà Thanh, nói: “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bác bỏ các nghĩa vụ có chủ quyền đã phá sản của họ là khoản nợ của Trung Hoa Dân Quốc trước năm 1949. Điều này mâu thuẫn với tuyên bố của Trung Quốc rằng họ là sự kế thừa duy nhất cho các quyền chủ quyền của Trung Hoa Dân Quốc”. Nói cách khác, nếu Trung Quốc từ chối trách nhiệm pháp lý đối với các trái phiếu nhà Thanh, chẳng khác nào họ từ bỏ tư cách là nhà nước kế thừa hợp pháp của Trung Hoa Dân Quốc, cũng có nghĩa từ bỏ luôn chính sách “Một Trung Quốc” do chính họ đề ra và yêu cầu cộng đồng quốc tế tôn trọng.
Con kiến kiện củ khoai?
Như vậy, về mặt nguyên tắc của công pháp quốc tế, chúng ta có thể khẳng định những khoản nợ lịch sử này có hiệu lực. Vấn đề còn lại là liệu các trái chủ trái phiếu nhà Thanh có thể buộc chính phủ Trung Quốc phải trả nợ cho họ hay không? 
Luật quốc tế thường chỉ điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia, các chính phủ với nhau. Song trong trường hợp này, các trái chủ hiện nay hầu hết là cá nhân, nên công cuộc tìm “công lý” của họ sẽ rất gian nan. “Ở cấp độ pháp lý, đây là những khoản nợ hoàn toàn hợp lệ. Tuy nhiên, bạn phải nhờ luật sư thực sự thông hiểu để kích hoạt chúng” - ông Mitu Gulati, Giáo sư luật tại Đại học Duke, chuyên gia tái cấu trúc nợ có chủ quyền, cho biết.
Thực tế, các luật sư đã từng được mời tham gia. Gần đây nhất là năm 1979, khi những người nắm giữ trái phiếu nhà Thanh đã tiến hành vụ kiện tập thể, đòi Trung Quốc bồi thường thiệt hại cho họ. Khi đó, luật sư Gene Theroux đã giúp đại diện cho chính phủ Trung Quốc tại tòa án. Theroux nhớ lại: “Những yêu cầu của chúng tôi với tư cách là luật sư đôi khi không bình thường, bao gồm việc Trung Quốc không cho phép bất kỳ trích dẫn nào về các vụ kiện trước đây với Trung Hoa Dân Quốc; từ chối công nhận chính sách “Một Trung Quốc” của chính họ”. 
Vụ kiện đã bị loại bỏ trên cơ sở Đạo luật Miễn trừ Chủ quyền nước ngoài (FSIA) năm 1976, cho phép các tòa án Mỹ xét xử các vụ kiện chống lại chính phủ nước ngoài về các tuyên bố thương mại, nhưng không áp dụng hồi tố cho trái phiếu phát hành đầu thế kỷ 20.
Tuy nhiên, năm 2004, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết FSIA có thể áp dụng hồi tố, đã thắp lên hy vọng cho các trái chủ trái phiếu nhà Thanh. Theo giáo sư Gulati điều này có thể được thực hiện bằng cách các trái chủ bán lại khoản nợ này cho chính phủ, hoặc vận động chính phủ gây sức ép nhất định để đòi nợ, hoặc dàn xếp khoản nợ. Lúc này, các khoản nợ quốc gia với một cá nhân sẽ trở thành vấn đề đồng cấp quốc gia với quốc gia, và công cụ để thực thi vì vậy cũng đa dạng hơn. 
Trung Quốc luôn khẳng định họ không liên quan đến các khoản nợ do các chính phủ trước 1949 vay. Tuy nhiên, trong giai đoạn cuối thập niên 1980, khi Trung Quốc và Anh đàm phán về việc trao trả Hồng Kông cho Bắc Kinh, London đã thành côngtrong việc yêu cầu đại lục trả một phần các nghĩa vụ trái phiếu các nhà đầu tư Anh đang nắm giữ, có trị giá khoảng 23,5 triệu USD. Khoản tiền này sau đó được chính phủ Anh phân bổ lại cho các nhà đầu tư trong nước. Đổi lại, Trung Quốc được phát hành trái phiếu chính phủ trên các sàn giao dịch lớn của Anh, và hiển nhiên là đi kèm theo thỏa thuận về Hồng Kông. 

Các tin khác