Singapore: Hướng tới trung tâm tài chính toàn cầu

Thương cảng tấp nập nhất

Diện tích bé nhỏ, tài nguyên ít ỏi nhưng Singapore đã tận dụng vị trí giao thương quan trọng của mình để trở thành trung tâm xuất nhập khẩu thế giới.

Diện tích bé nhỏ, tài nguyên ít ỏi nhưng Singapore đã tận dụng vị trí giao thương quan trọng của mình để trở thành trung tâm xuất nhập khẩu thế giới.

Vị trí thương mại

Hiện GDP đầu người của Singapore đạt trên 50.000USD, tốc độ tăng trưởngkinh tế thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Trong tương lai không xaSingapore sẽ trở thành trung tâm tài chính - quản lý tài sản số một thếgiới.

Vị trí địa lý đặc biệt đã giúp Singapore phát triển thành một trong những thương cảng nhộn nhịp nhất trên trái đất.

Từ thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 19, Singapore là một phần của Vương quốc Johor. Nhận ra vị trí địa lý rất quan trọng của Singapore nằm trên đường biển nối châu Âu với Trung Quốc và Ấn Độ, năm 1819, Thomas Stamford Raffles, một viên chức Công ty Đông Ấn (Anh) đã ký thỏa thuận với vua Johor, xây dựng Singapore thành một trạm thông thương buôn bán và định cư. Sau đó, Singapore nhanh chóng phát triển và thu hút di dân nhiều chủng tộc khác nhau. Từ năm 1867, Singapore trở thành thuộc địa của Anh.

Singapore - thương cảng tấp nập bậc nhất thế giới.

Singapore - thương cảng tấp nập bậc nhất thế giới.

Năm 1959, Singapore giành quyền tự chủ, bầu cử ra người đứng đầu nhà nước là Yusof bin Ishak và Thủ tướng là Lý Quang Diệu. Sau cuộc trưng cầu dân ý, năm 1963, Singapore trở thành một bang tự trị trong Liên bang Malaysia, nhưng do bất đồng quan điểm chính trị với Hội đồng Liên bang nên đã tách khỏi và tuyên bố độc lập ngày 9-8-1965. Và ngày này được xem là Quốc khánh Singapore. Malaysia là nước đầu tiên công nhận nền độc lập của Singapore.

Trong những ngày đầu độc lập, Singapore phải đối mặt với nhiều khó khăn như nạn thất nghiệp, tình trạng thiếu nhà ở, thiếu đất đai và tài nguyên thiên nhiên. Thủ tướng Lý Quang Diệu lúc bấy giờ quyết định tranh thủ sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và đồng minh, từng bước kiềm chế thất nghiệp, lạm phát, thực hiện chương trình nhà ở công cộng quy mô lớn. Công tác quy hoạch đô thị được đặc biệt chú trọng.

Chính phủ Singapore thành lập Ủy ban Quy hoạch đô thị chuyên trách sử dụng và phân phối đất đai hiệu quả, đồng thời điều phối giao thông. Từ thập niên 60, Singapore đã đầu tư xây dựng nhiều khu đô thị mới ở khắp mọi miền để tránh quá tải cho khu vực trung tâm. Ý thức được tình trạng thiếu hụt đất đai nên Chính phủ luôn ưu tiên lấn biển để tăng diện tích lãnh thổ bằng đất lấy từ các ngọn đồi, đáy biển và cả mua đất từ các nước lân cận.

Nhờ vậy diện tích Singapore đã tăng từ 581,5km2 ở thập niên 60 lên 697,25km2 hiện nay (xấp xỉ diện tích đảo Phú Quốc của Việt Nam) và nhắm mục tiêu đến năm 2030 sẽ tăng thêm 100km2 nữa. Cơ sở hạ tầng kinh tế phát triển, hòa hợp giữa các chủng tộc, thiết lập hệ thống phòng vệ quốc gia, là những yếu tố căn bản để Singapore từ nước đang phát triển vươn lên thành nước phát triển vào cuối thế kỷ 20.

Ý tưởng Entrepôt mở rộng

Singapore hầu như không có tài nguyên, chỉ có một ít than, chì, nham thạch, đất sét; nước ngọt ít ỏi, phải nhập thêm từ Malaysia hoặc tái chế nước trong các nhà máy. Diện tích đất đai nhỏ bé nên nông nghiệp khó phát triển, phải nhập khẩu lương thực - thực phẩm.

Ngay từ ban đầu, các nhà lãnh đạo Singapore đã hiểu được điểm yếu của đất nước và đã lựa chọn chiến lược xây dựng những thế mạnh riêng để bù đắp, theo hướng “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Singapore chỉ tập trung phát triển những ngành có lợi thế so sánh và mang lại giá trị gia tăng cao. Trên nền tảng thương mại lịch sử, Singapore đã tạo dựng được nền kinh tế thị trường phát triển cao. Singapore được ví là 1 trong 4 con cọp châu Á cùng với Hồng Công, Hàn Quốc và lãnh thổ Đài Loan.

Nền kinh tế dựa trên ý tưởng Entrepôt (trung tâm xuất nhập khẩu) mở rộng, thay vì đóng vai trò thương cảng trung gian, Singapore tiến thêm một bước nhập khẩu hàng hóa thô về tinh chế rồi tái xuất, đặc biệt trong ngành sản xuất (chiếm 27,2% GDP 2010) với thế mạnh ở các lĩnh vực điện tử, lọc dầu, hóa chất, cơ khí chế tạo máy và y - sinh học. Singapore có cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp phát triển mạnh hàng đầu thế giới như cảng biển, công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, công nghiệp lọc dầu, chế tạo và lắp ráp các loại máy móc tinh vi.

Phản ứng nhanh nhạy

Một trong những yếu tố mang lại thành công cho Singapore chính là khả năng phản ứng nhanh nhạy trước những biến động thời cuộc. Sau khi độc lập, nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài và công nghiệp hóa do Nhà nước chủ trì theo các kế hoạch của Goh Keng Swee và Albert Winsemius đã tạo lập một nền kinh tế hiện đại.

Nhưng năm 2001, do cuộc khủng hoảng sụt giảm của các công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ nên GDP Singapore giảm mất 2,2%.

Lập tức Chính phủ thành lập Ủy ban Đánh giá kinh tế. Ủy ban này đã nghiên cứu, đánh giá và đưa ra một số thay đổi chính sách để tái sinh nền kinh tế. Từ đó, Singapore hồi phục, tăng trưởng GDP năm 2004 đạt 8,3%. Trong cơn suy thoái toàn cầu, GDP Singapore tăng trưởng âm 0,8% năm 2009 nhưng đến năm 2010 đã có thể vượt qua khó khăn và đạt tăng trưởng ấn tượng 14,5%.

Trước sự gia tăng cạnh tranh từ phía các nhà sản xuất khác trong khu vực, Singapore tìm cách đẩy mạnh phát triển kinh tế dựa vào buôn bán và dịch vụ và cũng là nước đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức. Thương cảng Singapore tấp nập nhất thế giới. Singapore đã trở thành trung tâm giao dịch ngoại hối đứng thứ 4 sau London (Anh), New York (Hoa Kỳ), Tokyo (Nhật Bản). Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), Singapore nằm trong top đầu các cơ sở hậu cần toàn cầu.

Hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp tại Singapore chỉ khoảng 2%. Hầu hết người nghèo được Chính phủ hỗ trợ tài chính và nhà ở giá rẻ để đảm bảo mức sống. Singapore cũng là nước có tỷ lệ hộ gia đình triệu phú nhiều nhất thế giới, với 15,5% hộ có tài sản từ 1 triệu USD trở lên. Người dân Singapore đang hưởng thụ một trong những tiêu chuẩn sống cao nhất thế giới.

---------------

Kỳ 2: Nơi quản lý tài sản thế giới

Các tin khác