Thế giới có thoát “chu kỳ 10 năm”? - Những Lehman mới

(ĐTTCO) - Vụ sụp đổ ngân hàng đầu tư lớn thứ tư Hoa Kỳ, Lehman Brothers ngày 15-9-2008 đã khai mào cho sự sụp đổ của thị trường toàn cầu. 10 năm đã trôi qua, các nhà phân tích tin rằng nền tài chính toàn cầu vẫn còn nhiều Lehman khác.

Hàng loạt nội tệ lao dốc
Ngày 31-8, thị trường chứng khoán đã rung chuyển sau khi đồng peso của Argentina lao dốc 12%, buộc ngân hàng trung ương nước này phải tiến hành bước đi cực kỳ mạo hiểm: tăng lãi suất 60%. Điều này theo sau sự sụt giảm của đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ, do đang bị mắc kẹt trong một cuộc chiến chính trị với Hoa Kỳ. Ấn Độ cũng góp vào sự bất ổn của thị trường sau khi đồng nội tệ rupee giảm xuống mức thấp kỷ lục so với USD, giảm hơn 11% kể từ đầu năm. Cũng ở châu Á là đồng rupiah của Indonesia đạt mức thấp nhất trong 3 năm, sau một loạt trận động đất đáng sợ suốt tháng 8 đã phá hủy Lombok và láng giềng Bali.
 Nhiều loại tiền tệ của các quốc gia đang phải vật lộn với việc tăng lãi suất của Hoa Kỳ kể từ đầu năm do thiếu hụt thặng dư tài khoản vãng lai. Với căng thẳng thương mại tăng cao đe dọa bùng nổ thành cuộc chiến thương mại toàn diện, nhiều nước đang cảnh giác về dòng vốn có thể dẫn đến bất ổn tài chính, đặc biệt ở các nước có nợ nước ngoài cao.
Bình luận về đồng peso giảm hơn 45% so với USD trong năm nay, một nhà phân tích của DBS cho biết: “Thị trường mới nổi vẫn bị áp lực bởi đồng peso Argentina và khủng hoảng lira của Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ Argentina đã tăng lãi suất lên mức kỷ lục 60% để giải quyết lạm phát 2 con số. Nhưng điều này càng làm trầm trọng thêm suy thoái, và kết hợp với thâm hụt tài khoản ngân sách khoảng 5% GDP, đã làm tăng nguy cơ chính phủ vỡ nợ”.
Đồng lira đã rơi sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tái đắc cử. Ông là người luôn ủng hộ việc kích thích tăng trưởng qua lạm phát. Nhưng lạm phát hiện đã ở mức hơn 15%, dẫn đến việc đồng lira mất giá và các nhà đầu tư mất niềm tin vào kỷ luật tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan, người tự gọi mình là “kẻ thù của lãi suất”, thay vào đó đã gây áp lực lên ngân hàng trung ương nhằm chống thắt chặt tiền tệ. Đối với peso, đồng tiền này giảm mạnh do thiếu đầu tư vì các nhà đầu tư hoài nghi khi Tổng thống Mauricio Macri yêu cầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đẩy nhanh việc phát hành gói cứu trợ trị giá 50 tỷ USD để tăng ngân sách năm tới. Còn tại Ấn Độ, đồng rupee đã chịu ảnh hưởng do giá dầu tăng và nhu cầu USD mạnh vào cuối tháng. 

“Hố đen” Trung Quốc
Cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ đang khiến nền kinh tế Trung Quốc lao đao, các chỉ số chứng khoán lao dốc, trong khi đồng NDT mất giá. Theo báo cáo được Chính phủ Trung Quốc công bố ngày 14-8, sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ tháng 7 của nước này tăng trưởng lần lượt 6% và 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư tài sản cố định tăng trưởng 5,5% trong 7 tháng qua, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1999. Từ tháng 4 đến nay, đồng NDT đã mất giá khoảng 8% so với USD. Chuyên gia kinh tế Bo Zhuang và Rory Green của TS Lombard, tin rằng mức thuế bổ sung 25% Hoa Kỳ dự định áp lên hàng hóa Trung Quốc “sẽ làm tổn hại đến thương mại nước này, buộc họ phải giảm giá NDT thêm 15% hoặc hơn nữa trong 6 tháng tới”.
Thế giới có thoát “chu kỳ 10 năm”? - Những Lehman mới ảnh 1 Theo IMF, trong 4 quý tính đến quý I-2018, tổng nợ ở Trung Quốc tăng khoảng 2.000 tỷ USD, lên hơn 32.700 tỷ USD. 
Kể từ năm 2007, các khoản nợ của Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần. Theo IMF, tổng nợ của Trung Quốc hiện chiếm khoảng 234% GDP, có thể tăng lên 300% vào năm 2022. Một số nhà kinh tế cảnh báo dữ liệu chính thức có thể không phản ánh mức độ xấu của nền kinh tế Trung Quốc. Bởi trong thực tế GDP Trung Quốc tăng trưởng ít hơn nhiều so với ước tính 6,9% của chính phủ. Các nguồn độc lập xem xét dữ liệu ngành đường sắt và giao thông vận tải, lượng sử dụng điện, sản lượng sản xuất và các chỉ số tương tự. Dựa trên những chỉ số đó, họ cho rằng GDP Trung Quốc trong thực tế chỉ tăng trung bình khoảng 5%, thậm chí chỉ tăng 3%. 
Tháng 10 năm ngoái, INSURGE dẫn một nghiên cứu khoa học của Đại học Dầu khí Trung Quốc tại Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc sẽ trải qua một đỉnh cao trong tổng sản lượng dầu vào đầu năm 2018. Nếu không tìm ra nguồn năng lượng dồi dào mới thay thế, Trung Quốc sẽ suy yếu tăng trưởng kinh tế liên tục, là thách thức cho phát triển bền vững của xã hội Trung Quốc.

Quả bom nợ
Khi nói đến việc quản lý nợ, có vẻ như thế giới vẫn chưa học được nhiều từ cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua. Theo Vitor Gasper, Giám đốc các vấn đề tài chính của IMF, nợ toàn cầu đang trên đà đạt mức cao mới trong năm nay. Trong năm 2016, nợ toàn cầu đã đạt mức kỷ lục 225% tổng tài sản thế giới. Theo Cơ sở dữ liệu nợ toàn cầu của IMF ghi nhận từ 190 quốc gia từ năm 1950 đến nay, cho biết nợ toàn cầu rất cao. Con số cụ thể là 164.000 tỷ USD (năm 2016). Tuy nhiên, trong báo cáo vào tháng 7 năm nay, Viện Tài chính quốc tế (IIF) cho biết tổng số nợ toàn cầu đã chạm mức 247.000 tỷ USD, tương đương 318% GDP của tất cả các nước.
Đáng quan ngại nhất là Trung Quốc, theo IMF, trong 4 quý tính đến quý I-2018, tổng nợ ở Trung Quốc tăng khoảng 2.000 tỷ USD, lên hơn 32.700 tỷ USD. Tổng nợ của Trung Quốc đã đạt khoảng 258% GDP năm 2016 so với 158% năm 2005. Hầu hết việc vay mượn đến từ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quốc doanh vốn vay nợ rất nhiều và được ví là các công ty “xác ướp”. Trước tình trạng này, IMF đã khuyến nghị Trung Quốc cần giải quyết khẩn cấp vấn đề nợ chồng chất của các doanh nghiệp. Thêm vào đó là sự vay mượn của chính quyền địa phương, bóng ma u ám của những “ngân hàng ngầm” và các khoản vay ngoại bảng. 
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, Mark Carney, nói với BBC vào trung tuần tháng 9 rằng về rủi ro tài chính quốc tế, Trung Quốc đứng đầu danh sách. Kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008, nợ của Trung Quốc đã được ủ trong “hệ thống ngân hàng ngầm”, hoạt động bên ngoài sự giám sát của ngân hàng thông thường. Nỗi sợ hãi là không ai biết nợ Trung Quốc được đầu tư hay quản lý như thế nào. “Mọi người lo ngại về nợ của Trung Quốc một phần vì hệ thống ngân hàng ngầm hoàn toàn bí mật” - Freya Beamish, kinh tế gia trưởng châu Á tại Pantheon Microeconomics, nói. Đã có rất nhiều dấu hiệu cảnh báo sớm về vấn đề này, như tình trạng gia tăng trái phiếu doanh nghiệp không được trả nợ đúng hạn, và trái phiếu chính quyền địa phương của Trung Quốc đã bị giảm xếp hạng tín dụng lần đầu tiên vào năm 2017. 
Quả bom nợ tại các khu vực khác cũng rất đáng sợ. Chẳng hạn, theo số liệu hồi tháng 2-2018 của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có tổng nợ nần đạt 12.500 tỷ EUR. Trải qua nhiều năm cố gắng thắt lưng buộc bụng và cải cách kinh tế, EU vẫn đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp đã khai mào. Theo số liệu của Eurostat, tính đến tháng 2-2017, tổng cộng có 5 quốc gia châu Âu có nợ lớn hơn sản lượng kinh tế của họ; 21 quốc gia có nợ lớn hơn giới hạn 60% GDP được quy định trong Hiệp ước Maastricht. 
Nền kinh tế số 1 thế giới, Hoa Kỳ, cũng không khá hơn. Theo đồng hồ nợ công của Hoa Kỳ, tính đến nay nợ quốc gia của xứ cờ hoa đã hơn 21.352 tỷ USD, lớn hơn tổng GDP của Hoa Kỳ hàng năm. Với số nợ này, riêng trong năm tài chính 2018, Hoa Kỳ đã phải trả khoản tiền lãi lên tới 315 tỷ USD. Con số này lớn hơn GDP của Việt Nam và tương đương tổng GDP nhiều nền kinh tế cỡ trung bình, như Colombia hay Philippines. Chi phí lãi vay được dự đoán tăng từ 315 tỷ USD năm 2018 lên 914 tỷ USD vào năm 2028. Trong thập niên tới, lãi suất sẽ lên đến gần 7.000 tỷ USD. Đến năm 2026, lãi suất sẽ trở thành hạng mục ngân sách lớn thứ 3. 
(Còn tiếp)

Các tin khác