“Thế chân vạc” tại Trung Á: Cơ hội phát triển hay thách thức chủ quyền khu vực?

(ĐTTCO) - Trong nhiều năm gần đây, vùng Trung Á nổi lên là một khu vực được nhiều cường quốc quan tâm. Với việc chiến lược Đại Âu-Á của Nga, Vành đai - Con đường của Trung Quốc và sự hiện diện của Mỹ đang ngày càng được hiện thực hóa, các nhà quan sát tại khu vực Trung Á dự báo rằng không chỉ tiềm năng kinh tế và thương mại của khu vực được thúc đẩy phát triển mà vị thế và địa chính trị của khu vực cũng được nâng cao.
Một góc thủ đô Astana, Kazakhstan về đêm. Kazakhstan là quốc gia thịnh vượng là phát triển bậc nhất ở Trung Á với GDP hằng năm ở mức 170 tỷ USD. Nguồn ảnh: Evgeny Tkachenko
Một góc thủ đô Astana, Kazakhstan về đêm. Kazakhstan là quốc gia thịnh vượng là phát triển bậc nhất ở Trung Á với GDP hằng năm ở mức 170 tỷ USD. Nguồn ảnh: Evgeny Tkachenko

Chiến lược Đại Âu-Á của Nga

Chiến lược Đại Âu-Á là một chiến lược do Nga đề xuất trong đó Nga với vị thế nằm trên 2 châu lục Á và Âu sẽ đóng vai trò chính trong cấu trúc liên kết 2 khu vực. Trong cấu trúc liên kết này, Nga sẽ thành lập các tổ chức như Tổ chức Hiệp ước An ninh chung và Liên minh Kinh tế Á-Âu với các thành viên là các quốc gia Trung Á.

Đối với tư duy của nước Nga, thứ nhất, các tổ chức này sẽ là đối trọng để cạnh tranh với phương Tây và NATO. Thứ 2, các tổ chức này cũng sẽ giúp Nga cạnh tranh với sự ảnh hưởng của sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc tại khu vực Trung Á và cuối cùng, các tổ chức này cũng thể hiện tham vọng của Nga về việc tạo ảnh hưởng đến những khu vực đang lên trong một trật tự thế giới đang thay đổi.

Liên minh Á-Âu được cho là lấy kinh nghiệm từ liên minh châu Âu, tuy nhiên liên minh Á-Âu còn bao gồm những mục tiêu địa chính trị lớn hơn của Nga, tổng thống Putin đã phát biểu vào năm 2011 rằng: “Liên minh này có khả năng trở thành một những cực mới của thế giới hiện đại, là cầu nối giữa châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương mà trong đó nước Nga là trọng tâm.

Theo những hiệp định tồn tại giữa các nước thành viên, một số thị trường chung sẽ được hinh thành từ đây cho đến năm 2025 như thị trường năng lượng chung, không gian vận tải chung, chính sách nông nghiệp chung và một thị trường tài chính. Bên cạnh đó, đã có một số cuộc thảo luận cho rằng liên minh Á-Âu sẽ không chỉ dừng lại với các thành viên như hiện nay mà sẽ tiến tới ký kết một số hiệp định đối với các quốc gia láng giềng khu vực này như Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Israel,… Với tầm nhìn này, khu vực Trung Á được dự báo sẽ trở thành một khu vực kinh tế mới năng động, phát triển và mở rộng hợp tác với các khu vực và các quốc gia khác trong tương lai.

Tuy nhiên, cũng đã có những sự kiện đã ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược mà Nga đã đề ra. Euromaidan và khủng hoảng Ukraine đã khiến những quốc gia từng là một phần của Liên Xô trước đây lo ngại về việc họ có còn giữ được toàn vẹn lãnh thổ khi tham gia vào những tổ chức do Nga dẫn dắt. Bên cạnh đó, Trung Quốc hiện đang đưa ra những lời “mời chào” hấp dẫn hơn đối với các quốc gia Trung Á so với Nga, hẳn nhiên các quốc gia này sẽ có những chính sách ngả nhiều hơn về Trung Quốc và điều này đòi hỏi Nga không chỉ đưa Trung Á trở về quỹ đạo của mình mà còn phải thu hút họ nhiều hơn nữa.

Đối tác quan trọng của Trung Quốc

Đối với Trung Quốc, vùng Trung Á được cho là bể khí đốt quan trọng nhất của họ từ những năm 2000. Một hệ thống những đường dẫn khí đốt từ Turkmenistan, Kazakhstan xuyên qua Tân Cương và kéo dài đến Thượng Hải đã được xây dựng từ năm 2007, cung cấp 65 tỷ USD khí đốt mỗi năm cho Đại lục.

Nhiều nhà phân tích chính trị thế giới cho rằng vì tầm quan trọng của khu vực Trung Á, những chính sách quản lý cứng rắn của Trung Quốc đối với vùng tự trị Tân Cương có thể dễ hiểu. Tân Cương với hơn 3.000 km biên giới tiếp giáp Trung Á được xem là cửa ngõ chính kết nối Trung Quốc đến phía Tây.Từ bên trong, Trung Quốc thực hiện những chính sách cứng rắn để ổn định vùng tự trị Tân Cương, từ bên ngoài, chính phủ Bắc Kinh đã thành lập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải(SCO) với sự tham gia của Nga và các quốc gia Trung Á ngoại trừ Turkmenistan.

Việc thành lập vào năm 1996 được xem là một công cụ chính trị để cạnh tranh với Nga tại khu vực Trung Á. Ban đầu SCO được Trung Quốc xây dựng là một tổ chức đảm bảo an ninh khu vực Trung Á, và qua nhiều năm hoạt động, Trung Quốc đã nâng tầm hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng.

Có thể xem SCO của Trung Quốc chính là bước đệm quan trọng để nước này triển khai sáng kiến Vành đai-Con đường của họ tại khu vực Trung Á. Những lĩnh vực hợp tác kinh tế trong SCO bị lu mờ đáng kể khi Trung Quốc công bố bắt đầu khởi đầu vào tháng 9/2013 tại Kazakhstan.

Vào tháng 9/2020 vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến thăm cấp cao đến Kazakhstan và Kyrgyzstan. Trong các cuộc hội đàm với nguyên thủ 2 quốc gia, Ngoại trưởng Vương Nghị tập trung chủ yếu đến việc thắt chặt mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước trong thời điểm hậu Covid-19, mở rộng thương mại và hợp tác kinh tế.

Bên cạnh đó, ông Vương Nghị cũng đã hối thúc tổng thống Kyrgyzstan Sooronbai Jeenbekov, người đã từ chức hồi tháng 10, nhanh chóng thanh toán khoản nợ 2,3 tỷ USD mà nước này nợ Trung Quốc từ năm 2017 mặc dù trước đó ông Jeenbekov đã kêu gọi các chủ nợ miễn nợ cho Kyrgyzstan vì những ảnh hưởng của đại dịch.

Chính sách mới của Mỹ

Sau nhiều năm thực hiện chiến dịch chống khủng bố tại Trung Đông và chống nhà nước Taliban tại Afghanistan, Mỹ đã triển khai chính sách đối ngoại đầu tiên của họ tại Trung Á vào năm 2015 khi tổng thống Obama thành lập Diễn đàn C5+1 bao gồm Mỹ và 5 quốc gia Trung Á là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan.

Tháng 2/2020, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã tham dự Hội nghị cấp bộ trưởng C5+1 để thảo luận với các quốc gia Trung Á về việc tăng cường tin cậu lẫn nhau, kết nối và hợp tác để xây dựng Trung Á trở thành một khu vực mạnh mẽ, thúc đẩy các mối quan hệ kinh doanh và đầu tư giữa các cộng đồng doanh nghiệp cũng như triển khai khoản đầu tư lên đến 34 triệu USD của Mỹ dành cho các quốc gia Trung Á thông qua các lĩnh vực an ninh, môi trường và kết nối kinh tế.

Tầm quan trọng địa chính trị của khu vực Trung Á đối với Mỹ là vô cùng lớn. Nếu có được ảnh hưởng tại Trung Á, Mỹ có thể kiểm soát Iran từ phía Bắc, đe dọa Nga ở phía Bắc và ngăn chặn “con đường tơ lụa” của Trung Quốc đi qua Trung Á.

Tuy nhiên, thực tế lại không hoàn toàn dễ dàng như những gì Mỹ mong muốn. Khi Mỹ bước chân vào Trung Á vào năm 2015, khu vực này đã hoàn toàn bị chi phối bởi Nga và Trung Quốc. Một số quốc gia đã hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của Nga trong khi số còn lại đang gánh những khoản nợ khổng lồ của Trung Quốc.

Hiện nay, những lĩnh vực mà Mỹ có thể hợp tác với Trung Á là kết nối kinh tế và chống khủng bố. Ngoài C5+1, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng 2 năm nay cũng đã công bố gói đầu tư lên đến 91 tỷ USD bao gồm 50 tỷ USD thông qua Ngân hàng Phát triển Đa phương, 31 tỷ USD thông qua vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 9,2 tỷ USD thông qua quỹ Viện trợ nước ngoài của Hoa Kỳ.

Với “thế chân vạc” hiện đang cạnh tranh địa chính trị và sự ảnh hưởng tại Trung Á, các quốc gia trong khu vực hẳn đều sẽ có lợi ích và cơ hội phát triển kinh tế riêng cho mình. Nga, Mỹ, Trung khi cạnh tranh với nhau trong khu vực sẽ thể hiện những tham vọng quyền lực của mình bằng việc kéo theo sự phát triển của các quốc gia Trung Á. Dự báo trong tương lai, Trung Á từ một vùng bình nguyên lặng lẽ sẽ có những cuộc “lột xác” ngoạn mục trở thành một khu vực thịnh vượng, phát triển và là cầu nối giữa hai khối kinh tế lớn ở châu Á và châu Âu.

Các tin khác