Tài nguyên - (kỳ 2): Chiến tranh tài nguyên

Sự cạnh tranh để kiểm soát các nguồn tài nguyên, những khoản thu từ nguồn tài nguyên đang là yếu tố quyết định trong nhiều cuộc xung đột trên thế giới những năm qua.

Sự cạnh tranh để kiểm soát các nguồn tài nguyên, những khoản thu từ nguồn tài nguyên đang là yếu tố quyết định trong nhiều cuộc xung đột trên thế giới những năm qua.

> Kỳ 1: Lời nguyền tài nguyên

Đất chật, người đông

Xung đột sắc tộc, văn hóa và tôn giáo thường là nguyên nhân dẫn tới các cuộc chiến tranh. Nhưng nguyên nhân thật sự phía sau đó chính là tham vọng kiểm soát các nguồn tài nguyên có giá trị hoặc những nguồn thu nhập tài nguyên mang lại.

Giới chính trị, lãnh chúa và các nhà lãnh đạo gia tăng sử dụng sắc tộc và tôn giáo như công cụ để khơi dậy sự ủng hộ của công chúng với những toan tính họ đưa ra. Có thể thấy điều này trong các cuộc xung đột ở CHDC Congo vào đầu những năm 2000.

Lúc đó, Liên hiệp quốc đã chỉ ra một số phe phái trong và ngoài nước vì lợi ích to lớn trong khai thác khoáng chất quý hiếm hoặc gỗ, kim cương, vàng nên châm ngòi cuộc xung đột và khó đạt được một thỏa thuận hòa bình.

Tài nguyên ngày càng khan hiếm, các cuộc tranh chấp ngày càng nhiều.

Tài nguyên ngày càng khan hiếm, các cuộc tranh chấp ngày càng nhiều.

Trong thế kỷ 20, dân số thế giới đã tăng từ khoảng 1,5 tỷ lên 6 tỷ người, dự đoán đến năm 2025 sẽ trên 8 tỷ người. Sự bùng nổ dân số đã tác động mạnh lên cơ sở tài nguyên thế giới, đặc biệt tài nguyên nước và đất canh tác. Tuy nước là tài nguyên có thể tái tạo nhưng nguồn cung không thể đáp ứng nổi nhu cầu, nhất là ở khu vực Trung Đông, Nam Á, Trung và Tây Nam Á, Bắc Phi.

Tốc độ gia tăng sử dụng nước, dầu khí, khoáng sản gấp hai, ba lần so với tỷ lệ tăng dân số, cho thấy cơ sở tài nguyên không chỉ chịu áp lực của sự bùng nổ dân số mà còn bởi tác động của thói quen tiêu dùng. Thí dụ tiêu thụ xăng dầu cho xe cá nhân, tăng khẩu phần ăn (cần nhiều nước hơn để sản xuất rau, thịt, sữa, trứng…), dùng máy giặt, máy rửa chén, rửa xe…

Tiếp đó, quá trình toàn cầu hóa, công nghiệp hóa đang lan rộng từ các trung tâm của thế kỷ 20 ở Tây Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản sang Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico và các khu vực khác như Đông Nam Á, đẩy nhu cầu tài nguyên tăng cao.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu toàn cầu cũng ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên. Các vùng ven biển chịu nhiều lũ lụt, như tại Mozambique và một số hòn đảo Caribbean, trong lúc khu vực sâu trong nội địa, như Trung Phi, Tây Nam Hoa Kỳ, Trung Á, trở nên nóng và khô hơn.

Băng tan làm mực nước biển dâng, khiến một tỷ lệ lớn đất canh tác duyên hải sẽ bị nhấn chìm ở Bangladesh, Philippines, Việt Nam, Trung Quốc. Đó là những yếu tố chính cho thấy các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ ngày càng trở nên quý giá và sự tranh chấp diễn ra gay gắt là điều tất yếu.

Mâu thuẫn “tam cường”

Năm 1990-1991, liên quân Hoa Kỳ tấn công Iraq sau khi nước này đưa quân xâm chiếm Kuwait, nổ ra cuộc chiến vùng vịnh Persian trên những mỏ dầu chấn động toàn cầu. Đến năm 1999, khi Tổng thống Azerbaijan đến thăm Nhà Trắng, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton lúc đó đã tuyên bố việc tiếp cận nguồn dầu mỏ của khu vực Caspian là mối quan tâm an ninh của Hoa Kỳ.

Và chính quyền nước này đã triển khai những sáng kiến để đưa quân sang khu vực đó nhiều hơn. Những hoạt động này (đã không được công bố rộng rãi) nhằm xây dựng các mối quan hệ quân sự với các tổ chức chính trị ở những quốc gia mới của khu vực Caspian, thông qua tập trận, chuyển giao vũ khí, huấn luyện quân đội.

Hoạt động của Hoa Kỳ đã reo lên hồi chuông báo động cho điện Kremlin. Nga cũng xem Caspian là khu vực quan trọng đối với an ninh quốc gia và tăng cường hơn khả năng quân sự tại khu vực này.

Không chỉ có Nga và Hoa Kỳ, đến lượt Trung Quốc cũng khẳng định nguồn tài nguyên rất quan trọng với an ninh quốc gia. Tăng trưởng kinh tế quá nóng đã biến nước này thành “con nghiện” năng lượng và khoáng sản, luôn sục sạo khắp thế giới để thỏa mãn nhu cầu.

Có thể thấy điều này với trường hợp biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam là một phần lãnh thổ quốc gia vì muốn chiếm cứ các nguồn tài nguyên nằm dưới đáy biển. Sự ngang ngược của Trung Quốc đã kéo các nước ASEAN, Hoa Kỳ và Nga vào cuộc, khi nước này đưa ra “đường lưỡi bò” liếm sạch biển Đông, “đường chuỗi ngọc trai” quét sang tận Ấn Độ Dương và vịnh Persian.

Trong khi đó tại Trung Đông, Israel đã cảnh báo Jordan và Ai Cập rằng nguồn nước sông Nile rất quan trọng đối với an ninh quốc gia và nếu cần họ sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ quyền tiếp cận nguồn nước.

Trong những cuộc xung đột nội bộ xảy ra trên thế giới, các phe đều dùng mọi khả năng quân sự để tranh giành nguồn lợi tài nguyên, như ở Bolivia, Kenya, Somalia. Thậm chí, nhiều công ty đa quốc gia cũng chạy đua xây dựng lực lượng vũ trang riêng hoặc thuê các nhóm quân sự tư nhân.

Từ đầu những năm 2000 người ta đã biết Freeport McMoRan ở Irian Jaya có một lực lượng quân sự tư nhân rất lớn và đã tài trợ cho quân đội Indonesia. Hay như British Petroleum chi tiền để thành lập một lữ đoàn của quân đội Colombia. Vì vậy, trong một số trường hợp các công ty đa quốc gia có thể thao túng an ninh. Nếu xu hướng này tiếp tục, thế kỷ 21 sẽ chứng kiến ngày càng nhiều cuộc xung đột về quyền tiếp cận tài nguyên, bảo vệ tài nguyên, hoặc kiểm soát các khu vực đặc biệt có giá trị như mỏ kim cương và gỗ quý.

Do đó, nếu muốn tránh những cuộc chiến tranh phi nghĩa, nhân loại cần chú trọng vào các tùy chọn khác, như sử dụng công nghệ, hợp tác và dùng lực lượng thị trường để giải quyết vấn đề.

Các tin khác