SWF: Thế lực đầu tư mới - Kỳ 2: Thay đổi chiến lược

Cùng với những thay đổi trong sự vận hành kinh tế thế giới cũng như trong nhận thức của các nhà hoạch định chính sách và giới quan sát, các SWF cũng buộc phải thay đổi chiến lược đầu tư để thích ứng.

Cùng với những thay đổi trong sự vận hành kinh tế thế giới cũng như trong nhận thức của các nhà hoạch định chính sách và giới quan sát, các SWF cũng buộc phải thay đổi chiến lược đầu tư để thích ứng.

Tập trung thị trường mới nổi

Theo một nghiên cứu mới công bố hồi tháng 1-2011 của Công ty Tư vấn State Street Global Advisors (SSgA), các SWF hàng đầu thế giới đang bị buộc phải xem xét lại chiến lược đầu tư và cách quản lý rủi ro để ứng phó với thời hậu khủng hoảng kinh tế. Theo đó, một số SWF đã tiến hành những thay đổi quan trọng như chuyển từ các chiến lược quản lý đầu tư chủ động sang thụ động, tập trung hơn vào thị trường nợ của các nước đang nổi trong bối cảnh lợi nhuận từ các loại tài sản truyền thống đi xuống. Các SWF cũng chú trọng hơn đến các loại tài sản khác như đất đai và hạ tầng để đa dạng hóa danh sách vốn đầu tư.

“Những nhà quản lý tài sản chính thức như các ngân hàng trung ương, chính phủ và các SWF đều không thể miễn nhiễm trước những khó khăn của thị trường. Nhiều người đã phải xem xét kỹ lưỡng hơn hoạt động của các quỹ do họ quản lý” - John Nugée, Giám đốc cao cấp của SsgA, nói.

Quỹ Mubadala của Abu Dhabi đã liên kết với Quỹ MDB của Malaysia trong lĩnh vực năng lượng, bất động sản và dịch vụ.
Quỹ Mubadala của Abu Dhabi đã liên kết với Quỹ MDB của Malaysia trong lĩnh vực năng lượng,
bất động sản và dịch vụ.

Theo một phúc trình mới đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), một số SWF đã nhanh chóng thay đổi chiến lược đầu tư, như Quỹ Alaska Permanent Fund và National Pension Reserve Fund (Ireland) giảm đầu tư để tăng dự trữ tiền mặt. Trong khi các quỹ ở Na Uy hoặc Australia lại chấp nhận thêm rủi ro khi tăng cường đầu tư chứng khoán. “Đối với Na Uy, sự gia tăng đầu tư vốn giúp họ thu lợi lớn từ việc lên giá lại của các tài sản nhiều rủi ro kể từ năm 2009” - IMF viết. Một số quỹ khác thì gia tăng đầu tư theo địa chính vùng, miền. Chẳng hạn Temasek Holdings (Singapore) có kế hoạch chú trọng hơn các thị trường đang nổi ở châu Á, Brazil và Nga, trong khi giảm đầu tư vào các nước thuộc OECD (nhóm các nước công nghiệp phát triển).

Liên kết và địa phương hóa

Ngày càng có nhiều SWF liên kết hoạt động theo chiến lược chung nhằm làm giảm rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận. Cho đến nay, hầu hết mối liên kết này đều tận dụng lợi thế từ sự am hiểu về địa phương. Đó có lẽ là một chiến lược đúng đắn. Một nghiên cứu của các nhà kinh tế Hoa Kỳ mang lại kết luận rằng những hoạt động đầu tư tại địa phương, đặc biệt trong phạm vi 100km từ trụ sở chính, có thể làm tăng thêm lợi nhuận hơn 1% vì am tường thông tin.

Dẫn đầu chiến lược địa phương hóa trong số các SWF có lẽ là Quỹ Mubadala của Abu Dhabi. Quỹ này đã liên kết với Quỹ Malaysia Development Berhad (MDB) để thành lập một quỹ có quy mô 1 tỷ USD đầu tư ở Malaysia trong lĩnh vực năng lượng, bất động sản và dịch vụ. Mubadala cũng liên kết với Quỹ FSI của Pháp (mỗi bên bỏ ra 10 triệu EUR) để cùng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ sinh học tại Pháp. “Hầu hết hoạt động kinh doanh mạo hiểm dường như đều dựa vào sự am hiểu về địa phương và chạy theo lợi nhuận. Việc liên kết với một quỹ ở địa phương còn mang lại lợi ích cho các SWF trong việc giúp giảm bớt tâm lý “bài ngoại” của người dân tại nước đó” - nhận xét của Cynthia Sweeney Barners, phụ trách các hoạt động quốc gia và xuyên quốc gia của Quỹ Quản lý tài sản toàn cầu (HSBC Global Asset Management) trực thuộc Tập đoàn HSBC.

Các chuyên gia dự báo sẽ còn nhiều quỹ hợp tác với nhau. Ấn Độ và Oman đã thành lập quỹ đầu tư chung với số vốn khởi điểm 100 triệu USD, nhưng dự báo con số này có thể lên đến 1,5 tỷ USD. Hoặc Korea Investment Corp (Hàn Quốc) ký thỏa thuận hợp tác với Khazanah Nasional Berhad của Malaysia và QIC của Australia. Các quỹ SWF từ Trung Quốc, Singapore và Kuwait cũng chung sức với Blackrock trong thương vụ mua lại Barclays Global Investors.

Tăng cường minh bạch

Một trong những điều khiến SWF bị e ngại tại hầu hết các nước trên thế giới là sự “bí hiểm” của chúng. Quan trọng hơn, thường những SWF ít minh bạch nhất lại là những quỹ có tài sản lớn nhất. Trong thực tế, 7 SWF ít minh bạch nhất đang chiếm gần 50% tổng tài sản của toàn bộ các SWF trên thế giới. Đó là lý do vì sao Hoa Kỳ từng thúc ép IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra “Quy ước hành xử” đối với các SWF, trong đó có việc buộc các SWF phải công bố phương thức đầu tư.

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), trong giai đoạn 2007-2009, thế giới đã chứng kiến những cải thiện đáng kể về độ minh bạch của các SWF. Theo đó, các quỹ dẫn đầu về cải thiện tính minh bạch là GIC của Singapore, Mubadala của Abu Dhabi, HSF của Trinidad and Tobago, CIC của Trung Quốc và Korean Investment Corporation của Hàn Quốc.

Tháng 8-2008, các nhà lãnh đạo SWF trên thế giới cũng đã thông qua những nguyên tắc hành xử chung cho các SWF, gọi là “Nguyên tắc Santiago” do được đề xuất tại Santiago (Chile). Theo những nguyên tắc này, các SWF được yêu cầu phải minh bạch hơn về chính sách cũng như danh mục đầu tư. Trên cơ sở các nguyên tắc Santiago, tháng 4-2009, các nhà lãnh đạo SWF nhất trí cùng thành lập Diễn đàn SWF quốc tế (IFSWF), gồm 23 nước thành viên cam kết tuân theo những nguyên tắc Santiago. Tuy nhiên, vẫn còn một số nền kinh tế có các SWF với tổng tài sản trên 25 tỷ USD chưa chịu tham gia IFSWF như Hồng Công, Malaysia, Algeria, Brunei và Kazakhstan.

--------

> Kỳ 1: Bạn hay thù?

Các tin khác