Sức mạnh thực chất kinh tế Trung Quốc (Kỳ 2)

(ĐTTCO) - Gần đây hồ sơ và địa điểm đầu tư của Trung Quốc thay đổi mạnh mẽ, đã thực hiện đầu tư và mua bán khắp châu Á, châu Phi, châu Mỹ và châu Âu. 

Kỳ 2: Khó khăn dịch chuyển chuỗi giá trị

Người mua Trung Quốc đang chộp lấy mọi loại tài sản - các khu đất dân cư và thương mại, các nhà máy, các khu công nghiệp, các cơ sở nghiên cứu và phát triển, các trang trại, các mảnh rừng, các khu mỏ, các vùng dầu khí và nhiều loại tài nguyên khác. Trung Quốc đang thay đổi một cách mạnh mẽ, nhưng ảnh hưởng của nó ra sao?
Tụt bậc nhiều hạng mục

Các tập đoàn đa quốc gia của Trung Quốc hoạt động ra sao, tính cạnh tranh như thế nào ở nước ngoài? Thoạt nhìn, theo bảng xếp hạng Fortune Global 500, các công ty của Trung Quốc giờ đây đứng thứ hai, chỉ sau các công ty đa quốc gia của Hoa Kỳ. Xếp hạng này được tính dựa trên tổng doanh thu và lợi nhuận, không phải dựa vào nguồn gốc mà công ty tạo ra doanh thu và lợi nhuận.
Xem xét các công ty Trung Quốc có thể thấy rõ rất ít trong số này đang hoạt động ở nước ngoài và chỉ một số ít thu hơn một nửa doanh thu từ ngoài nước. Do đó chúng không thực sự là các tập đoàn đa quốc gia, vẫn chỉ hoạt động trong nước là chủ yếu.

Điểm yếu lớn nhất của các tập đoàn đa quốc gia Trung Quốc là nguồn nhân lực - đặc biệt là vị trí quản lý. Họ hiếm khi có một lãnh đạo thông thạo nhiều ngôn ngữ và hiểu biết nhiều nền văn hóa, trong khi đó lại tránh việc thuê vị trí quản lý cấp cao nước ngoài với kỹ năng như thế. Bởi hệ thống cấp bậc và các vai trò được xác định rõ ràng ở nơi làm việc, nên người Trung Quốc thường không thích nghi tốt với các cơ chế quản lý "bằng phẳng hơn" - ở đó đánh giá cao sự phân quyền. Khuynh hướng này đã dẫn đến sự va chạm văn hóa lặp đi lặp lại trong những phi vụ sáp nhập của Trung Quốc với các công ty phương Tây.
Các công ty Trung Quốc cũng gặp khó khăn trong việc thích nghi với các môi trường pháp lý, quy định, thuế và chính trị nước ngoài. Tính minh bạch quản trị doanh nghiệp không phải là những đặc tính thường thấy ở các công ty Trung Quốc, nơi mà các quy trình ra quyết định thường không rõ ràng và kế toán hay gian lận. Nhiều công ty Trung Quốc bị phát hiện nộp những thông tin lừa đảo lên cơ quan quản lý chứng khoán ở Hoa Kỳ trước khi họ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Tính thiếu cạnh tranh của các doanh nghiệp Trung Quốc cũng thể hiện rõ khi nói đến thương hiệu quốc tế. Chỉ một nhóm nhỏ các công ty Trung Quốc thiết lập sự hiện diện thương hiệu ở nước ngoài: bia Thanh Đảo, hàng gia dụng Haier, viễn thông Huawei, hãng hàng không Air China, ô tô Geely… Nhưng không một công ty Trung Quốc nào được xếp hạng trong số 100 thương hiệu quốc tế của Business Week/Interbrand. Diễn đàn Kinh tế Thế giới chỉ xếp Trung Quốc ở vị trí thứ 29 về Tính cạnh tranh toàn cầu năm 2013, cùng với đó là vị trí thứ 68 về tham nhũng và thứ 54 đạo đức kinh doanh. Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp Trung Quốc ở vị trí còn thấp hơn (thứ 80) trong danh mục Tham nhũng Thế giới.
Trong hầu hết các ước tính và phân loại này, Trung Quốc đều đã tụt hạng trong thập kỷ qua. Qua các tiêu chuẩn này, sự hiện diện toàn cầu và danh tiếng trong nhiều hạng mục khác, Trung Quốc bị xếp chung nhóm với những quốc gia hoạt động kém hiệu quả và ít được tôn trọng. Ta chưa nên đơn giản cho rằng quỹ đạo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ không suy giảm. Nó có thể như thế, nhưng cũng có hai khả năng khác - trì trệ và thụt lùi.
Sức mạnh thực chất kinh tế Trung Quốc (Kỳ 2) ảnh 1 Những trang trại trồng nho, sản xuất rượu vang tại châu Âu, Hoa Kỳ là nơi nhà giàu mới nổi Trung Quốc săn lùng, chiếm hữu. 
Thách thức chuyển đổi mô hình
Nhiều nhà quan sát cho rằng Trung Quốc đang đạt tới đỉnh điểm ở nhiều mặt. Tăng trưởng chung đang chậm lại (do chi phí sản xuất đang gia tăng và lợi thế so sánh đang giảm xuống) và chính phủ đang phải vật lộn để giữ tỷ lệ tăng trưởng hàng năm ở mức 7%, điều được coi là cần thiết để đảm bảo có đủ việc làm, hấp thụ lực lượng lao động và duy trì ổn định xã hội. Dù có cố gắng, chính phủ vẫn không thể thực hiện được sự chuyển dịch được công bố, từ một nền kinh tế xuất khẩu và đầu tư sang một nền kinh tế dựa trên tiêu thụ trong nước và "kinh tế tri thức" sáng tạo.
Sản xuất vẫn chưa có được sự dịch chuyển đáng kể lên mức cao hơn trên chuỗi giá trị và bậc thang công nghệ, trong khi bẫy thu nhập trung bình khép vào (và có thể trở thành tình trạng vĩnh viễn). Nợ địa phương đang tăng lên và nhiều cơ quan chính phủ đang chới với để xứ lý; bất bình đẳng xã hội đang ngày càng sâu sắc, tham nhũng tràn lan. 

Trong suốt 5 năm qua, Trung Quốc đã mạnh tay trấn áp tham nhũng, thanh lọc bộ máy - kể cả các quan chức cao cấp, nhưng giới quan sát quốc tế vẫn chưa thấy những chuyển biến tích cực nào về cải cách. Nhiều nhà quan sát Trung Quốc nhận xét đây là “tổng hòa các tác nhân” nguy hiểm đang kìm hãm đất nước này hiện nay. Chính phủ và người dân Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức đầy khó khăn. Bởi vậy, không nên cho rằng trong tương lai Trung Quốc sẽ tiếp tục thể hiện sự năng động như những gì đã đạt được trong 30 năm trước đó, hoặc cho rằng đường đi của Trung Quốc đến vị trí siêu cường sẽ luôn rộng mở.

Thách thức trong việc cải cách nền kinh tế phức tạp nhất cho tới nay ở Trung Quốc bao gồm một loạt yếu tố then chốt: Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế vĩ mô tổng thể từ thành phần “hai cũ” sang “hai mới” - từ đầu tư nội địa (chủ yếu là vào cơ sở hạ tầng) + chuyển sang tiêu dùng nội địa + thúc đẩy sáng kiến và xây dựng một nền kinh tế tri thức (với khu vực dịch vụ được mở rộng).
Cam kết cải cách doanh nghiệp nhà nước, giảm bớt các doanh nghiệp nhà nước độc quyền đang nắm giữ nhiều lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế (năng lượng, vận tải, viễn thông, công nghiệp quốc phòng...), đồng thời đưa sở hữu hỗn hợp và cạnh tranh (kể cả nước ngoài) vào những lĩnh vực này. Nới lỏng hoặc xóa bỏ những hạn chế về hộ khẩu và thiết lập một thị trường lao động quốc gia thực sự, giảm bớt những gánh nặng do người nhập cư vào đô thị.

Về thể chế cũng đòi hỏi có những cải cách quan trọng, triệt để: Tự do hóa khu vực tài chính gắn liền với khả năng chuyển đổi tài khoản vãng lai của đồng NDT và mở rộng biên độ giao dịch; mở rộng thị trường vốn; giảm thiểu nợ của ngân hàng địa phương và doanh nghiệp; mở rộng giao dịch trực tiếp giữa đồng NDT với các đồng ngoại tệ khác. Bãi bỏ hoặc hoàn thiện và hợp lý hóa một loạt quy định của chính quyền trung ương, cấp tỉnh và cấp thành phố trực thuộc...

Chủ trương cải cách chưa thông 

Điều quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng là phải tiếp tục mở cửa nền kinh tế, bao gồm việc thiết lập các khu vực tự do thương mại; giảm thiểu những hạn chế trong đầu tư nước ngoài vào nội địa và những hạn chế về sở hữu nước ngoài; tiếp tục cắt giảm các hàng rào thuế quan và phi thuế quan; rút ngắn “danh mục cấm” trong đầu tư nước ngoài; tăng cường sự tham gia của Trung Quốc vào các hiệp định thương mại tự do và các thỏa thuận thương mại ưu đãi.

Kể từ Hội nghị Trung ương 3 Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVIII, đã có nhiều bước tiến đáng kể trong một số lĩnh vực nêu trên. Dù vậy, cải cách đã vấp phải sự phản kháng gay gắt của nhiều nhóm lợi ích bảo thủ trong các lĩnh vực khác. Thực tế, nhiều kế hoạch cải cách vẫn nằm trên giấy, chưa được thực hiện hoặc còn rất mơ hồ.

Tháng 8-2014, chính quyền trung ương đã đưa ra Kế hoạch Tái thiết vùng Đông Bắc mới. Cũng trong tháng này, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã phê chuẩn việc sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước (đây là lần đầu tiên bộ luật này được sửa đổi kể từ khi nó bắt đầu có hiệu lực vào năm 1995) và nhiều bước đi khác đã được thực hiện ở cấp địa phương nhằm tăng cường sự minh bạch về ngân sách và giảm bớt khoản nợ đang không ngừng phình ra.
Tuy nhiên, thời gian sẽ cho chúng ta biết liệu những cải cách này sẽ được tiếp tục hay sẽ vấp phải lực cản từ những nhóm lợi ích bảo thủ. Dù sao đi nữa, cho tới giờ những tín hiệu ban đầu này vẫn rất hứa hẹn. 
Hãng nghiên cứu Hurun Report và Tập đoàn Tư vấn Visas Consulting Group đã thực hiện một khảo sát về xu hướng di cư của nhóm người giàu Trung Quốc - có thu nhập trong khoảng 10 - 200 triệu NDT (1,5 - 30 triệu USD). Theo đó, Hoa Kỳ vẫn là điểm đến hàng đầu của người giàu Trung Quốc trong 3 năm gần đây, Canada lần đầu vượt Anh để giữ vị trí thứ hai. Los Angeles, Seattle, San Francisco và New York là các lựa chọn hàng đầu của người Trung Quốc để di cư và đầu tư. Trong khảo sát này, hơn 50% người được hỏi cho rằng “môi trường sống” hoặc “môi trường sống lý tưởng” là động lực chính khiến họ quyết định di cư. 
(còn tiếp)

Các tin khác