Singapore (kỳ 2): Nơi quản lý tài sản thế giới

Theo khảo sát của Tập đoàn Thanh toán và Tư vấn Price waterhouseCoopers (PwC), dự kiến Singapore sẽ vượt Thụy Sĩ và London (Anh) để trở thành Trung tâm quản lý tài sản lớn nhất thế giới vào năm 2013.

Theo khảo sát của Tập đoàn Thanh toán và Tư vấn Price waterhouseCoopers (PwC), dự kiến Singapore sẽ vượt Thụy Sĩ và London (Anh) để trở thành Trung tâm quản lý tài sản lớn nhất thế giới vào năm 2013.

> Thương cảng tấp nập nhất

Dịch vụ và du lịch

Trước năm 1965, GDP bình quân của Singapore vào khoảng 500USD/người, nhưng đến năm 2010 con số này đã tăng hàng trăm lần, lên mức cao thứ 3 ở Đông Á. Dự trữ ngoại tệ của đảo quốc sư tử đạt 233 tỷ USD, đứng thứ 10 thế giới, sở hữu quỹ đầu tư quốc gia Temasek có tiềm lực mạnh.

Singapore hội tụ các yếu tố trở thành trung tâm quản lý tài sản lớn nhất thế giới.

Singapore hội tụ các yếu tố trở thành trung tâm quản lý tài sản
lớn nhất thế giới.

Truyền thống thương mại đã thúc đẩy Singapore ký kết trên 10 FTA với các nước và khu vực khác. Nền kinh tế Singapore được xếp hàng đầu về tính cởi mở, cạnh tranh, sáng tạo và môi trường kinh doanh thân thiện.

Ngành dịch vụ chiếm tới 73,2% GDP (năm 2009). Lực lượng lao động Singapore làm việc trong ngành dịch vụ chiếm khoảng 2/3 tổng số việc làm (năm 2010). Khoảng 64,2% việc làm do người dân địa phương đảm nhiệm. Chính phủ duy trì hệ thống hình phạt khắt khe, nhưng có tác dụng giữ gìn luật pháp hiệu quả.

Ngành du lịch phát triển rất mạnh, thu hút 10,2 triệu lượt khách du lịch (năm 2007). Để thu hút thêm du khách, từ năm 2005, Chính phủ Singapore đã hợp pháp hóa hoạt động cờ bạc bằng việc cho phép mở 2 khu casino.

Theo Hiệp hội Cờ bạc Hoa Kỳ, năm 2010, hai khu phức hợp Resorts World Sentosa và Marina Bay Sands đạt doanh thu kinh doanh cờ bạc 5,1 tỷ USD và dự báo sẽ lên tới 6,4 tỷ USD trong năm 2011. Trong lúc đó, Ngân hàng Hoàng gia Scotland ước tính doanh thu của thành phố Las Vegas (Hoa Kỳ) đạt khoảng 6,2 tỷ USD năm nay.

Như vậy, đảo quốc sẽ vượt Las Vegas, nhưng vẫn còn một chặng đường dài mới có thể đuổi kịp Macau (Trung Quốc) với doanh thu 23,5 tỷ USD năm 2010, dự kiến tăng trưởng 40% trong năm nay. Gần đây, Singapore đầu tư mạnh vào thị trường du lịch chữa bệnh với mục tiêu đến năm 2012 phục vụ 1 triệu khách, mang lại doanh thu 3 tỷ USD.

Nâng cao uy tín quốc tế

Từ lâu, Chính phủ Singapore đã yêu cầu người dân “nói tiếng Anh chuẩn”, thay vì dùng kiểu phát âm lai căng địa phương được gọi là “Singlish”, nhằm tăng cường tính giao lưu thương mại quốc tế. Singapore được đánh giá lợi thế cởi mở và ổn định hơn so với Tokyo chỉ ưu tiên sử dụng tiếng Nhật Bản, hoặc Thượng Hải, Hồng Công vốn bị chi phối bởi các chính sách khó lường của Trung Quốc.

Năm 2010, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Singapore là nơi hoạt động kinh doanh dễ dàng nhất. Các tổ chức đánh giá tín dụng S&P, Fitch xếp Singapore vào hạng AAA, tương lai ổn định.

Để củng cố uy tín cho vị thế trung tâm tài chính, Singapore cho biết sẽ đặt ra những yêu cầu về vốn áp dụng với các ngân hàng cao hơn mức tối thiểu toàn cầu.

Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore tuyên bố: “Mỗi ngân hàng tại Singapore đều mang tầm quan trọng đối với toàn hệ thống. Tỷ lệ vốn cao hơn sẽ giúp các ngân hàng hoạt động vững vàng trong các điều kiện căng thẳng”.

Từ ngày 1-1-2015, các ngân hàng cho vay tại Singapore sẽ phải đáp ứng tỷ lệ vốn cấp 1 tối thiểu khoảng 6,5%, cao hơn 2% so với quy định Basel III công bố vào năm 2010.

Theo bảng 14 yếu tố cạnh tranh cho một trung tâm tài chính do Global Financial Centres Index (Anh) đưa ra, đứng đầu là nguồn nhân lực có kỹ năng, thứ hai môi trường pháp lý, thứ ba tiếp cận thị trường tài chính quốc tế, thứ tư hạ tầng kinh doanh. Singapore đã đáp ứng đầy đủ các yếu tố này.

Chính phủ Singapore nới lỏng quy định liên quan đến các quỹ mạo hiểm, cho phép có thể thành lập trong vòng một tuần; tháo dỡ rào cản chuyển dịch vốn; chuyển từ bảo hộ ngành ngân hàng trong nước sang tập trung gia tăng tính minh bạch. Kiểm soát rủi ro toàn hệ thống tài chính được xem trọng hơn bảo vệ từng tổ chức, doanh nghiệp riêng lẻ.

Bên cạnh đó, toàn bộ lĩnh vực tài chính do Cơ quan Quản lý tiền tệ nhà nước duy nhất giám sát với nhiệm vụ tăng cường sức hút cho trung tâm tài chính Singapore.

Trung tâm quản lý tài sản

Năm 1971, khi Hoa Kỳ bỏ chế độ kim bản vị, Singapore tranh thủ phát triển thành trung tâm ngoại hối của khu vực. Trước khi Anh trao trả Hồng Công cho Trung Quốc năm 1997, Chính phủ Singapore đã phán đoán tầm ảnh hưởng và đón đầu bằng chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở công ty, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt giảm thuế giao dịch. Hiện nay, tài sản của các tổ chức tại Singapore lớn hơn so với Hồng Công.

Để giữ chân số tài sản này, chính phủ Singapore mở rộng khung quản lý tài khoản tín thác. Gần đây, Chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh quốc tế hóa nhân dân tệ, Singapore nhanh chóng xác định sẽ trở thành trung tâm giao dịch nhân dân tệ lớn bên ngoài Trung Quốc. 

Luật pháp thông thoáng nhưng nghiêm minh, gần như không có nạn quan liêu, tham nhũng, lực lượng lao động có kỹ năng, cơ sở hạ tầng tiên tiến: đường truyền internet nhanh gấp 100 lần Trung Quốc, hệ thống giao thông thuận tiện, hải cảng quốc tế tấp nập, sân bay Changi kết nối với khoảng 200 thành phố của 60 nước.

Thuế thấp hơn so với Hoa Kỳ và châu Âu là yếu tố quan trọng giúp Singapore thu hút đầu tư của hơn 3.000 tập đoàn đa quốc gia ở mọi lĩnh vực kinh tế từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu. Kinh nghiệm quản lý tài sản và ngoại tệ giúp Singapore trở thành địa điểm hấp dẫn cho mọi loại hình quản lý tài sản. Ước tính hệ thống ngân hàng Singapore đang quản lý hơn 500 tỷ USD tài sản.

Những vấn đề khó khăn Singapore hiện phải đối mặt là hài hòa lợi ích giữa người nhập cư với dân bản xứ, cướp biển ở eo biển Malacca và động thái của Trung Quốc ở Biển Đông.

Các tin khác