Phóng xạ - Di chứng khó lường (K1): Thảm họa Fukushima

(ĐTTCO) -  “Một cuộc chiến tranh hạt nhân không có chiến tranh” là cách một số nhà khoa học gọi thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản, bởi tính chất hủy diệt của nó được xem là không khác một cuộc chiến tranh hạt nhân.
 
Lớn hơn Chernobyl
Mặc dù hậu quả lâu dài của thảm họa hạt nhân Fukushima Daiichi vẫn chưa được đánh giá đầy đủ, nhưng chúng nghiêm trọng hơn nhiều so với thảm họa Chernobyl năm 1986 ở Ukraine, nguyên nhân gây ra cái chết của gần 1  triệu người. Điều đáng ngại, theo một số nhà chuyên môn, là hậu quả đáng sợ của thảm họa Fukushima đã được làm giảm nhẹ trên báo chí và phương tiện truyền thông tại Nhật Bản lẫn nước ngoài. Dường như có một sự đồng thuận về chính trị ở Nhật Bản, Hoa Kỳ và Tây Âu để bưng bít một phần thông tin đáng sợ về cuộc khủng hoảng ở Fukushima.
 Về thảm họa hạt nhân Fukushima không ai ném bom lên chúng ta... Chúng ta độc diễn trên vũ đài, tự mình phạm tội phá hủy đất đai và hủy hoại cuộc sống của chính chúng ta.
Haruki Murakami,
nhà văn Nhật Bản
Theo một số nhà nghiên cứu, nhà máy Fukushima 3 đã bị rò rỉ lượng plutoni không xác định và chỉ cần hít phải "một phần triệu gram plutoni cũng có thể gây ung thư". Chính vì điều này, một cuộc thăm dò ý kiến vào tháng 5-2011, đã xác nhận hơn 80% dân số Nhật Bản không tin tưởng những thông tin do chính phủ cung cấp liên quan đến cuộc khủng hoảng hạt nhân. Chính phủ Nhật Bản trước đây bị buộc thừa nhận mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima là “phù hợp với thảm họa Chernobyl năm 1986". Tuy nhiên, giới chuyên môn khẳng định sự thừa nhận này vẫn là một phần của việc che đậy một thảm họa lớn hơn rất nhiều.
"Thảm họa Chernobyl chỉ xảy ra tại một lò phản ứng và nhanh chóng tan chảy. Trong khi tại Fukushima có đến 4.400 tấn nhiên liệu hạt nhân, lớn hơn rất nhiều so với nguồn bức xạ tại Chernobyl" - một phân tích của Global Researh cho biết. Điều đáng nói, thảm họa Fukushima không chỉ gây ô nhiễm phóng xạ ở Nhật Bản, mà đã lan ra toàn cầu. Các nguồn phóng xạ không chỉ được phát hiện trong chuỗi thức ăn ở Nhật Bản, mà nước mưa phóng xạ đã được ghi nhận ở California của Hoa Kỳ.
Phóng xạ - Di chứng khó lường (K1): Thảm họa Fukushima ảnh 1 Thảm họa Fukushima. 
Ô nhiễm chuỗi thức ăn 
Các nguyên tố phóng xạ nguy hiểm được thải ra biển và không khí xung quanh Fukushima, tích tụ ở các chuỗi thức ăn như tảo, cá, hoặc đất, cỏ, thịt bò và sữa… Nhập vào cơ thể người, các yếu tố này - được gọi là các chất phát nội bộ - di chuyển đến các cơ quan như tuyến giáp, gan, xương và não, liên tục chiếu xạ các tế bào nhỏ với liều cao của bức xạ alpha, beta và hoặc gamma, qua nhiều năm thường gây ra ung thư.
Theo nghiên cứu của Global Research, một vùng đất và lãnh hải rộng lớn của Nhật Bản đã bị ô nhiễm. Mức độ phóng xạ cao đã được ghi nhận ở khu vực đô thị Tokyo, với dân số 39 triệu người (năm 2010), có dấu hiệu cho thấy chuỗi thức ăn bị ô nhiễm.
Caesium phóng xạ vượt quá giới hạn cho phép đã được tìm thấy trong chè sản xuất tại một nhà máy ở thành phố Shizuoka, cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi hơn 300km. Quận Shizuoka là một trong những vùng sản xuất chè nổi tiếng nhất tại Nhật Bản. Một nhà phân phối chè tại Tokyo đã báo cáo với chính quyền quận rằng phát hiện ra mức phóng xạ cao trong chè được vận chuyển từ thành phố. Chính quyền trung ương sau đó đã ra lệnh cho nhà máy không được vận chuyển sản phẩm ra khỏi thành phố. 
Vì tác động của ô nhiễm phóng xạ, các cơ sở công nghiệp và sản xuất của Nhật Bản bị lao dốc. Nhật Bản không còn là một cường quốc công nghiệp hàng đầu. Xuất khẩu của nước này đã giảm mạnh. Chính phủ Tokyo đã công bố thâm hụt thương mại đầu tiên kể từ năm 1980. Một báo cáo được công bố vào tháng 1-2012 cũng chỉ ra rằng đã có sự nhiễm bẩn hạt nhân đối với vật liệu xây dựng được sử dụng trong ngành xây dựng, bao gồm đường sá và các tòa nhà dân cư trên khắp Nhật Bản.

Ô nhiễm nước
Một trong những hậu quả nghiêm trọng của thảm họa Fukushima là việc làm ô nhiễm nguồn nước. Không chỉ vậy, lượng nước ô nhiễm đang ngày càng tăng trong khi người ta vẫn chưa tìm được hướng xử lý rốt ráo. Các lò phản ứng bị hư hỏng không thể sửa chữa tại nhà máy Fukushima khiến người ta phải bơm nước làm mát liên tục để tránh làm các lõi hạt nhân bị nóng quá mức. Điều này làm sản sinh ra một lượng nước nhiễm xạ khổng lồ. Hiện lượng nước nhiễm xạ khổng lồ này đang được chứa trong khoảng 900 bồn lớn và ngày càng "sinh sôi nảy nở" với khối lượng tăng khoảng 150 tấn mỗi ngày. 
Lượng nước nhiễm xạ này được chứa trong các tầng ngầm, tại đó chúng lại tăng lên do bị hòa lẫn với nước ngầm thấm qua các vết nứt trong các tòa nhà chứa lò phản ứng. Sau khi được xử lý, 210 tấn nước được tái sử dụng và 150 tấn được đưa đến bồn chứa. Trong trường hợp mưa lớn, lượng nước ngầm tăng lên đáng kể, càng góp phần làm tăng lượng nước nhiễm xạ. Lượng nước nhiễm xạ này đã gây đau đầu và tốn kém cho Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), công ty sở hữu Nhà máy điện hạt nhân Fukushima. 
Để giảm lượng nước ngầm rò rỉ vào tầng hầm, công ty đã đào hàng chục giếng để bơm nước ngầm ra trước khi nó đến các tòa nhà có lò phản ứng, đồng thời cho xây một "bức tường băng" dưới lòng đất nhằm làm lạnh một phần mặt đất xung quanh lò phản ứng. Năm ngoái, ban tư vấn của chính phủ ra khuyến nghị TEPCO nên hòa loãng nước nhiễm xạ lên 50 lần và xả khoảng 400 tấn nước đã pha loãng ra biển mỗi ngày - một quá trình dự kiến sẽ mất gần một thập niên để hoàn thành. Tuy nhiên, ý tưởng này bị ngư dân cực lực phản đối.
Naoya Sekiya, chuyên gia về thông tin trong tình huống thảm họa và tâm lý xã hội của Đại học Tokyo, cho rằng nước nhiễm xạ từ nhà máy hạt nhân không nên xả ra môi trường cho đến khi mọi người dân được thông tin đầy đủ và sẵn sàng về mặt tâm lý.
"Xả nước nhiễm xạ chỉ dựa trên khẳng định về an toàn của giới khoa học mà không giải quyết mối quan tâm của dân chúng là không thể chấp nhận trong một xã hội dân chủ. Tiến hành một cách duy ý chí khi mọi người chưa sẵn sàng sẽ chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn" - ông Naoya nói.
(còn tiếp)

Các tin khác