Nợ công: Nỗi lo không của riêng ai - Kỳ 2: Ăn mặn khát nước

Trong 20 năm tới, việc tìm lại tỷ lệ nợ/GDP cân bằng hơn như năm 2007 là điều không thể đối với các nước phát triển như Hoa Kỳ, Anh hoặc Nhật Bản. Giới phân tích còn tin rằng tỷ lệ này trong thập niên tới có thể tăng lên 300% GDP ở Nhật Bản, 200% ở Anh, 150% ở Hoa Kỳ và tới nhiều nước châu Âu.

Trong 20 năm tới, việc tìm lại tỷ lệ nợ/GDP cân bằng hơn như năm 2007 là điều không thể đối với các nước phát triển như Hoa Kỳ, Anh hoặc Nhật Bản. Giới phân tích còn tin rằng tỷ lệ này trong thập niên tới có thể tăng lên 300% GDP ở Nhật Bản, 200% ở Anh, 150% ở Hoa Kỳ và tới nhiều nước châu Âu.

Không dễ thoát nợ

Để giải bài toán nợ công, các nước đều biết rằng cần phải tăng thu giảm chi. Theo đó, xu hướng phổ biến nhất đang được nhiều nước lựa chọn là gia tăng các loại thuế, đồng thời thực hiện các nỗ lực cắt giảm chi tiêu công như lương hưu, trợ cấp hay bảo hiểm y tế, an sinh... Những chính sách “thắt lưng buộc bụng” này đang được các nước châu Âu triển khai, khiến nhiều nhà quan sát châm biếm rằng châu Âu đang ở giữa “kỷ nguyên khắc khổ”.

Các chính sách khắc khổ của Hy Lạp làm gia tăng nhiều cuộc biểu tình, phản đối.

Các chính sách khắc khổ của Hy Lạp làm gia tăng nhiều cuộc biểu tình, phản đối.

Từ đầu năm 2011, Anh tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 17% lên 20%, trong khi Chính phủ của Thủ tướng David Cameron cũng công bố kế hoạch tiết kiệm hơn 7 tỷ EUR. Tại Hoa Kỳ, Tổng thống Obama đề xuất một kế hoạch cắt giảm 1.000 tỷ USD thâm hụt ngân sách trong vòng 20 năm tới.

Tương tự, các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý xây dựng quỹ cứu trợ trị giá 750 tỷ EUR hỗ trợ các nước thành viên gặp khó khăn về tài chính. Các nước này cũng đua nhau đưa ra các kế hoạch cắt giảm chi tiêu được coi là “mạnh bạo” nhằm trấn an dư luận: Hy Lạp công bố tiết kiệm 30 tỷ EUR ngân sách; Tây Ban Nha lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu 50 tỷ EUR trong 3 năm tới; Bồ Đào Nha cam kết giảm mức thâm hụt xuống còn một nửa vào năm 2011 so với mức bội chi của tài khóa 2009.

Tuy nhiên, việc triển khai các chính sách khắc khổ được ví như con dao 2 lưỡi. Các chính sách tăng thuế có thể giúp gia tăng thu nhập của chính phủ, nhưng nó sẽ khiến môi trường kinh doanh khó khăn hơn, chưa kể việc tăng thuế sẽ thúc đẩy nhiều doanh nghiệp tìm cách trốn thuế. Khi hoạt động kinh doanh bị cản trở, việc tuyển dụng lao động sẽ bị siết lại, dẫn đến số người thất nghiệp tăng cao và chính phủ phải tốn thêm nhiều tiền hơn cho các chi tiêu trợ cấp thất nghiệp và an sinh. Đó là chưa kể đến việc gia tăng chính sách khắc khổ sẽ tạo áp lực tài chính lên nhiều thành phần xã hội, từ đó có thể gia tăng bất ổn chính trị và xã hội.

Tại các nước châu Âu, nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn đã nổ ra kể từ khi các chính phủ triển khai những chính sách khắc khổ. Điều này đang được thể hiện rõ ở Hy Lạp khi chi phí bảo hiểm nợ nước này đã tăng 50 điểm, lên mức kỷ lục 1.036 điểm, báo hiệu nguy cơ gia tăng khả năng vỡ nợ của Hy Lạp. “Châu Âu đã đi lầm đường. Kinh nghiệm của cuộc đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước cho thấy tăng thu thuế để cân bằng ngân sách, giảm nợ nhà nước vào thời điểm mà tăng trưởng kinh tế đang yếu kém là một sai lầm, một tai họa” -  GS. Joseph Stiglitz, người từng đứng đầu Ngân hàng Thế giới, nguyên cố vấn kinh tế của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, nói.

Quá muộn

Không chỉ có những nguy cơ tiềm năng, các chính sách khắc khổ mà chính phủ nhiều nước đang theo đuổi còn bị các chuyên gia đánh giá đã quá muộn do các nước này đã đi quá xa trên con đường vay nợ. Để tính toán, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đưa ra một kịch bản trong đó đối tượng là các nước OECD (nhóm các nước công nghiệp phát triển), thời gian kéo dài 30 năm, lãi suất nợ tính bằng mức bình quân giai đoạn 1998-2007, tăng trưởng GDP là mức dự báo tăng trưởng hậu khủng hoảng.

Trong kịch bản này, nếu chính sách tài chính không thay đổi, thói quen tiêu dùng lâu nay không được cắt giảm, tính đến năm 2020 tỷ lệ thâm hụt ngân sách so với GDP sẽ tăng lên mức 13% tại Ireland; 8-10% ở Nhật Bản, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Anh; 3-7% ở Áo, Đức, Hy Lạp, Hà Lan, Bồ Đào Nha. Tỷ lệ nợ/GDP cũng gia tăng nhanh chóng trong thập niên tới, đạt 300% GDP ở Nhật Bản, 200% ở Anh và 150% ở các nước như Hoa Kỳ, Bỉ, Pháp, Ireland, Hy Lạp và Italia. Ngoài ra, lãi suất nợ cũng gia tăng đáng lo ngại, từ mức lãi suất bình quân 5% hiện nay, sẽ tăng trên 10% ở tất cả các trường hợp, cá biệt tại Anh lãi suất có thể tăng tới 27%.

Thấy trước những bất ổn này, nhiều nước đã nỗ lực đưa ra những giải pháp, như Hoa Kỳ đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách từ 11% GDP xuống còn 5% GDP vào năm 2015; trong khi các kế hoạch khắc khổ ở Anh có mục tiêu trong giai đoạn 2010-2013 giảm 1,3 điểm phần trăm thâm hụt ngân sách/GDP mỗi năm... Tuy nhiên, nghiên cứu của BIS trong một kịch bản khác cho rằng các chính sách khắc khổ sẽ có tác dụng giảm thâm hụt ngân sách 1% GDP/năm kể từ năm 2012 dù nhiều nước công nghiệp phát triển vẫn còn nặng nợ vào thập kỷ tới.

Trong kịch bản thứ 3, BIS dựa trên các chính sách đã ban hành và đang được triển khai thực hiện để ước tính tỷ lệ nợ/GDP của các nước. Theo đó, Áo, Đức và Hà Lan sẽ chứng kiến nợ giảm dần. Tuy nhiên, chính sách hiện tại ở các nước Pháp, Ireland, Hoa Kỳ và Anh thậm chí không thể kiểm soát được đà tăng nợ quốc gia. Đặc biệt tại Hoa Kỳ, ngay cả khi các chính sách tiết kiệm được đưa vào, tỷ lệ nợ/GDP vẫn tăng tới 200% trong vòng 30 năm.
Để quay lại mức thâm hụt ngân sách như năm 2007 trong vòng 5 năm, các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh và Ireland phải tạo được thặng dư ngân sách 8-12% GDP/năm, trong khi những nước OECD khác phải có được thặng dư 5-7% GDP/năm. Điều này hầu như không thể bởi hầu hết các nước OECD đều dự báo sẽ gia tăng thâm hụt ngân sách vào năm nay. Trong đó Ireland sẽ thâm hụt 9,2%, Anh 9%, Nhật Bản 8% và Hoa Kỳ 7,1%. Để hồi phục lại mức ngân sách năm 2007 trong vòng 20 năm, Hoa Kỳ phải tạo ra được thặng dư 2,4% GDP mỗi năm, tức hơn 350 tỷ USD/năm, một con số gần như không tưởng với nước có truyền thống chi tiêu cao như Hoa Kỳ.

---------

> Kỳ 1: Báo động đỏ

Các tin khác