Nợ công: Nỗi lo không của riêng ai - Kỳ 1: Báo động đỏ

Năm 2010, thế giới nhiều lần hoảng loạn trước những thông tin bất an về các cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp, Ireland... Năm nay, tình hình dự báo không khá hơn, khi nhiều nước châu Âu có thể nối gót Hy Lạp. Còn các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản đều dự báo nợ công tăng đột biến.

Năm 2010, thế giới nhiều lần hoảng loạn trước những thông tin bất an về các cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp, Ireland... Năm nay, tình hình dự báo không khá hơn, khi nhiều nước châu Âu có thể nối gót Hy Lạp. Còn các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản đều dự báo nợ công tăng đột biến. 

Tăng trưởng bằng vay nợ
Từ trước đến nay, các nước trên thế giới đều thực hiện thu thuế để bù đắp chi tiêu. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của toàn cầu hóa, cộng với tài nguyên thiên nhiên bị thu hẹp và nhu cầu xã hội ngày càng lớn, các nước đều chọn một nguồn thu nữa để bù đắp chi tiêu và thúc đẩy xã hội phát triển: vay nợ. Đây là lý do vì sao các nước phát triển thường nặng nợ hơn so với các nước đang phát triển. 

Top 10 nước nặng nợ tính theo % GDP.

Top 10 nước nặng nợ tính theo % GDP.

Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nợ nước ngoài của Hoa Kỳ tính đến cuối năm 2010 là 14.392 tỷ USD, cao nhất thế giới. Kế đó là Anh, Đức, Pháp, Hà Lan với số nợ lần lượt 8.981, 4.713, 4.698 và 2.344 tỷ USD. Tổng nợ nước ngoài (cả công lẫn tư) trên thế giới hiện nay lên đến 59.090 tỷ USD, tương đương 95% GDP toàn cầu. Trong khi đó, tỷ lệ nợ công bình quân trên thế giới hiện nay ở mức 58,3% GDP. Nước có tỷ lệ nợ công lớn nhất là Zimbabwe, với 241,6% GDP, thấp nhất là Libya, với 3,3%. Nợ công ở Việt Nam chiếm 53,5% GDP, xếp hàng thứ 44 trên thế giới.

Bù đắp thâm hụt ngân sách

Trên thế giới hiện có khoảng 63 nước có thặng dư ngân sách, trong khi phần còn lại (75%) bị thâm hụt, tức các khoản thu (trừ vay nợ) lớn hơn chi tiêu. Để duy trì hoạt động hiệu quả, các nước này đi vay tiền bằng cách phát hành công trái, trái phiếu hoặc vay trực tiếp từ các ngân hàng thương mại, định chế tài chính. Công trái phát hành bằng nội tệ được coi là không có rủi ro tín dụng vì chính phủ có thể tăng thuế hoặc thậm chí in thêm tiền để thanh toán cả gốc lẫn lãi khi đáo hạn.

Nhưng trái phiếu phát hành bằng ngoại tệ (thường là các ngoại tệ mạnh như USD, EUR...) có rủi ro tín dụng cao hơn vì chính phủ có thể không có đủ ngoại tệ để thanh toán, chưa kể rủi ro về tỷ giá hối đoái. Ngoài ra, các khoản nợ công tính bằng ngoại tệ còn một yếu tố rủi ro khác là lãi suất. Các nước càng vay nợ nhiều, độ tín nhiệm càng thấp, lãi suất càng cao. Giới chuyên gia tính ra rằng khi lãi suất cao hơn tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, nước đi vay sẽ không bao giờ trả hết nợ. Và đó chính là tình trạng hiện nay của nhiều nước phát triển trên thế giới. 

Các nước nguy cơ

Theo dự báo của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), tỷ lệ nợ công so với GDP tại Anh sẽ tăng gấp đôi, từ 47% năm 2007 lên 94% trong năm nay và tăng thêm 10% mỗi năm nếu không có những chính sách tài chính đúng đắn và triệt để. Hy Lạp sẽ chứng kiến nợ công tăng từ 104% lên 130% GDP trong năm nay. Tại Hoa Kỳ nợ công đang ở mức 62% và có khả năng tăng đến 100% GDP vào cuối năm nay hoặc một thời gian ngắn sau đó. Nợ công tại Tây Ban Nha dự báo tăng từ 42% lên 74% trong vòng 5 năm tới.

Trong khi đó, tình hình nợ công của Bồ Đào Nha đang khiến giới quan sát hết sức lo ngại do nước này phải đáo hạn thanh toán nhiều khoản nợ lớn trong năm nay. Từ đầu năm đến nay Bồ Đào Nha đã vay nợ 6,5 tỷ USD thông qua việc phát hành trái phiếu. Trong khi tháng 3 này họ đến hạn phải hoàn lại 5,38 tỷ USD nợ trái phiếu. Sau đó nước này phải trả thêm 6,07 tỷ USD nợ trong tháng 4 và 6,9 tỷ USD nợ trong tháng 6. Các khoản nợ của Bồ Đào Nha càng nặng hơn khi lãi suất trái phiếu 10 năm của họ đã lên tới mức cao kỷ lục 7,3%, cao hơn mức nguy hiểm 7% và vượt xa tăng trưởng GDP ước tính năm 2010 (1,4%).
Một số quan chức cấp cao của châu Âu cho rằng chẳng chóng thì chầy Bồ Đào Nha sẽ phải bước tiếp con đường của Hy Lạp và Ireland hồi năm ngoái, khi yêu cầu một gói ứng cứu tài chính tương tự.

Tác động của khủng hoảng

Các chuyên gia nhận định Nhật Bản sẽ kết thúc năm 2011 với tỷ lệ nợ công chạm mức 204% và tăng 9%/năm. Tình hình dự báo còn tồi tệ hơn, khi nghiên cứu của các nhà kinh tế Carmen M Reinhart và Kenneth Rogoff dựa trên dữ liệu có được trong vòng 200 năm qua, nợ công trong các thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính luôn cao hơn 86% so với trước khủng hoảng. Trong nhiều trường hợp, nợ công có thể tăng tới 300%. Cho đến nay, nợ công của Ireland đã tăng hơn gấp 3 chỉ trong vòng 5 năm.

Phúc trình của BIS cũng tin rằng cuộc khủng hoảng tài chính sẽ tác động xấu đến thâm hụt ngân sách và nợ công. Bởi lẽ tại nhiều nước tình hình việc làm và tăng trưởng không thể quay trở lại mức tiền khủng hoảng trong một tương lai gần, khiến chi tiêu cho thất nghiệp và những vấn đề an sinh khác cao và kéo dài trong nhiều năm.

“Mất mát kéo dài gây ra bởi khủng hoảng đối với sản lượng tiềm năng cũng có nghĩa thu nhập của chính phủ sẽ thấp hơn trong một thời gian dài ở nhiều nước. Giai đoạn 2007-2009, tỷ lệ thu nhập chính phủ đối với GDP đã giảm 2-4% ở Ireland, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ và Anh. Cho đến nay vẫn khó xác định điều này sẽ khiến tiến trình hồi phục kinh tế thế giới bao giờ mới được khắc phục xong. Thực tiễn cho thấy  các công ty và hộ gia đình càng thất nghiệp hoặc tuyển dụng thấp lâu chừng nào, hoặc họ càng bị hạn chế tín dụng lâu, nền kinh tế ngầm sẽ càng mở rộng” - phúc trình của BIS viết.

---------

Kỳ 2: Ăn mặn khát nước

Các tin khác