Nợ công địa phương Trung Quốc - Bom hẹn giờ (kỳ 2): Thổi bay tăng trưởng?

Bản thành tích đẹp của Trung Quốc ẩn chứa những món nợ “vĩ đại” có nguy cơ nổ bất cứ lúc nào. nếu Chính phủ bơm tiền cứu, tức tài sản nhà nước sẽ thâm hụt, điều này đồng nghĩa tăng trưởng sẽ bị vạ lây.

Bản thành tích đẹp của Trung Quốc ẩn chứa những món nợ “vĩ đại” có nguy cơ nổ bất cứ lúc nào. nếu Chính phủ bơm tiền cứu, tức tài sản nhà nước sẽ thâm hụt, điều này đồng nghĩa tăng trưởng sẽ bị vạ lây.

(Kỳ 1): Đi tìm ẩn số

Cận cảnh cơ cấu nợ công

Các dự án đầu tư của Trung Quốc liên quan đến Chính phủ có thể chia làm 2 loại hình: đầu tư trực tiếp của Trung ương và đầu tư trực tiếp của địa phương. Trong hệ thống tài chính công của Trung Quốc, trung ương giữ 60% tổng thu thuế nhưng chính quyền địa phương lại là người đảm nhiệm các dịch vụ xã hội.

Khác với các nước phương Tây, chính quyền địa phương Trung Quốc không thể tự phát hành trái phiếu để huy động tiền. Vì thế để phát triển cơ sở hạ tầng địa phương, chỉ còn cách vay mượn từ ngân hàng với bảo chứng là nguồn tài nguyên đất đai ở địa phương. Trong nhiều trường hợp, các dự án của địa phương đã gây lãng phí rất lớn.

Thí dụ như xây dựng những tòa công sở nguy nga, hoặc sân vận động tầm cỡ Olympic cho một thành phố chỉ có 800.000 dân… Những công trình tráng lệ tô điểm bộ mặt địa phương nhưng không sản sinh nguồn thu tương xứng với cả đống tiền đầu tư.

Trong khi đó, các biện pháp của trung ương hạ nhiệt thị trường bất động sản đã khiến nguồn tài nguyên đất đai giảm giá trị. Thực tế trên cho thấy cả 2 nguồn thu khả dĩ để chi trả nợ công đều rất ít.

Xây dựng vô tội vạ đã góp phần hình thành nợ công địa phương.

Xây dựng vô tội vạ đã góp phần hình thành nợ công địa phương.

Một nghịch lý đang diễn ra tại đất nước đông dân nhất thế giới, là việc nhiều thành phố mang tham vọng tiếp nối Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông lại là các địa phương nặng gánh nợ nần nhất nước. Có thể kể tên các “chúa Chổm” hàng đầu như Thiên Tân, Vũ Hán, Trùng Khánh, Thành Đô.

Cho đến nay, thay vì đưa các khoản nợ như thế vào diện nợ vay không hiệu quả, các ngân hàng lại giải quyết theo kiểu thỏa hiệp “OK, chúng tôi sẽ cho anh vay mới và anh sẽ dùng một phần khoản vay mới để trả nợ cũ”.

Đó là lý do tại sao các bản báo cáo đều rất đẹp và tỷ lệ cho vay không hiệu quả ở Trung Quốc luôn ở mức thấp. Và đây cũng là lý do hệ thống ngân hàng Trung Quốc dính chùm với nợ công địa phương.

GDP Trung Quốc chưa tới 5.000 tỷ USD trong lúc nợ công địa phương trên 2.000 tỷ USD. Vậy Trung Quốc có nguy cơ lâm vào khủng hoảng nợ công như Hoa Kỳ và châu Âu? Câu trả lời tạm thời là không, bởi hệ thống ngân hàng Trung Quốc khác các nước phương Tây.

Chính phủ kiểm soát mọi ngân hàng và ngăn chặn người dân chuyển vốn ra nước ngoài. Tài sản trong dân được nắn dòng vào ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Các ngân hàng dùng tiền người dân gửi cho các công ty nhà nước vay; trên thị trường chứng khoán, phần lớn công ty niêm yết là doanh nghiệp nhà nước; hoa lợi bất động sản cũng hầu hết vào túi các công ty nhà nước.

Tóm lại, dòng chảy của tiền luôn đổ về các thể chế do Chính phủ kiểm soát. Vì thế, khi bùng nổ nợ công địa phương, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã hùng hồn tuyên bố sẽ cứu trợ tất cả tổ chức tài chính gặp khó khăn và không để xảy ra sự cố tương tự Lehman Brothers.

Bộ Tài chính cũng công bố những kế hoạch chuyển 2.000-3.000 tỷ nhân dân tệ nợ công địa phương sang bảng cân đối của Trung ương. Thế nhưng, chính sự bao cấp này dẫn tới nguy hiểm: các ngân hàng chẳng quan tâm cải thiện hoạt động sao cho hiệu quả hơn, còn chính quyền địa phương vẫn vô tư xài tiền “chùa”.

Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, Chính phủ bơm tiền cứu, tức tài sản nhà nước sẽ thâm hụt, điều này đồng nghĩa tăng trưởng sẽ bị thổi bay.

Lạm phát

Mỗi lần cứu trợ một ngân hàng, Ngân hàng Trung ương in thêm tiền và bơm vào ngân hàng để bôi trơn dòng chảy vốn. Năm này qua năm khác, nền kinh tế ngập trong dòng tiền mới, giá cả vì thế leo thang, lạm phát tăng tốc. Quan sát nền kinh tế Trung Quốc trong 2-3 năm qua có thể thấy những triệu chứng tiêu biểu của môtíp vận hành hệ thống ngân hàng Trung Quốc.

Hầu như không có dấu hiệu đổ vỡ tín dụng gây ra khủng hoảng tài chính, nhưng lạm phát ngày càng tăng cao. Tiền gửi tiết kiệm của người dân trong ngân hàng bị giảm do “thuế lạm phát”. Thí dụ lạm phát xấp xỉ 6% trong khi lãi suất tiền gửi 3,5%, tức mỗi năm để tiền trong ngân hàng, người dân bị mất gần 3% sức mua thực của đồng tiền.

Những rắc rối lớn nhất sẽ phát sinh từ việc nhiều người sẽ chẳng ngồi yên nhìn số tiền tiết kiệm hao hụt mỗi năm 3% nên sẽ xoay đủ cách, như rút tiền chuyển ra nước ngoài, làm xấu môi trường tài chính Trung Quốc.

Nếu lạm phát tiếp tục, tiền mất giá, tiêu dùng thực tế sẽ chẳng bao giờ trở thành động lực tăng trưởng, tức Trung Quốc sẽ lâm nguy khi xuất khẩu giảm sút. Trung Quốc chỉ trích Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ sử dụng chương trình nới lỏng định lượng đã “xuất khẩu lạm phát” sang phần còn lại của thế giới.

Điều này có thể đúng nhưng chưa khách quan, bởi bản thân Trung Quốc cũng đang “xuất khẩu lạm phát”. Mỗi năm Ngân hàng Trung ương Trung Quốc in thêm 15-25% nguồn cung tiền mới, đẩy giá hàng hóa thế giới tăng lên. Nước giàu hàng hóa Hoa Kỳ có thể miễn dịch với sự lạm phát này, nhưng ở các nước khác, nơi người dân tiêu thụ những mặt hàng như bắp, đậu nành thì giá cả tăng kịch tính. Nói không ngoa, người dân các nước bị vạ lây vì nợ công địa phương Trung Quốc.

Các tin khác