Nợ công địa phương Trung Quốc - Bom hẹn giờ (kỳ 1): Đi tìm ẩn số

Lần đầu tiên Trung Quốc chính thức công bố nợ công ở các địa phương là 1.650 tỷ USD, chiếm 27% GDP, nhưng ngay lập tức Moody’s tố cáo số nợ thực cao hơn ít nhất 540 tỷ USD. Nợ công địa phương Trung Quốc như quả bom chực chờ nổ.

Lần đầu tiên Trung Quốc chính thức công bố nợ công ở các địa phương là 1.650 tỷ USD, chiếm 27% GDP, nhưng ngay lập tức Moody’s tố cáo số nợ thực cao hơn ít nhất 540 tỷ USD. Nợ công địa phương Trung Quốc như quả bom chực chờ nổ.

Các số liệu kinh tế từ Trung Quốc thường bị nghi ngờ tính xác thực, nhất là những số liệu  nhạy cảm. Nợ công địa phương Trung Quốc - thành phần nhiều nhất trong tổng nợ quốc gia - thực sự đã nghiêm trọng tới mức nào?

Con số ảo

Mặc dù Trung Quốc nắm khoảng 1.160 tỷ USD nợ Hoa Kỳ nhưng xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc bị mắc kẹt ở mức AA- do những khoản nợ đáng kể (nhưng được che đậy) trong hệ thống ngân hàng, các xí nghiệp nhà nước, những thành phố “ma”…

Một số chuyên gia nước ngoài chỉ trích Trung Quốc đã in cả núi tiền để phá giá nhân dân tệ (NDT) nhằm giữ lợi thế xuất khẩu giá rẻ, rồi dùng tiền đó mua nợ của Hoa Kỳ. Bảng cân đối của Trung Quốc khét tiếng mờ ám. Trong lúc nhà chức trách Trung Quốc công bố tỷ lệ nợ công chính quyền Trung ương 17% GDP nhưng không tính tới nợ công địa phương, chuyên gia của Standard Chartered Bank tính ra tổng nợ của Trung Quốc, kể cả những khoản nợ bị che giấu, là 77% GDP.

Công ty nghiên cứu Dragonomics - rất có uy tín tại Bắc Kinh - cũng cho rằng nợ công Trung Quốc năm 2010 là 82% GDP, đến năm 2015 con số này sẽ lên tới 89% GDP, còn tệ hơn Bồ Đào Nha (83%) và Hoa Kỳ (79%).

Các công trình xây dựng thi nhau mọc lên với chỉ tiêu cái sau cao hơn cái trước, góp phần làm tăng núi nợ công ở Trung Quốc.

Các công trình xây dựng thi nhau mọc lên với chỉ tiêu cái sau cao hơn
cái trước, góp phần làm tăng núi nợ công ở Trung Quốc.

Cuối tháng 6, Trung Quốc lần đầu tiên chính thức công bố con số tổng nợ công của các chính quyền địa phương là 10.700 tỷ NDT (1.650 tỷ USD), tương đương 27% GDP năm 2010. Văn phòng Kiểm toán quốc gia (NAO) giải thích những món nợ này phần nhiều xảy ra trong 2 năm Trung Quốc tung tiền kích thích kinh tế nhằm chống lại cơn suy thoái toàn cầu.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nghi ngờ NAO đã “quên” không tính đúng, tính đủ vài loại nợ công địa phương, số nợ thực tế có thể cao hơn nhiều.

1 tuần sau đó, ngày 5-7, Moody’s gây chấn động khi “mách” với nhà đầu tư rằng thật ra nợ công ở các địa phương Trung Quốc cao hơn đến 3.500 tỷ NDT (540 tỷ USD) so với con số NAO công bố, tức con số thật phải là 14.200 tỷ NDT (3.190 tỷ USD).

Moody’s cho biết đã nhận thấy có những mâu thuẫn trong các số liệu nhà chức trách Trung Quốc cung cấp, từ đó phát hiện nhiều khoản cho vay tiềm tàng với các địa phương. Riêng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang nắm giữ số nợ ước tính 1.160 tỷ USD và Chính phủ đã tăng nguồn tín dụng trong hệ thống lên 200% GDP.

Còn theo Ngân hàng UBS AG, ước tính nợ công địa phương Trung Quốc có thể chiếm 30% GDP cả nước, tạo ra khoảng 2.000-3.000 tỷ NDT nợ khó đòi. “Nếu Trung Quốc không dọn dẹp được đống nợ công của các chính quyền địa phương, tương lai tín dụng các ngân hàng nước này có thể rơi vào tình trạng tiêu cực” - Moody’s cảnh báo.

“Bêtông cốt tre”

Lời tố cáo và cảnh báo của Moody’s, một trong 3 “đại gia” đánh giá tín dụng đầy uy lực trên thị trường tài chính toàn cầu, đã thổi bùng những mối lo ngại, ngờ vực tốc độ tăng trưởng kinh tế quá nóng ở Trung Quốc.

Phản ứng lại, các cơ quan chức năng và báo đài của Trung Quốc liên tiếp đưa ra những tuyên bố trấn an nhà đầu tư, như “Có thể kiểm soát nợ công địa phương”, “Nợ công địa phương vẫn trong giới hạn an toàn”, “Bộ Tài chính tập trung giải quyết nợ công địa phương”, “Tính đến hết năm 2010, tổng nợ công địa phương là 10.700 tỷ NDT,  tương đương 27% GDP 2010”…

Gần đây nhất, ngày 16-8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Li Yong nói rằng phải thực hiện các biện pháp hữu hiệu để giải quyết thích đáng nợ tồn đọng trong những khu vực nhiều nguy hiểm, đồng thời phải nghiêm khắc kiểm soát các ngành công nghiệp và những món nợ mới.

Trong 2 năm Trung Quốc kích cầu, thành tích GDP được duy trì ở mức gần 2 con số, trở thành điểm sáng được kỳ vọng là động lực kéo kinh tế thế giới khỏi suy thoái. Đã sẵn căn bệnh thành tích “mãn tính”, lại gặp thời trung ương kích cầu nên các địa phương đầu tư ào ạt vào bất động sản, cơ sở hạ tầng, đẩy tăng GDP để làm đẹp các bản báo cáo và dọn đường hoạn lộ thăng quan tiến chức.

Thí dụ điển hình là Deping County Transport Investment Group - một công cụ tài chính của tỉnh Chiết Giang - đã nợ dồn cục 615 triệu USD vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng nước và giao thông, mỗi năm chi phí cho món nợ này lên tới 61 triệu USD, trong lúc thu nhập chỉ 15 triệu USD. Cũng như các công cụ tài chính khác, Deping County dựa dẫm vào trợ cấp từ chính quyền địa phương, nếu không được hỗ trợ, Deping không có khả năng trả nợ.

Theo báo cáo của NAO, ước tính 384 tỷ USD trong tổng nợ công các địa phương đã được bảo lãnh bằng doanh thu bán đất. Còn theo Bộ Đất đai - Tài nguyên doanh thu bán đất trong 5 tháng đầu năm 2011 đã giảm 11% so với cùng kỳ 2010.

Điều này cho thấy các chính quyền địa phương đang phải chịu áp lực nặng nề. Đó là chưa kể đến mặt trái của dòng tiền nóng đã sản sinh ra những ông quan tham mà thủ đoạn quả không hổ danh “Trường Giang sóng sau xô sóng trước” và những công trình thừa lãng phí nhưng kém chất lượng. Nói ví von, các địa phương Trung Quốc như người xây dựng những biệt thự hoành tráng mà cột trụ là bêtông cốt tre.

---------

Kỳ 2: Thổi bay tăng trưởng?

Các tin khác