Những thành phố lột xác (K2): Dubai - cát hóa ngọc

(ĐTTCO) - Dubai được mệnh danh là thành phố của toàn cầu, trung tâm kinh tế thế giới, là một đô thị với những công trình dát vàng lộng lẫy này nằm ở phía Nam của vịnh Ba tư, thuộc vùng Trung Đông của bán đảo Ả rập gồm 7 tiểu vương quốc thống nhất.
Trước đây, thành phố xa hoa này là một làng chài nhỏ với những đụn cát trắng xóa kéo dài tới tận chân trời.
Làng chài bên sa mạc
 Báo cáo của Jones Lang LaSalle đưa Dubai lên bản đồ các nhà đầu tư toàn cầu, với nhận định là thành phố phát triển nhanh nhất trong nền kinh tế thế giới. 
Trước khi phát hiện ra dầu mỏ vào năm 1966, Dubai là một làng chài nghèo nằm giữa biển và sa mạc. Tuy nhiên, do nằm trên tuyến hàng hải quan trọng của khu vực, từ những năm đầu thế kỷ 20, nơi đây đã trở thành bến cảng quan trọng với ngành xuất khẩu ngọc trai. Khi đại suy thoái diễn ra vào những năm 1930, nhu cầu ngọc trai lao dốc và ngành công nghiệp này phá sản. Dubai rơi vào suy thoái nghiêm trọng, nhiều cư dân phải di cư sang những nơi khác ở vùng Vịnh để kiếm sống. Tình hình được cải thiện kể từ năm 1958, khi người đứng đầu Dubai là Sheikh Rashid bin Saeed Al Maktoum đưa ra những chính sách sáng suốt để xây dựng thành phố. Lợi dụng vị trí quan trọng của bến cảng, ông đã sử dụng doanh thu từ các hoạt động thương mại để xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm lưới điện, dịch vụ điện thoại và cảng biển. Đầu những năm 1950, sân bay đầu tiên được đưa vào sử dụng, và vào năm 1959, khách sạn đầu tiên Airlines Hotel được xây dựng.  Năm 1962, khi chi phí cho các dự án cơ sở hạ tầng tăng lên quá lớn, Sheikh Rashid đã đến gặp người anh rể của ông là quốc vương Qatar để vay một khoản tiền lớn xây dựng cây cầu đầu tiên qua eo Dubai. Cầu xây xong vào tháng 5-1963. Tiếp đó, Sheikh Rashid cho xây dựng đường băng trải nhựa vào năm 1965, giúp tiểu vương quốc này mở cửa hơn với thế giới.
Những thành phố lột xác (K2): Dubai - cát hóa ngọc ảnh 1
Đảo nhân tạo hình cây cọ, một biểu tượng thành công của Dubai.

Kế hoạch “thoát dầu”

Sau nhiều năm dò tìm, cuối cùng Dubai cũng phát hiện những mỏ dầu ở ngoài khơi vào năm 1966, dù trữ lượng nhỏ hơn nhiều so với tiểu vương quốc láng giềng là Abu Dhabi. Việc phát hiện dầu mỏ dẫn đến sự xuất hiện của các công ty dầu lửa quốc tế và sự gia tăng số lượng lao động nước ngoài, chủ yếu là người châu Á và Trung Đông. Từ năm 1968 đến năm 1975 dân số của thành phố tăng hơn 300%.
Tuy nhiên, giới lãnh đạo Dubai biết rằng không thể bền vững nếu chỉ tập trung vào các nguồn tài nguyên dầu mỏ. Vì vậy, tranh thủ nguồn thu từ dầu mỏ, Sheikh Rashid bắt tay vào một chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng và đa dạng hóa nền kinh tế. Dầu mỏ chiếm 24% GDP vào năm 1990, nhưng đã giảm chỉ còn 7% GDP vào năm 2004. 

Một trong những dự án lớn đầu tiên Sheikh Rashid bắt tay xây dựng sau khi phát hiện dầu mỏ là cảng nước sâu Rashid. Ban đầu người ta chỉ định xây cảng 4 bến, nhưng sau đó đã mở rộng thành 16 bến. Cảng này khánh thành ngày 5-10-1972. Đến năm 1975, nó mở rộng thêm 35 bến, trước khi cảng Jebel Ali lớn hơn được xây dựng. Cảng Rashid là dự án đầu tiên được thiết kế để tạo ra một cơ sở hạ tầng thương mại hiện đại bao gồm đường sá, cầu, trường học và bệnh viện...

Ngày 2-12-1971, Dubai cùng với Abu Dhabi, Sharjah, Ajman, Umm al-Quwain và Fujairah đã tham gia Đạo luật Liên minh để hình thành Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE). Đến năm 1973, UAE phát hành đồng UAE dirham trên tất cả tiểu vương quốc. Trong những năm 1970, Dubai tiếp tục tăng trưởng nhờ các khoản thu từ dầu mỏ và thương mại, dù phải gánh những dòng người nhập cư chạy trốn cuộc nội chiến ở Lebanon.
Và dù UAE được thành lập, các tiểu vương quốc vẫn thường xuyên có tranh chấp biên giới. Mãi đến năm 1979 mới có thỏa hiệp chính thức chấm dứt các bất đồng. Cảng Jebel Ali được thành lập vào năm 1979. Năm 1985, Dubai cho xây dựng Vùng tự do Jebel Ali (JAFZA) xung quanh cảng để các công ty nước ngoài được tự do nhập khẩu lao động và vốn. Cũng trong thập niên 1980, Dubai đã thành lập hãng hàng không của riêng mình, Emirates.

Trong những năm đầu, Emirates đã liên kết Dubai với khu vực xung quanh. Nhờ đó, những người Ả Rập Xê-út và Iran đã đến Dubai để mua sắm và tận hưởng cuộc sống nơi đây do sự khắt khe tôn giáo ở nước mình. Các doanh nghiệp người Nga đến để buôn bán các mặt hàng trong thời kỳ hỗn loạn khi Liên Xô sụp đổ.
Vào năm 1990, Emirates đã bay đến các trung tâm lớn như London, Frankfurt và Singapore, thu hút những doanh nhân tại đó đến đến Dubai. Thành phố này cũng áp dụng nhiều chính sách ưu đãi thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, như không đánh thuế trên tiền lương của người lao động. Đến năm 1995, khoảng 20.000 người Anh đã đến sống ở tiểu vương quốc này.

Cải cách đất đai

Chiến tranh vùng Vịnh năm 1990 nổ ra, Dubai cung cấp căn cứ tiếp nhiên liệu cho các lực lượng đồng minh tại JAFZA. Cuộc chiến tranh này đã khiến những doanh nhân ở Kuwait và Bahrain chuyển doanh nghiệp của họ đến Dubai. Đồng thời, cùng với việc giá dầu tăng mạnh sau chiến tranh, đã giúp Dubai có thêm nguồn lực để phát triển thương mại tự do và du lịch. 

Để đa dạng hóa, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ, năm 2002, lãnh đạo Dubai là Sheikh Mohammed đã ban hành sắc lệnh cải cách đất đai, trở thành quốc gia đầu tiên ở vùng Vịnh cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản. Trước khi cải cách, Dubai không có thị trường bất động sản. Đất đai được đưa ra dưới một hệ thống gần như phong kiến: Tất cả đất đai đều nằm trong tay những người cai trị hoặc thân thích của họ. Những người khác, bao gồm cả công dân bình thường và người nước ngoài, chỉ là người thuê đất.
Với cải cách năm 2002, bất cứ ai cũng có thể mua nhà tại Dubai. Điều này cực kỳ hấp dẫn các gia đình giàu có ở các quốc gia bất ổn gần đó. Như với người dân Lebanon đang lo sợ về các cuộc nội chiến ở đất nước mình, những gia đình giàu có ở Ấn Độ muốn tìm một nơi ở mới thoải mái hơn, các tài phiệt Nga đang bị truy quét tài sản ở quê nhà... tất cả đều đổ tiền vào bất động sản của Dubai. 

Tương tự Miami của Hoa Kỳ, Dubai đã trở thành nơi trú ẩn cho những người giàu có ở Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á và Liên Xô cũ. Một thí dụ điển hình là vào năm 2009, nhà độc tài của Azerbaijan mua liền 9 biệt thự bên bờ sông trong vòng chỉ 2 tuần với giá 44 triệu USD.
Những bất động sản này đều mua dưới tên đứa con trai 11 tuổi của ông. Với kế hoạch cải cách đất đai chưa từng có, công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Jones Lang LaSalle đưa Dubai, cùng với Dublin và Las Vegas vào danh sách "Thành phố Chiến thắng" của thế giới năm 2002. 

Các tin khác