NGUY CƠ KHỦNG BỐ ĐÔNG NAM Á

Nguy cơ khủng bố Đông Nam Á (K1): Syria châu Á

(ĐTTCO) - Trong vòng nửa tháng qua, làn sóng khủng bố bùng phát mạnh đã lan tới Đông Nam Á, đỉnh điểm là việc thành phố Marawi của Philippines rơi vào tay khủng bố. 
Nguy cơ Đông Nam Á trở thành mặt trận mới của khủng bố đang được nói đến ngày càng nhiều.
Sau cuộc đụng độ ngày 23-5 giữa các lực lượng an ninh Philippines và các nhóm khủng bố Hồi giáo, thành phố Marawi đã rơi vào vòng kiểm soát của các nhóm khủng bố. Điều này làm dấy lên lo ngại Philippines có thể trở thành một Syria ở châu Á.
Cuộc đụng độ bất ngờ

Chính phủ Philippines cho biết chiều 23-5, các lực lượng an ninh của chính phủ đã bố ráp một ngôi nhà tại thành phố Marawi để bắt giữ Isnilon Hapilon, thủ lĩnh của nhóm khủng bố Abu Sayyaf, sau khi nhận được tin tên này đang ở đó chờ gặp gỡ các “đối tác” đến từ nhóm khủng bố Maute. Hapilon bị Hoa Kỳ xếp vào diện phần tử khủng bố nguy hiểm nhất thế giới và treo thưởng 5 triệu USD cho ai bắt được.
Tuy nhiên, lực lượng an ninh Philippines dường như bị bất ngờ khi khoảng 100 tay súng đột nhiên xuất hiện quanh tòa nhà, nã đạn vào họ để bảo vệ Hapilon. Giao tranh nổ ra dữ dội, các tay súng phiến quân chiếm dần từng góc phố, đẩy lùi quân đội chính phủ và cảnh sát. Theo một số nguồn tin, quân số của chúng tăng từ 100 lên đến 300, thậm chí 500 tay súng, là sự kết hợp của cả 2 nhóm Abu Sayyaf và Maute. 

Marawi thất thủ, phiến quân tuần tra trên các tuyến đường, đốt phá nhà thờ công giáo, bắt cóc linh mục, kiểm soát các cây cầu, bệnh viện và trường đại học. Các phần tử khủng bố đã tấn công trại Ranao và chiếm một số cơ sở trong thành phố, bao gồm tòa thị chính Marawi, Đại học nhà nước Mindanao, bệnh viện và nhà tù thành phố. Nhóm này cũng triển khai lực lượng trên con đường chính của Marawi và đốt cháy nhà thờ St. Mary, Trường Ninoy Aquino và Trường Cao đẳng Dansalan thuộc quản lý của Giáo hội Cơ đốc Thống nhất Philippines.

Trước tình hình đó, Manila đã tăng cường lực lượng với quyết tâm lấy lại Marawi. Quân đội Philippines đã điều khoảng 100 binh lính, gồm những lực lượng đặc biệt được Hoa Kỳ huấn luyện, để giành lại quyền kiểm soát các tòa nhà, đường phố đang bị nhóm Maute chiếm giữ. Quân đội Philippines còn sử dụng các vũ khí hạng nặng, bao gồm máy bay, pháo binh, xe bọc thép và cả tên lửa đạn đạo được phóng từ trực thăng để nhắm vào các mục tiêu của phiến quân Maute ở Marawi. Chính quyền Philippines cũng đã đưa xe tải tới di tản những người dân còn sót lại ở thành phố. 

Cánh tay nối dài của IS 

Theo Business Mirror, phiến quân Maute, hay còn gọi là Nhà nước Hồi giáo Lanao, là nhóm Hồi giáo cực đoan do 7 anh em nhà Maute lập ra, quy tụ các cựu thành viên của Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro và nhiều tay súng nước ngoài. Abdullah Maute, anh cả của nhà Maute, là kẻ đứng đầu nhóm này. 2 trong số các anh em nhà Maute từng là sĩ quan cảnh sát. Theo Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, 2 cựu sĩ quan Abdullah Maute và Omar Maute là cảnh sát ở Manila, nhưng do hám tiền từ ma túy nên chúng đã đến Marawi và lập ra cơ sở sản xuất ma túy lớn Lanao del Sur. 

Ông Duterte cho biết số tiền anh em nhà Maute thu được từ việc buôn bán ma túy đã được chúng dùng để tài trợ cho hoạt động của nhóm phiến quân Maute. Lợi nhuận khổng lồ từ hoạt động buôn bán ma túy đã giúp chúng thừa ngân sách tuyển mộ chiến binh, mua sắm vũ khí, biến cựu băng đảng ma túy trở thành kẻ thù đáng gờm của chính phủ Philippines. Omar và Abdulla Maute được cho là căm ghét những người không theo đạo Hồi và thích áp đặt hệ thống công lý theo kiểu Taliban khắc nghiệt và tàn nhẫn. Các quan chức địa phương và đại diện tôn giáo đều phản đối hình thức Hồi giáo "méo mó" do Maute thuyết giảng. Cuộc đụng độ đầu tiên giữa quân đội Philippines với nhóm Maute diễn ra vào năm 2013, khi phiến quân tấn công một trạm kiểm soát an ninh tại Lanao del Sur.

Nhóm khủng bố này ban đầu chọn tên là Dawlah Islamiya nhưng sau đó đổi tên thành Maute, có quan hệ thân thiết với IS và đang hoành hành ở miền Nam Philippines. Quân đội Philippines từng phát hiện nhiều tài liệu huấn luyện dựa theo phương thức của IS tại căn cứ của phiến quân Maute, cho thấy nhóm này đang tìm cách trỗi dậy theo con đường của IS trước đây. Các chuyên gia phân tích quốc tế cho rằng với chiến dịch táo bạo đánh chiếm Marawi, nhóm Maute đang đi theo con đường phô trương thanh thế, tạo địa bàn hoạt động như của IS trước đây và thu hút các phần tử cực đoan.

Trong khi đó, nhóm khủng bố Abu Sayyaf đã quá quen thuộc với truyền thông từ những năm đầu thập niên 1990, với những màn khủng bố, bắt cóc, chặt đầu con tin. Tên của tổ chức này trong tiếng địa phương có nghĩa là “người mang gươm”. Tổ chức Abu Sayyaf tách khỏi Mặt trận Giải phóng Dân tộc Moro (MILF) vào năm 1991 do chúng bất đồng với chính sách của tổ chức này là theo đuổi chế độ tự trị, còn chúng muốn thành lập một nhà nước Hồi giáo độc lập. Cả nhóm Maute và nhóm Abu Sayyaf đã cam kết trung thành với IS, thường xuyên tổ chức các hành động quân sự đối đầu với quân đội chính phủ.

Nguy cơ khủng bố Đông Nam Á (K1): Syria châu Á ảnh 1 Quân đội Philippines tiến vào Marawi, quyết lấy lại thành phố từ tay khủng bố. 

Nguy cơ Syria thứ hai

Các nhà quan sát quốc tế đang nhìn thấy những điểm tương đồng giữa tình hình ở Đông Nam Á hiện nay với Syria. Việc khủng bố đã kiểm soát thành phố ở Philippines và 2 vụ nổ bom lớn ngay tại thủ đô Jakarta, Indonesia (ngày 24-5) dường như báo hiệu cho giai đoạn bất ổn ở khu vực. Tại Philippines, tình hình đang bị mất kiểm soát. Tổng thống Duterte phải kết thúc sớm chuyến thăm Nga để quay về đích thân chỉ đạo các chiến dịch chống khủng bố. 

Giới quan sát tin rằng cách chống khủng bố của ông Duterte cũng sẽ tàn khốc và đẫm máu như cuộc chiến chống ma túy của ông. Nếu như vậy, xung đột ở Philippines sẽ ngày càng leo thang và có thể phương Tây sẽ xem Duterte là Bashar al-Assad (Tổng thống Syria) thứ hai. Duterte đã nổi tiếng là người ngang ngược, từng công khai nhục mạ cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và tuyên bố sẽ chấm dứt hợp tác với Hoa Kỳ, thay vào đó thúc đẩy quan hệ gần gũi với Nga và Trung Quốc. Như vậy, khả năng chính quyền của ông bị cấm vận vì bạo lực và những lý do khác có thể xảy ra.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên đã đến Trung Đông và thúc giục các nhà lãnh đạo tại đó chấm dứt hỗ trợ chủ nghĩa cực đoan. Nhưng điều này rất khó, vì chính qua sự hỗ trợ này các nhà lãnh đạo mới có được thanh thế và quyền lực. Vì vậy, để tránh sự chú ý của Hoa Kỳ, họ sẽ chuyển hướng sang châu Á. Và IS, cùng với những khó khăn ở Trung Đông, có thể chuyển mặt trận sang Đông Nam Á.

(còn tiếp)

Các tin khác