Mỹ-Trung: Chiến tranh lạnh 4.0

(ĐTTCO)-Song song với cuộc chiến thương mại, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn khởi động một cuộc chiến nhắm vào các công ty công nghệ của Trung Quốc, được giới quan sát gọi nôm na là Chiến tranh lạnh công nghệ, hay Chiến tranh lạnh 4.0.
Trụ sở Huawei tại Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: Huawei
Trụ sở Huawei tại Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: Huawei
Cuộc chiến đã có những dấu hiệu ngày càng khốc liệt, khi Mỹ mới đây đã đưa bổ sung Huawei Technologies vào danh sách đen thương mại đầu tháng trước, hạn chế nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc có khả năng mua phần cứng, phần mềm và dịch vụ từ các nhà cung cấp công nghệ cao của Mỹ.

143 công ty thuộc danh sách đen
Danh sách đen của Mỹ có tên gọi chính thức là "Danh sách thực thể", trong đó xác định các tổ chức và cá nhân được cho là có liên quan hoặc có nguy cơ tham gia đáng kể trong các hoạt động đi ngược an ninh quốc gia, hoặc lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ.
Tính đến ngày 30-5, tổng cộng có 143 mục thuộc Trung Quốc đại lục trong danh sách đen thương mại của Mỹ, dựa trên đánh giá tài liệu 281 trang hiện có được duy trì bởi Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) thuộc Bộ Thương mại Mỹ.
Tuy nhiên, số lượng các thực thể Trung Quốc thực tế còn cao hơn, vì họ có thể núp bóng sau các công ty Nga. Hiện các công ty Nga có 317 mục trong danh sách đen. Danh sách này được BIS xem xét và sửa đổi liên tục.
Theo đó, các tổ chức hoặc cá nhân trong Danh sách thực thể được yêu cầu phải xin giấy phép từ BIS trước khi xuất, tái xuất hoặc chuyển bất kỳ mặt hàng nào bị hạn chế thương mại, bao gồm phần mềm và các công nghệ khác từ các công ty Mỹ. Tuy nhiên, các đơn xin cấp giấy phép sẽ phải tuân theo chính sách đánh giá giả định của chế độ bị từ chối, nghĩa là những điều này sẽ bị từ chối trong hầu hết các trường hợp.
Hầu hết các thực thể Trung Quốc được tìm thấy trong danh sách đen thương mại của Mỹ đều tham gia vào các lĩnh vực như điện tử, hàng không, chất bán dẫn, kỹ thuật và vật liệu được sử dụng cho các thành phần công nghệ cao, bao gồm Viện Thiết bị điều khiển tự động Bắc Kinh, Viện Nghiên cứu công nghệ sản xuất hàng không Bắc Kinh, Viện Máy móc điện Bắc Kinh, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển khí động học Trung Quốc và Tập đoàn Công nghệ điện tử Trung Quốc.
Một số nhà phân phối linh kiện công nghệ cao cũng nằm trong Danh sách thực thể, bao gồm những công ty như Tenco Technology Co, Avin Electronics Technology và Multi-Mart Electronics Technology. Các tổ chức học thuật lớn của Trung Quốc trong danh sách đen thương mại bao gồm Đại học Hàng không và Vũ trụ Bắc Kinh, Đại học Sun Yat-sen, Đại học Công nghệ Quốc phòng, Đại học Bách khoa Tây Bắc, Đại học Khoa học và Công nghệ điện tử.
Các công ty Trung Quốc trong danh sách đen không giới hạn ở những công ty từ các thành phố hạng nhất như Bắc Kinh và Thâm Quyến, như Công ty Công nghiệp hóa chất Baotou Guanghua, nằm ở Nội Mông; Tập đoàn Dịch vụ mỏ dầu Yên Đài Jereh, từ thành phố ven biển Yên Đài thuộc tỉnh Sơn Đông, cũng nằm trong Danh sách thực thể.

Cô lập công nghệ Trung Quốc 
 Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) của Hồng Công, đây không phải là một chiến thuật đàm phán ngắn hạn của chính quyền D. Trump được thiết kế nhằm đạt được một sự nhượng bộ, mà thực chất là “màn mở đầu trong một cuộc chiến tranh lạnh công nghệ mới”, có thể bẻ cong chuỗi cung ứng toàn cầu và viết lại các đơn đặt hàng kinh doanh trên toàn thế giới.
Khởi đầu là một tranh chấp thương mại, trong đó Washington đơn phương áp thuế và châm ngòi cho các khoản thuế trả đũa từ Bắc Kinh, đã leo thang thành các chiến dịch rộng lớn hơn, được thiết kế để làm tê liệt các nhà vô địch công nghệ Trung Quốc, bằng cách cắt đứt quyền truy cập của họ vào các nhà cung cấp công nghệ cao của Mỹ. Sự tiếp cận rộng rãi của chính sách Mỹ có nghĩa là ngay cả các công ty có sản phẩm sử dụng công nghệ Mỹ, cũng có thể bị cấm cung cấp cho các công ty Trung Quốc. 
Với trường hợp của Huawei, cho đến nay nhiều công ty có trụ sở tại Mỹ đã ngay lập tức đóng băng việc cung cấp linh kiện và dịch vụ cho Huawei để tuân thủ quy định, bao gồm Google, Broadcom, Intel, Qualcomm, Microsoft, Xilinx và Western Digital. Nhà sản xuất chip Đức Infineon Technologies cũng tự nguyện đình chỉ hoạt động kinh doanh với Huawei để chờ "đánh giá". Vào ngày 22-5, Arm Holdings cũng đã đình chỉ mọi hoạt động kinh doanh với Huawei. 
Vào ngày 23-5, Hiệp hội thẻ nhớ SD đã thu hồi tư cách thành viên của Huawei. Điều này có nghĩa là Huawei sẽ không còn có thể bán những chiếc điện thoại có sử dụng thẻ nhớ MicroSD. Cùng ngày, Toshiba cũng đã tuyên bố tạm dừng hợp tác với Huawei, như một động thái tạm thời trong khi Toshiba kiểm tra xem các linh kiện hoặc công nghệ do Mỹ sản xuất có được công ty này bán cho Huawei hay không.
Tại sao ông D. Trump lại chọn đánh vào công nghệ của Trung Quốc? Theo giới quan sát, người Mỹ đang ngày càng cảm thấy lo lắng hơn khi biết Trung Quốc đã vạch hẳn kế hoạch trung và dài hạn để vươn lên dẫn đầu công nghệ. Kế hoạch này có tên “Made in China 2025” (sản xuất tại Trung Quốc 2025). Theo đó, Trung Quốc sẽ chuyển đổi thành một một nước dẫn đầu về công nghệ, bước đầu là năm 2025, tiếp đó là năm 2035 và 2049. 
“Made in China 2025” đặc biệt chú trọng nâng cấp ngành sản xuất của Trung Quốc trong 10 lĩnh vực chiến lược như: Công nghệ thông tin, máy công nghệ cao và robot, hàng không vũ trụ, thiết bị hàng hải và tàu biển, vận tải đường sắt tiên tiến, thiết bị vận tải sử dụng năng lượng mới, năng lượng, máy móc nông nghiệp, vật liệu mới và y sinh học. 
Việc một nền kinh tế hướng tới công nghệ cao là điều đáng khuyến khích. Tuy nhiên, cách để Trung Quốc đạt được trình độ công nghệ cao lại có vấn đề. Thay vì bỏ tiền của, công sức và thời gian để nghiên cứu và phát triển, Bắc Kinh bị cáo buộc đã tìm cách “đánh cắp công nghệ” của các nước khác, thông qua tin tặc, gián điệp, thôn tính công ty và chèn ép các công ty đầu tư vào Trung Quốc.
Mỹ kéo các nước về mình
 Năm ngoái, Chính phủ Mỹ đã khởi xướng lệnh cấm làm tê liệt việc bán công nghệ cho nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc ZTE Corp, buộc họ phải dàn xếp bằng cách nộp phạt 1,2 tỷ USD, thay thế toàn bộ quản lý cấp cao của mình và chấp nhận giám sát viên của Mỹ để đảm bảo tuân thủ.
Giới quan sát tin rằng, ông Trump đang buộc các quốc gia trên thế giới phải quyết định dứt khoát họ muốn kinh doanh với ai, Mỹ hay Trung Quốc. Ngày càng nhiều các quốc gia đang thấy rằng lợi ích lâu dài của họ nằm ở việc mở rộng mối quan hệ với Mỹ chứ không phải Trung Quốc. Nền kinh tế Mỹ đang có những kết quả kỷ lục trong hầu hết các chỉ số chính. Mỹ đang tận hưởng tỷ lệ việc làm cao và mức lương tăng, một thị trường chứng khoán cao, thị trường bất động sản đang bùng nổ, cũng như một lĩnh vực sản xuất đang hồi sinh. 
Trong khi đó, nền kinh tế của Trung Quốc đang lâm vào một tình trạng bất ổn rất sâu sắc. Chẳng hạn, từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bơm khoảng 164 tỷ USD nợ mới vào nền kinh tế, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2018. Nhưng khoản nợ đó đã thất bại trong việc kích thích nền kinh tế. Hay một bong bóng bất động sản vẫn là một rủi ro nghiêm trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc, cũng như sự sụp đổ của thị trường chứng khoán.
Thêm vào đó, cả mức nợ công và tư nhân khổng lồ đã dẫn đến hàng hóa sản xuất quá mức mà nhiều người tiêu dùng Trung Quốc không muốn và không còn khả năng mua. Niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng đã rơi vào tình trạng âm trong một vài năm và xu hướng đó đang tiếp tục.
Australia dẫn đầu về việc cấm Huawei, Liên minh châu Âu có thể sẽ theo Australia và Mỹ để cấm Huawei và các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông khác của Trung Quốc. Nhật Bản cũng nhận ra rằng họ phải lựa chọn giữa làm việc với nước Mỹ cởi mở và tự do hoặc một Trung Quốc lắm mưu nhiều kế. Ngay cả các quốc gia nhỏ hơn ở sân sau của Trung Quốc, chẳng hạn như Malaysia, cũng đang từ bỏ các thỏa thuận phát triển trị giá hàng tỷ USD, với lý do các điều khoản không công bằng và hủy hoại kinh tế từ Trung Quốc.
Lệnh trừng phạt của Mỹ hạn chế xuất khẩu dầu của Iran và Venezuela cũng khiến nguồn cung năng lượng cho Trung Quốc bị căng thẳng. Không chỉ vậy, giới quan sát cho rằng có khả năng ông D. Trump đang cố gắng sắp xếp với Ả rập Saudi để ngăn chặn hơn nữa nguồn cung của Trung Quốc. Mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của tổng thống là gây áp lực rất lớn và liên tục lên Trung Quốc để buộc tổ chức lại hệ thống kinh tế và thậm chí là chính trị của họ.

Các tin khác