Mô hình phát triển kinh tế Đông Á (K1):Thực chất sự phát triển thần kỳ

(ĐTTCO) - LTS: Thomas Kalinowski là giáo sư Khoa sau đại học ngành Nghiên cứu quốc tế, Đại học Ewha ở Seoul, Hàn Quốc. Ông đạt bằng tiến sĩ của Đại học Freie, Berlin và đảm nhiệm nhiều vị trí tại Đại học Humboldt (Berlin), học vị sau tiến sĩ tại Đại học California và giáo sư ở Đại học Brown.

 Các ấn phẩm của ông nghiên cứu nhiều vấn đề: Khủng hoảng tài chính và quy chế tài chính, cải cách ngân hàng, vai trò toàn cầu của khối Đông Á, sự đa dạng của chủ nghĩa tư bản, nhà nước kiến tạo phát triển Đông Á… ĐTTC lược thuật, đăng tải tác phẩm của ông với tiêu đề “Sự mất cân bằng kinh tế toàn cầu và khiếm khuyết của mô hình phát triển ở Đông Á”.

Nhà nước kiểm soát kinh tế và tỷ lệ nghèo đói vẫn cao
Mô hình tăng trưởng theo định hướng đầu tư không chỉ đơn thuần là một chiến lược phát triển, nó còn được gắn chặt vào các mối liên hệ giữa nhà nước và các doanh nghiệp ở các nước Đông Á. Những học giả theo chủ nghĩa hiện thực giả định một cách trực tiếp hay ngầm giả định rằng chiến lược phát triển kinh tế này là một phần của một chiến lược quốc gia để đoạt lấy quyền lực toàn cầu.  Mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà nước và khu vực doanh nghiệp là cách giải thích thuyết phục nhất cho sự thành công trong phát triển kinh tế của Đông Á. 
 Tiêu dùng thấp không chỉ có nguồn gốc từ nghèo đói mà còn bắt nguồn từ nguyên nhân mang tính cơ cấu và là kết quả của sự tương tác giữa các thể chế khác nhau. Thí dụ, đặc trưng của tất cả các nước Đông Á là thị trường lao động có 2 mặt đối lập, với một phần nhỏ là lao động thường xuyên trong các công ty lớn với mức lương cao và đa số là lao động không thường xuyên hoặc bán thời gian với mức lương và phúc lợi thấp hơn. Ngoài ra, không giống như ở Hoa Kỳ, các hộ gia đình nghèo ở Đông Á thường không được tiếp cận với tín dụng cho người tiêu dùng hoặc phải dựa vào thị trường tín dụng xám. Các mức lãi suất cực kỳ cao trong thị trường này lại càng làm suy yếu tiêu dùng. 
Trong Hội nghị lần thứ 3 của Ban chấp hành Trung ương khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc được tổ chức vào năm 2013, lần đầu tiên thị trường được công nhận có vai trò quyết định trong việc phân bổ các nguồn lực. Khoảng hơn 10 năm sau khi Đảng Cộng sản cho phép nhà tư bản trở thành đảng viên lần đầu tiên vào năm 2001, 90 trong số 1.000 người Trung Quốc giàu nhất được bầu là thành viên của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc.
Thay vì đang nắm quyền kiểm soát nền kinh tế quốc gia của mình, các nhà nước kiến tạo phát triển Đông Á đang ngày càng thiên về phát triển kinh tế và lợi ích kinh doanh; đổi mới thể chế có sự phối hợp giữa nhà nước và khu vực doanh nghiệp. 
Trong cuốn Ideology and National Competitiveness, Lodge và Vogel khẳng định các nước châu Á “đã xác định rõ nhu cầu của cộng đồng của họ là duy trì khả năng cạnh tranh với kinh tế thế giới”. Sự phát triển và khả năng cạnh tranh đã trở thành nỗi ám ảnh và không chỉ được xác định về mặt kinh tế; thay vào đó 2 khái niệm này được hiểu như nhiệm vụ cho sự sống còn của quốc gia.
Mô hình tăng trưởng do đầu tư dẫn đầu và sự kết nối chặt chẽ giữa chính phủ và doanh nghiệp là một mặt của đồng xu về những mất cân bằng nội địa trong mô hình tăng trưởng Đông Á. Mặt kia của đồng xu là sự yếu kém của tiêu dùng trong nước và tổ chức lao động. Định hướng xuất khẩu và tăng trưởng do đầu tư dẫn đầu tương ứng với tình trạng mức tiêu thụ trong nước thấp và tỷ lệ tiết kiệm cao.
Điểm yếu về nhập khẩu của Đông Á thường được hiểu là chủ nghĩa bảo hộ. Gần đây nhất, Hoa Kỳ và châu Âu đã áp dụng hàng rào thuế quan để đối phó với những tấm pin mặt trời Trung Quốc được chính phủ trợ cấp. Một nghiên cứu đã ước tính rằng các ngành công nghiệp ở Trung Quốc được trợ cấp khoảng 20 tỷ USD mỗi năm.
Khuynh hướng tiêu dùng thấp có nguồn gốc sâu xa trong mô hình phát triển Đông Á, cũng là lý do rõ ràng nhất cho sự thặng dư tài khoản vãng lai và sự thiếu thốn tiêu dùng trong nước đối với các sản phẩm và dịch vụ nước ngoài. Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên đối với Trung Quốc; bất chấp tăng trưởng kinh tế, quốc gia này vẫn là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới với thu nhập bình quân đầu người khoảng 5.000USD. Hơn nữa, 30% dân số Trung Quốc vẫn sống dưới mức nghèo khổ, khi thu nhập hàng ngày thấp hơn 2USD theo thang PPP.
Ngay cả ở các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) của Đông Á như Hàn Quốc và Nhật Bản, cầu vẫn thấp do nghèo đói và bất bình đẳng xã hội. Không chỉ có số lượng gia đình thu nhập thấp lớn hơn nhiều so với trung bình của OECD, 2 quốc gia này còn có khoảng cách giữa thu nhập trung bình của nhóm gia đình nghèo và ngưỡng nghèo đói vượt quá mức trung bình 27,4% của các nước OECD; 36,8% ở Hàn Quốc và 34,4% ở Nhật Bản. 
Mất cân bằng thương mại
Tiêu dùng trong khu vực Đông Á càng bị giới hạn về cấu trúc bởi tỷ lệ tiết kiệm cao. Trong năm 2012, tỷ lệ tiết kiệm cao nhất là ở Trung Quốc với 50%, tiếp theo là Hàn Quốc với 31%. Ngay cả ở Nhật Bản, tỷ lệ tiết kiệm 22% cũng cao hơn nhiều so với tỷ lệ tiết kiệm 13% ở Hoa Kỳ. Vì tỷ lệ tiết kiệm ở Đông Á cao hơn so với tỷ lệ đầu tư trong nước, các nước Đông Á là những nhà xuất khẩu vốn, làm trầm trọng hơn sự ưu tiên cho các đồng tiền định giá thấp. 
Tỷ lệ tiết kiệm cao và sự thiếu hụt tiêu dùng đại chúng ở Đông Á tương ứng với một ý thức hệ sản xuất và một nền văn hóa tiết kiệm. Không giống như “xã hội tiêu dùng” phương Tây, các nước Đông Á có thể được xem là “xã hội sản xuất”. Người Đông Á có xu hướng coi mình như người sản xuất hoặc ít nhất họ không tách rời danh tính người tiêu dùng với danh tính người sản xuất của mình. Ngay cả những nhóm người tiêu dùng cũng không muốn chạy theo lợi ích của họ nếu việc này có thể làm tổn thương lao động và nông dân địa phương. Mặc dù tiêu dùng, tín dụng tiêu dùng và nợ thẻ tín dụng gần đây đã tăng lên trong khu vực Đông Á. 
Góc nhìn khác biệt đối với vai trò toàn cầu của Đông Á cung cấp những hiểu biết quan trọng bổ sung cho những cách giải thích được phát triển mang tính chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự do - thể chế. Từ góc nhìn này, chính những khiếm khuyết của mô hình phát triển Đông Á - chứ không phải sự tổ chức của hệ thống quốc tế hoặc tham vọng toàn cầu của các nước Đông Á - mới là yếu tố chính trong việc xác định vai trò chính trị của Đông Á.  
Những chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái của Đông Á cũng khác khá nhiều so với những chính sách được các thành viên G20 khác sử dụng. Trong khi hầu hết các nước G20 cắt giảm lãi suất đáng kể, các nước Đông Á chỉ giảm lãi suất vừa phải. Tại Nhật Bản, các nhà hoạch định chính sách có ít lựa chọn vì lãi suất đã cực kỳ thấp. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quát hơn, khi vướng phải bộ ba bất khả thi của kinh tế vĩ mô, chính phủ và ngân hàng trung ương các nước Đông Á đã chọn cách thực hiện các chính sách tỷ giá hối đoái chủ động thay vì các chính sách tiền tệ tích cực.
Mặc dù rất khó để đo lường giá trị thực hay “công bằng” của một loại tiền tệ, IMF ước tính rằng - bất chấp sự tăng giá đáng kể của đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng won của Hàn Quốc trong những năm gần đây - những đồng tiền này vẫn bị đánh giá thấp hơn 5-10% và 2-8%. Do sự mất giá lớn của đồng Yên Nhật kể từ cuộc bầu cử của chính phủ Abe mới, ước tính giá trị của nó dao động nhiều hơn; những ước tính này dao động trong khoảng 10% (từ định giá quá cao) đến 20% (định giá quá thấp).
Tăng dự trữ ngoại tệ cũng là một dấu hiệu của các chiến lược được sử dụng để giữ giá trị đồng tiền thấp. Kể từ khi khởi đầu cuộc khủng hoảng năm 2007, Trung Quốc đã mua đáng kể tài sản dự trữ (và theo đó là bán đáng kể đồng nội tệ). Những nỗ lực của G20 nhằm giảm những mất cân bằng toàn cầu và thặng dư tài khoản vãng lai ở Đông Á đã không thành công, mặc dù thặng dư tài khoản hiện tại của Trung Quốc đã giảm.
Thặng dư của Nhật Bản cho thấy một mô hình tương tự nhưng ít kịch tính hơn. Thặng dư của Hàn Quốc thậm chí còn tăng lên trong thời khủng hoảng. Do đó, thâm hụt tài khoản vãng lai hiện nay của Hoa Kỳ vẫn còn đáng kể và cao hơn so với bất kỳ khoảng thời gian nào khác. 
Mô hình phát triển kinh tế Đông Á (K1):Thực chất sự phát triển thần kỳ ảnh 1 Trung Quốc trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới nhưng tỷ lệ dân cư nghèo đói vẫn cao, nhất là vùng nông thôn sản xuất nông nghiệp. 
Hình thái phát triển theo phong cách riêng
Sự phụ thuộc theo định hướng của mô hình phát triển Đông Á là một trở ngại cho khả năng góp phần vào việc tái cân bằng kinh tế toàn cầu cần thiết của các nước trong khu vực. Chúng tôi nhận thấy có 3 yếu tố liên kết với nhau. Thứ nhất, sự phát triển định hướng xuất khẩu ở Đông Á đã thành công trong quá khứ và tạo ra một chế độ gồm các thể chế, các lợi ích và các ý thức hệ phụ thuộc lẫn nhau theo một hướng nhất định và do đó khó thay đổi.
Thứ hai, mối quan hệ chặt chẽ giữa các doanh nghiệp lớn và nhà nước đã tạo ra một mô hình phát triển do đầu tư dẫn đầu, với xu hướng (mang tính hệ thống) tạo ra thặng dư tài khoản vãng lai. Thứ ba, chủ nghĩa nghiệp đoàn phi lao động Đông Á làm suy yếu khả năng trở thành một xã hội tiêu thụ hàng loạt theo kiểu “Ford” của Đông Á.
Về triển vọng tái cân bằng toàn cầu như đã thảo luận trong khối G20, phân tích của chúng tôi không loại trừ khả năng tái cân bằng kinh tế toàn cầu và cũng không cho rằng cuộc xung đột toàn cầu là không thể tránh khỏi. Một mặt, quan điểm về kinh tế chính trị quốc tế (KTCTQT) theo hình ảnh thứ hai trong việc điều phối kinh tế vĩ mô và những mất cân bằng toàn cầu cho rằng một viễn cảnh theo lý thuyết về sự hiện đại hóa khó xảy ra. Trung Quốc trong một viễn cảnh như thế sẽ tự động trở thành một nền kinh tế cân bằng hơn khi nó đi qua các giai đoạn phát triển kinh tế.
Chủ nghĩa tư bản Đông Á là một mô hình chủ nghĩa tư bản có sự phụ thuộc theo định hướng nhất định riêng biệt mà không giống với các phiên bản có nền kinh tế thị trường tự do hay phối hợp của Hoa Kỳ hay châu Âu. Trên thực tế, bất chấp sự khác biệt lớn giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trong các giai đoạn phát triển của mỗi nước, những quốc gia này có mô hình tăng trưởng và những mất cân bằng và “khiếm khuyết” nội địa với nhiều điểm tương đồng đáng ngạc nhiên.
Điều này chỉ ra rằng các thể chế của chủ nghĩa tư bản Đông Á không chỉ đơn thuần là chức năng của một giai đoạn phát triển kinh tế cụ thể, mà là một hình thức mang phong cách riêng của chủ nghĩa tư bản.
(còn tiếp)

Các tin khác