Những vụ án chấn động

Lừa đảo siêu lãi suất (kỳ 2): “Mặt dày” Sergei Mavrodi

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Sergei Mavrodi đã thực hiện mô hình MMM siêu lừa đảo với khoảng 2-5 triệu nhà đầu tư Nga, gây thiệt hại lên tới 1,5 tỷ USD, tương đương 100 tỷ USD hiện tại. Sau một thời gian ngồi tù, đầu năm 2011 Mavrodi đã chào hàng phiên bản mới MMM-2011.

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Sergei Mavrodi đã thực hiện mô hình MMM siêu lừa đảo với khoảng 2-5 triệu nhà đầu tư Nga, gây thiệt hại lên tới 1,5 tỷ USD, tương đương 100 tỷ USD hiện tại. Sau một thời gian ngồi tù, đầu năm 2011 Mavrodi đã chào hàng phiên bản mới MMM-2011.

> Lừa đảo siêu lãi suất (kỳ 1): Madoff và mô hình Ponzi

Siêu lừa đảo MMM

Đầu những năm 90, lợi dụng tình hình biến động ở Liên Xô trước đây, Sergei Mavrodi đã thực hiện một trong những vụ lừa đảo lớn nhất lịch sử nhân loại. Với cái đầu của một cựu toán học gia, năm 1989, Mavrodi đã thành lập Công ty MMM (các ký tự đầu của câu tiếng Nga mang nghĩa “Chúng ta có thể làm nhiều việc”) chuyên nhập khẩu máy tính và thiết bị văn phòng. MMM làm ăn thất bại.

Đến năm 1994, Mavrodi chuyển MMM thành mô hình kim tự tháp Ponzi huy động vốn từ nhà đầu tư tư nhân với cam kết siêu lợi nhuận hàng năm lên tới 1.000%. Cổ phiếu MMM do công ty tự định giá nên Mavrodi hoàn toàn thao túng giá bán với mức tăng hàng ngàn phần trăm mỗi năm, khiến nhà đầu tư tin rằng cổ phiếu MMM an toàn và siêu lợi nhuận.

Thêm vào đó, Mavrodi thực hiện chiến lược quảng cáo dội bom trên các phương tiện phát thanh-truyền hình quốc gia. Tiền bạc ào ạt đổ về, lúc cao điểm Mavrodi thu được hàng triệu USD mỗi ngày từ việc bán cổ phiếu, nhiều đến mức ông ta phải “phát minh” đơn vị đo lường mới: 1 phòng đầy tiền, 2 phòng đầy tiền…

Mavrodi thực hiện vòng quay Ponzi kinh điển: lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước, chiếm đoạt số dư. Mavrodi tính trước hậu quả nên đã cam kết hậu tạ những nhà đầu tư có máu mặt nhằm tranh thủ sự ủng hộ của họ và năm 1994 đã tranh được một ghế trong Duma quốc gia (Hạ viện Nga).

Năm 1995, Mavrodi bị bãi bỏ quyền miễn trừ Quốc hội. 2 năm sau Mavrodi tuyên bố MMM phá sản và lẩn trốn cho tới năm 2003 mới bị bắt.

Mavrodi đã khiến hàng triệu người Nga mất sạch tiền dành dụm cả đời. Theo các ước tính từ nhiều nguồn khác nhau, vụ lừa đảo này đã lôi kéo 2-5 triệu nhà đầu tư, trong đó có cả những người nổi tiếng, với số tiền thiệt hại lên tới 100 tỷ USD (tính theo thời giá hiện tại) và khoảng 50 trường hợp nạn nhân tự tử.

“Câu chuyện thành công” của MMM lúc đó đã kích thích hàng loạt công ty tương tự mọc lên ở Nga như nấm sau mưa với lãi suất cam kết có lúc được đẩy lên tới tận cung Trăng: 30.000%, tác hại theo đó nhân lên. Năm 2003, Mavrodi bị bắt và buộc tội sử dụng hộ chiếu giả, chịu án 13 tháng tù giam.

Trong lúc ngồi tù, Mavrodi bị điều tra về các vụ trốn thuế, gian lận. Các phiên tòa bắt đầu vào tháng 3-2006. Đến tháng 4-2007, tòa án ở Mátxcơva tuyên án Mavrodi 4 năm rưỡi tù giam, phạt tiền 10.000 ruble (390USD), buộc Mavrodi phải trả hơn 20 triệu ruble (777.000USD) bồi thường thiệt hại vật chất theo 600 đơn kiện của nạn nhân. Án phạt này chẳng thấm vào đâu so với tội ác ông ta gây ra nhưng Mavrodi vẫn một mực nói rằng mình vô tội.

“Cáo già” trở lại

Sergei Mavrodi bị kết án tù năm 2007.

Sergei Mavrodi bị kết án tù năm 2007.

Gần đây, Mavrodi tăng cường tần suất khuấy động dư luận bằng những phát ngôn gây sốc. Đầu năm 2011, Mavrodi tuyên bố một cách ngông cuồng: “Tôi muốn phá hủy hệ thống tài chính toàn thế giới”. 

Năm nay 55 tuổi, Mavrodi đánh dấu sự kiện “tái xuất giang hồ” bằng việc tiết lộ dự án mới, gọi là MMM phiên bản 2011. MMM-2011 được cập nhật cho hợp xu hướng thời đại internet, sẽ áp dụng hệ thống thanh toán trực tuyến WebMoney cho phép nhà đầu tư mua các loại vé có vai trò như cổ phiếu nhưng không có giá trị thực. Trước mắt, Mavrodi cam kết trả lãi cho nhà đầu tư 20-30%/tháng.

Mavrodi đã tỏ ra rất hợp thời khi khoác cho dự án mới cái tên “mạng xã hội tài chính”. Phiên bản nâng cấp MMM-2011 dựa hoàn toàn vào internet nhằm lôi cuốn sự tham gia của giới trẻ nghiện công nghệ.

Tháng 5-2011, Mavrodi tung ra một đoạn video gởi tới Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đề nghị cứu nền kinh tế yếu ớt của Belarus bằng cách phát động một mô hình kim tự tháp mới.

Mavrodi mạnh miệng quảng cáo bản thân: “Nếu cho phép mô hình MMM tại Belarus, tôi sẽ chặn đứng lạm phát và sự mất giá của nội tệ trong vòng 1 hoặc 2 tháng. Tôi đã làm được như thế hồi năm 1994 khi tình hình ở Nga còn tệ hơn Belarus hiện giờ.”

Mavrodi cũng gợi ý chính quyền Belarus nên phát hành trái phiếu chính phủ ngắn hạn, tương tự loại GKO của Nga phát hành năm 1993 để lấp thâm hụt ngân sách. Mavrodi không quên nhắn kèm bí kíp huy động: “Hãy thông báo lợi tức 100%/tháng”.

Dù đã biết Mavrodi là kẻ lừa đảo nhưng không ít nạn nhân vẫn tiếp tục chìm đắm trong những lời hoa ngôn xảo ngữ của Mavrodi rằng MMM là mô hình siêu việt, bị sụp đổ bởi chính quyền Nga trù dập nhằm chiếm đoạt tài sản của ông ta.

Cuộc khảo sát nhanh do đài phát thanh Ekho Moskvy thực hiện ngay sau khi Mavrodi chào hàng phiên bản MMM-2011 đã cho thấy kết quả đáng giật mình: khoảng 25% người Nga sẵn sàng đâm đầu vào mạng lưới MMM-2011.

“Cáo già” Mavrodi đã trở lại, nguy cơ tác hại gấp trăm lần, là một bài toán nhức óc đối với nhà chức trách Nga. Không chỉ với Nga, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, suy thoái, lạm phát, nợ công như những cơn sóng dữ dồn dập đổ ụp lên các quốc gia trên toàn thế giới, khiến người dân mất niềm tin, dẫn tới những cuộc xung đột mà mới nhất là phong trào “Chiếm Phố Wall” đang lan từ Hoa Kỳ sang nhiều nước khác đòi hỏi những sự cải tổ kinh tế.

Và tình hình nhạy cảm này là môi trường rất thích hợp cho những truyền nhân Ponzi giở trò. Dư luận Nga đang chờ nhà chức trách ra tay mạnh hơn để bảo vệ tài sản, thậm chí là sinh mạng người dân thoát khỏi những trò lừa đảo Ponzi.

Các tin khác