Lật lại vụ án cựu Tổng giám đốc IMF: Kỳ 1: Ai ép ai?

Phiên tòa bất thường ngày 1-7 đã hủy lệnh quản thúc tại gia đối với cựu Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn, một diễn biến bước ngoặt trong vụ án gây chấn động thế giới suốt hơn 1 tháng qua với cáo buộc ông đã ép dâm một nữ hầu phòng ở khách sạn Sofitel, Hoa Kỳ.

Phiên tòa bất thường ngày 1-7 đã hủy lệnh quản thúc tại gia đối với cựu Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn, một diễn biến bước ngoặt trong vụ án gây chấn động thế giới suốt hơn 1 tháng qua với cáo buộc ông đã ép dâm một nữ hầu phòng ở khách sạn Sofitel, Hoa Kỳ.

Cựu Tổng giám đốc IMF có thật sự trong sạch và nếu được trắng án, liệu ông có trở lại cuộc đua Tổng thống Pháp vào năm tới? Theo giải thích từ tòa án, quyết định hủy lệnh quản thúc đối với ông Dominique Strauss-Kahn vì phát hiện bên nguyên nhiều lần gian dối trong lời khai của mình, khiến nhiều người tin rằng ông Strauss-Kahn mới là người bị “ép oan”.

Ai ép ai?

Ngay sau phiên tòa, ông Dominique Strauss-Kahn được quyền tự do đi lại ở Hoa Kỳ, thay vì bị quản thúc 24/24 giờ với lực lượng bảo vệ có vũ trang và thiết bị định vị như trước đó. Ông cũng được hoàn trả 1 triệu USD tiền bảo lãnh và 5 triệu USD trái phiếu. Dù vậy, hộ chiếu của ông vẫn bị giữ và các công tố viên vẫn chưa hủy cáo buộc đối với ông. Strauss-Kahn vẫn phải hầu tòa vào ngày 18-7 tới, dù nhiều người tin rằng đó sẽ là phiên tòa xóa án cho ông.

Không đáng tin

Dù các luật sư của Strauss-Kahn bỏ rất nhiều tiền để điều tra về cô hầu phòng Diallo, nhưng chính các công tố viên lại là người đầu tiên lên tiếng về những điểm đáng ngờ của bên nguyên. Theo luật pháp Hoa Kỳ, bên công tố phải chia sẻ cho bên bị bất kỳ chứng cứ nào có thể giúp bào chữa cho người bị khởi tố. Vì vậy ngày 30-6, các công tố viên đã gửi cho luật sư đoàn của Strauss-Kahn lá thư cho biết bên “người bị hại” đã nhiều lần nói dối.

Theo tờ New York Times, Công tố viên trưởng Manhattan (New York), Cyrus R. Vance Jr., thừa nhận với thẩm phán Tòa án tối cao bang New York rằng vụ việc có rất nhiều vấn đề. Các công tố viên “không tin tưởng vào những gì cô hầu phòng nói về các sự kiện cũng như bản thân cô ta”.

Chẳng hạn, khi xin được định cư tại Hoa Kỳ, Diallo khai đã bị hiếp dâm tập thể khi còn ở quê hương Guinea, nhưng sau này thừa nhận không có chuyện bị hiếp dâm tập thể. Cô cũng đã nói dối quan chức thuế khi khai có 2 người con phải nuôi nấng, nhưng thật ra chỉ có 1. Và Diallo cũng khai man thu nhập cá nhân hòng được hưởng ưu đãi về nhà ở.

Liên quan trực tiếp đến vụ án, người nữ hầu phòng nói sau khi bị cưỡng bức ở trong phòng của Strauss-Kahn, cô chờ ông đi khỏi rồi lập tức đến báo cho quản lý khách sạn. Nhưng sự thật là sau đó cô ta vẫn tiếp tục lau dọn. “Bên nguyên đã thừa nhận điều này là không đúng. Sau khi vụ việc xảy ra ở phòng 2806 (phòng của Strauss-Kahn), cô tiếp tục lau dọn một phòng bên cạnh rồi quay lại lau dọn phòng của Kahn sau đó mới báo vụ việc cho quản lý” - thư của các công tố viết.

Nhân thân đáng ngờ

Chi tiết này làm dấy lên ngờ vực vụ việc thật ra là cuộc “mua bán dâm”, chứ không phải “ép dâm” như tố cáo của Diallo. Cho đến nay bên công tố và bên bị đều xác nhận ông Strauss-Kahn và cô hầu phòng đã có quan hệ tình dục. Và mấu chốt cho việc kết tội hay xóa án là liệu đó có phải là hành vi có sự đồng thuận của 2 bên hay không.

Theo báo New York Post, một số khách nam từng trú lại khách sạn nơi xảy ra vụ việc cho biết đã từng trả tiền để mua dâm với chính người nữ hầu phòng xưng là “bị hại” trong vụ ông Kahn. “Cô Diallo còn kiêm nhiệm như một nữ mại dâm, thu tiền từ các khách trọ nam. Cô ta có rất nhiều khách hàng, từ những người giàu có cho đến tài xế taxi.

Không chỉ “kiếm thêm” ở Sofitel, Diallo còn bán dâm ngay tại khách sạn ở Brooklyn, nơi nhà chức trách dùng làm nơi trú ẩn cho cô theo luật bảo vệ nhân chứng” - tờ New York Post viết.

Dominique Strauss-Kahn và Diallo, cùng trang bìa tờ New York Post nói cô là một nữ hầu phòng kiêm gái mại dâm ở khách sạn Sofitel.

Dominique Strauss-Kahn và Diallo, cùng trang bìa tờ New York Post
nói cô là một nữ hầu phòng kiêm gái mại dâm ở khách sạn Sofitel.

Nhà chức trách cũng nghi ngờ Diallo có liên hệ với các tổ chức tội phạm mua bán ma túy và rửa tiền. Vài ngày sau khi xảy ra vụ việc, Diallo đã nói chuyện điện thoại với bạn trai đang ngồi tù vì tội tàng trữ ma túy. Cuộc điện đàm đã bị ghi âm. “Đừng lo, gã này có rất nhiều tiền. Em biết em đang làm gì” - New York Times trích lời cuộc điện đàm của Diallo.

Người đàn ông này bị bắt vì tội tàng trữ hơn 180kg cần sa. Anh ta cũng là một trong số vài người đã chuyển 100.000USD tiền mặt vào tài khoản ngân hàng của cô hầu phòng trong vòng 2 năm qua. Số tiền này được chuyển từ Arizona, Georgia, New York và Pennsylnavia. Trước đó, cô khai chỉ có một chiếc điện thoại và không biết gì về các khoản tiền gửi vào tài khoản của mình, ngoại trừ các khoản tiền do chồng chưa cưới gửi.

Phản bác

Mới nhất luật sư của Diallo, Kenneth Thompson đã gửi đơn kiện tờ New York Post và 5 nhà báo liên quan vì “lăng mạ” thân chủ của ông trong loạt bài điều tra trên, khi cho rằng cô kiếm thêm tiền từ việc bán dâm cho các khách trọ nam. Ông Thompson cho biết thân chủ của ông muốn lên tiếng trước báo giới nhằm cung cấp những bức hình và bằng chứng pháp y về các thương tích trên người.

Trả lời về vụ kiện này, người phát ngôn của New York Post cho biết tờ báo “vẫn giữ lập trường” của mình. Các chuyên gia luật nói rằng những vụ việc như vậy nhân chứng đóng vai trò quan trọng. Hiện Diallo vừa là nạn nhân cũng là nhân chứng duy nhất, nhưng tính trung thực trong lời khai của cô đang bị đặt dấu hỏi.

Phát biểu với báo giới, anh trai cô hầu phòng, Mamadou Dian Diallo phản bác cáo buộc em gái ông có liên quan đến đường dây rửa tiền và ma túy. “Chúng tôi là con cháu những nhà thần học Hồi giáo, những người rất ngoan đạo và không bao giờ cho phép bản thân sa vào những hoạt động như vậy” - ông Mamadou Diallo nói.

----------------

Kỳ 2: Quay lại chính trường?

Các tin khác