Kỳ tích Bàn Môn Điếm (K1): Nơi thời gian dừng lại

(ĐTTCO) - Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In đã có cuộc gặp lịch sử hôm 27-4, với những cái bắt tay, cái ôm thân thiện, và cùng ký “Tuyên bố Bàn Môn Điếm về hòa bình, thịnh vượng và thống nhất của bán đảo Triều Tiên”.
 Cuộc gặp gỡ ở Bàn Môn Điếm, thắp lên hy vọng mới cho triển vọng hàn gắn 2 miền đất nước bị chia đôi suốt 73 năm qua.
Bàn Môn Điếm (Panmunjom), hay Khu Bảo an hỗn hợp liên Triều (JSA), đã chứng kiến ít sự thay đổi trong suốt gần 3/4 thế kỷ qua. Người dân ở đây phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt được đặt ra từ 73 năm trước. Và những người lính vẫn liên tục túc trực canh chừng hơn 7 thập niên qua. 
Vùng đất không chủ quyền
Sau khi chiến tranh Triều Tiên, Bàn Môn Điếm được chỉ định là nơi các quan chức 2 phía có thể gặp nhau. Đây cũng là biên giới chiến tranh lạnh cuối cùng trên thế giới, nơi những người lính của 2 bên mặt đối mặt. Cả Hàn Quốc lẫn Triều Tiên đều không có thẩm quyền đối với Bàn Môn Điếm.
 Nếu bạn muốn có một chuyến du lịch cảm giác mạnh, Bàn Môn Điếm là điểm đến hấp dẫn khó lòng bỏ qua. Nó là một trong những nơi kỳ lạ và hấp dẫn nhất thế giới để tham quan.
Kevin Sullivan, Nhà báo Washington Post
Ban đầu, khu vực được gọi là “nul ban ri”, hay “làng cửa ván”. Sở dĩ có tên gọi này bởi cửa của những ngôi nhà ở đây đều được làm từ những tấm ván gỗ. Khi ngôi làng trở thành địa điểm đàm phán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, các quan chức Trung Quốc đã gọi nơi đây bằng các ký tự tiếng Hoa. Khi phát âm những từ này bằng tiếng Hàn, chúng tương tự cách viết Panmunjom (Bàn Môn Điếm), và cái tên này được biết đến từ đó. Ngoài ra, khu vực này còn được gọi với tên “Làng đình chiến”.
Bàn Môn Điếm nằm trong Khu phi quân sự (DMZ), rộng 4km, bị đặt mìn chằng chịt. Đây được xem là ranh giới thực tế giữa 2 miền Triều Tiên, và con đường chính đến khu vực này được bao bọc bằng hàng rào thép gai và tháp canh an ninh. Bàn Môn Điếm cách Seoul 50km về phía Bắc, và cách Gaeseong là một thành phố hiện thuộc về Triều Tiên, 10km về phía Đông. Hiệp định đình chiến Triều Tiên ký kết tại Bàn Môn Điếm chia bán đảo Triều Tiên thành 2 nửa, và về mặt kỹ thuật 2 miền vẫn còn trong chiến tranh, vì chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 chỉ chấm dứt bằng một thỏa thuận ngừng bắn, không phải hiệp ước hòa bình. 
Bàn Môn Điếm được chia thành 2 phần bởi đường ranh giới quân sự: một bên thuộc miền Bắc (Triều Tiên), một bên thuộc miền Nam (Hàn Quốc). Ở giữa ngôi làng là các tòa nhà của Liên Hiệp quốc, nằm ngay đường ranh giới. Nhà Hòa bình, nơi diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa ông Kim và ông Moon hôm 27-4, nằm ở phía Nam của đường ranh giới. Phía Bắc cũng có một địa điểm chuyên dùng cho các cuộc đàm phán, gọi là Tongilgak. Đường ranh giới chỉ được đánh dấu bằng gờ xi măng thấp, nhưng không có binh lính hay du khách nào dám vượt qua.
Kỳ tích Bàn Môn Điếm (K1): Nơi thời gian dừng lại ảnh 1 Bàn Môn Điếm - ranh giới chia cắt hai miền bán đảo Triều Tiên suốt 73 năm qua. 
Chứng nhân lịch sử Bàn Môn Điếm đã chứng kiến một số sự kiện nổi tiếng cả thế giới. Gần đây nhất chính là việc lãnh đạo 2 miền gặp gỡ và ký tuyên bố chung Bàn Môn Điếm. Trước đó, 1 người lính Triều Tiên đã lao qua biên giới trong một cuộc đào tẩu thành công vào tháng 11-2017. Hay vào năm 1984, một sinh viên Nga từ Moscow chạy nước rút qua biên giới làm nổ bùng trận đấu súng kéo dài 30 phút khiến 4 người chết, mặc dù sinh viên này không hề bị thương. Một trận đấu súng khác đã được ghi lại vào năm 1967, khi một nhà báo cao cấp từ Cơ quan Thông tấn Trung ương của Triều Tiên đào tẩu trong khi đi đưa tin về các cuộc đàm phán quân sự. 
Ngoài ra còn có những lo ngại về một cuộc xung đột toàn diện vào năm 1976, sau khi một nhóm lính Triều Tiên giết chết 2 lính Mỹ đang cắt tỉa một cái cây gần đó. Vụ việc đó đã thay đổi cách những người lính di chuyển về khu vực này. Trước cuộc tấn công, họ có thể vượt qua đường phân định ranh giới của 2 bên, nhưng kể từ sau cuộc tấn công đó, mỗi lực lượng đối lập phải ở bên của mình, nửa bước cũng không được xâm phạm bên kia.
Mặc dù được gọi là khu vực phi quân sự, nhưng Bàn Môn Điếm có sự hiện diện dày đặc của binh lính ngày đêm làm nhiệm vụ canh gác, và được trang bị vũ khí đầy đủ bậc nhất trên thế giới như: bê tông ngầm, mìn, hàng rào dây thép gai, các chướng ngại vật chống tăng nằm dọc biên giới, hàng loạt đài quan sát và các ụ súng máy trên những ngọn đồi...
Kỳ tích Bàn Môn Điếm (K1): Nơi thời gian dừng lại ảnh 2 Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In đã có cuộc gặp lịch sử hôm 27-4 tại Bàn Môn Điếm.
Điểm đến đặc biệt
Bàn Môn Điếm còn được biết đến như một nơi để các nhà lãnh đạo ghi điểm. Tổng thống Hoa Kỳ đến thăm Hàn Quốc thường đi đến nơi này như một minh chứng biểu tượng cho cam kết bảo vệ Seoul của Washington. Nhưng thời tiết xấu, đã buộc Tổng thống Donald Trump phải hủy một chuyến đi bất ngờ đến Bàn Môn Điếm vào tháng 11-2017. Còn lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã thực hiện chuyến đi hiếm hoi đến Panmunjom vào năm 2012, với các phương tiện truyền thông nhà nước đăng tải hình ảnh của ông nhìn qua biên giới ở phía Nam bằng một cặp ống nhòm. Lúc đó căng thẳng giữa 2 miền đang lên cao.
Trong những năm qua, khu vực này đã trở thành điểm thu hút lớn đối với du khách nước ngoài. Khách du lịch đến từ phía Nam được cảnh báo cẩn thận với những hành động có thể khiến binh lính Triều Tiên thấy “chướng mắt”. Ngoài ra, trang web chính thức về du lịch của Hàn Quốc liệt kê những cách ăn mặc bị cấm khi tới Bàn Môn Điếm: quần jean bị mài rách, các loại đồng phục, áo phông, quần ngắn, váy ngắn và quần áo hở hang khác. Các tour du lịch có giá 65.000-85.000 won (1,37-1,79 triệu đồng) cho mỗi người. Miền Bắc cũng mang khách du lịch đến Bàn Môn Điếm. Nhưng khác với miền Nam, khách du lịch đến từ phía Bắc được thoải mái hơn trong ăn mặc, thậm chí họ còn có thể tán gẫu với binh sĩ phía Bắc, một điều cấm kỵ với du khách đến từ phía Nam.
Bàn Môn Điếm đã truyền cảm hứng cho một trong những bộ phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử của Hàn Quốc - J.S.A. Được phát hành vào khoảng thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh Bắc-Nam lần đầu tiên giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il và Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung năm 2000.
Bộ phim nói về vụ nổ bí mật trong khu vực an ninh chung, với sự tham gia của các diễn viên nổi tiếng Lee Young Ae, Lee Byung Hun và Song Kang Ho. Dựa trên cuốn tiểu thuyết DMZ của nhà văn Park Sang Yeo, bộ phim được dựng dưới bàn tay đạo diễn của Park Chan Wook. Tuy nhiên, đoàn làm phim không được cấp phép quay ở Bàn Môn Điếm, nên họ đã phải xây dựng một phim trường lớn nhất và đắt nhất của Hàn Quốc tại thời điểm đó (800.000USD, rộng 26.000m2).
(còn tiếp)

Các tin khác