Chiến tranh lương thực

Kỳ 3: Kỷ nguyên chính trị lương thực

Từ cuộc khủng hoảng lương thực đầu năm 2008, nhiều nước trên thế giới bắt đầu triển khai chính sách thắt chặt an ninh lương thực. Trong bối cảnh giá lương thực ngày càng cao, giới quan sát cho rằng thế giới đang bước vào kỷ nguyên với an ninh lương thực đóng vai trò quan trọng trong quá trình hoạch định chính sách đối nội - đối ngoại của các chính phủ.

Từ cuộc khủng hoảng lương thực đầu năm 2008, nhiều nước trên thế giới bắt đầu triển khai chính sách thắt chặt an ninh lương thực. Trong bối cảnh giá lương thực ngày càng cao, giới quan sát cho rằng thế giới đang bước vào kỷ nguyên với an ninh lương thực đóng vai trò quan trọng trong quá trình hoạch định chính sách đối nội - đối ngoại của các chính phủ.

 Kiềm chế xuất khẩu

Những dấu hiệu khủng hoảng đầu tiên xuất hiện vào năm 2007, khi nông dân nhiều quốc gia không đáp ứng đủ nhu cầu ngũ cốc tăng nhanh trên toàn cầu. Giá ngũ cốc và đậu tương tăng mạnh, đến giữa năm 2008 đã cao gấp 3 lần. Để ứng phó, nhiều nước xuất khẩu bình ổn làn sóng tăng giá lương thực trong nước bằng cách kiềm chế xuất khẩu. Trong số những nước này có Nga và Argentina, 2 nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu. Việt Nam, nước xuất khẩu gạo số 2 thế giới, cũng cấm xuất khẩu hoàn toàn trong nhiều tháng đầu năm 2008. Nhiều nước xuất khẩu nhỏ hơn cũng làm tương tự.

Việc nhiều nước hạn chế xuất khẩu ngũ cốc khiến các nước nhập khẩu rơi vào tình cảnh hoang mang. Họ không còn dựa vào thị trường để đáp ứng nhu cầu ngũ cốc của người dân. Vì vậy, một số nước tiến hành bước đi mới: Đàm phán thỏa thuận cung cấp ngũ cốc dài hạn. Như, Philippines đàm phán thỏa thuận cung cấp 1,5 triệu tấn gạo mỗi năm trong vòng 3 năm với Việt Nam. Một phái đoàn của Yemen đến Australia với mục đích tương tự, nhưng không được như ý. Trên thị trường, các nhà xuất khẩu rất miễn cưỡng với các hợp đồng dài hạn.

Thôn tính đất ngoại quốc

Năm 2008, nỗi lo không mua được ngũ cốc từ thị trường khiến nhiều nước giàu có, dẫn đầu Saudi Arabia, Hàn Quốc và Trung Quốc đã tiến hành chiến lược bất thường là mua hoặc thuê đất dài hạn ở các nước khác để tự mình trồng trọt. Các hoạt động này diễn ra ở châu Phi, nơi chính phủ cho thuê đất nông nghiệp dài hạn với giá chưa tới 1USD/mẫu Anh (khoảng 0,4ha). Trong số những “đích ngắm” hàng đầu có Ethiopia và Sudan, những nước có hàng triệu người phải sống nhờ trợ cấp từ Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc.

Nhiều người dân châu Phi bị chiếm dụng đất sản xuất.

Nhiều người dân châu Phi
bị chiếm dụng đất sản xuất.

Đến cuối năm 2009, hàng trăm vụ thôn tính đất đã diễn ra. Thống kê của Ngân hàng Thế giới năm 2010 có tổng cộng gần 140 triệu mẫu Anh đất nông nghiệp đã bị bán hoặc cho thuê. Con số này lớn hơn diện tích trồng bắp và lúa mì ở Hoa Kỳ cộng lại. Những vụ thôn tính như vậy làm ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm và nước trên mặt đất, đặc biệt những quốc gia ở hạ lưu các con sông chảy chung. Chẳng hạn, lượng nước tưới các cánh đồng bắp tại Ethiopia hay Sudan ở thượng nguồn sông Nile sẽ khiến lưu lượng dòng chảy ở quốc gia xuôi dòng Ai Cập bị ảnh hưởng, làm tăng thêm phức tạp chính trị về tài nguyên nước khu vực này.

Tiềm năng xung đột - không chỉ do nguồn nước - khá cao. Nhiều vụ thôn tính đất diễn ra trong bí mật. Và những người bị mất đất là nông dân địa phương đang canh tác trên mảnh đất đó không hề được thông báo về các thỏa thuận. Vì quyền sở hữu đất đai hợp pháp không tồn tại ở các nước đang phát triển, người dân bị mất đất không thể kiện ra tòa. Nhà báo John Vidal viết trên tờ Người Quan sát của Anh về một vụ bán đất cho ngoại quốc tại Gambella, Ethiopia: “Các công ty nước ngoài đổ xô đến và xua đuổi người dân ra khỏi những mảnh đất họ đã sử dụng trong hàng thế kỷ. Không hề có cảnh báo. Các thương vụ tiến hành trong bí mật. Điều duy nhất người dân địa phương thấy là các công ty đi cùng chính quyền địa phương đến với nhiều máy cày và xâm chiếm đất đai của họ”.

Năm 2007, khi giá lương thực bắt đầu tăng, Trung Quốc ký thỏa thuận với Philippines thuê 2,5 triệu mẫu Anh đất nông nghiệp để trồng trọt. Khi tin tức về điều này bị rò rỉ, công chúng phẫn nộ buộc chính quyền Manila phải hủy thỏa thuận. Diễn biến tương tự cũng xảy ra ở quốc đảo Madagascar, nằm ở Đông Phi, nơi Công ty Hàn Quốc Daewoo Logistics theo đuổi quyền khai thác hơn 3 triệu mẫu đất. Khi việc bại lộ, một làn sóng bạo động chính trị nổ ra lật đổ chính quyền và hủy luôn thỏa thuận. Giới phân tích cho rằng việc xâm chiếm đất đai của người dân là một trong những hành vi tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất.

Quỹ đầu tư lương thực quốc gia

Trước sự thật đó, Hàn Quốc tiên phong trong một phương cách khác. Tháng 1-2011, nước nhập khẩu 70% nhu cầu ngũ cốc này tuyên bố thành lập quỹ chuyên dùng để thu mua ngũ cốc. Với văn phòng ở Chicago (Hoa Kỳ), quỹ này lên kế hoạch vượt mặt các công ty giao dịch quốc tế lớn trong việc thu mua ngũ cốc trực tiếp từ nông dân. Khi tạo được thanh thế, quỹ Hàn Quốc sẽ tiến hành ký hợp đồng nhiều năm với nông dân, bảo đảm mua ngũ cốc với mức giá cố định.

Bước đi này của Hàn Quốc sẽ khiến các nước nhập khẩu khác không thể ngồi yên. Thị trường sẽ nhanh chóng có sự tham gia của Trung Quốc, Nhật Bản, Saudi Arabia và các nước nhập khẩu hàng đầu khác. Dù mục tiêu ban đầu của Hàn Quốc đặt ở Hoa Kỳ, nhưng quỹ thu mua ngũ cốc đang muốn mở rộng sang Canada, Australia, Argentina và nhiều nước xuất khẩu lớn khác. Trung Quốc đang lên kế hoạch thâm nhập thị trường Hoa Kỳ như một nhà nhập khẩu ngũ cốc tiềm năng khổng lồ, với số lượng tiêu thụ lên đến 1,4 tỷ người.

-----------

Kỳ 1: Mặt hàng luôn tăng giá

Kỳ 2: Bàn tay Phố Wall

Các tin khác