Những pha knock out trên TTCK

Kỳ 2: Tan hoang “Bến Thượng Hải”

(ĐTTCO) - TTCK Trung Quốc rơi vào trạng thái hỗn loạn từ ngày 12-6-2015 cho đến đầu tháng 2-2016. 1/3 giá trị cổ phiếu loại A trên Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) Thượng Hải bị thổi bay chỉ trong vòng 1 tháng. Tính đến ngày 9-7-2015, TTCK Thượng Hải đã mất 30% giá trị, cho dù hơn một nửa công ty niêm yết đã xin ngừng giao dịch để ngăn chặn tổn thất.

Những nhân tố tiềm ẩn
Cùng với sự tăng trưởng thần tốc của nền kinh tế, TTCK Trung Quốc cũng tăng nóng. Tính đến năm 2012, số lượng công ty niêm yết ở SGDCK Thượng Hải và Thâm Quyến đã tăng lên trên 2.400, vốn hóa thị trường gần 50% GDP thực của Trung Quốc, với 200 triệu cổ phiếu và tài khoản quỹ. Từ tháng 6-2014 đến tháng 6-2015, SGDCK Thưởng Hải tăng hơn 150%, trong khi các SGDCK Thâm Quyến và sàn ChiNext Thâm Quyến còn tăng mạnh hơn. 
 Từ ngày 12-6-2015 cho đến đầu tháng 2-2016, TTCK Trung Quốc thực sự trong cơn hoảng loạn. Mọi thứ diễn ra giống như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990. Các nhà đầu cơ đang nỗ lực bán tháo tài sản có vẻ dễ bị tổn thương nhất.
Ông Takako Masai, 
Ngân hàng Shinsei ở Tokyo
Nhìn thấy cơ hội dễ dãi trên sàn CK, nhiều người dân Trung Quốc cũng đổ xô lên sàn mà không tìm hiểu những kiến thức liên quan. Ở Trung Quốc, hoạt động giao dịch của TTCK bị chi phối bởi các nhà đầu tư cá nhân (gần 85%) - còn được gọi là “nhà đầu tư bán lẻ”.
Hơn 30 triệu tài khoản mới được các nhà đầu tư bán lẻ mở chỉ trong 5 tháng đầu năm 2015, theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký và Thanh toán CK của Trung Quốc. Theo một khảo sát của Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam Trung Quốc, các nhà giao dịch mới không có kinh nghiệm, gần 2/3 chưa bao giờ nhập học hoặc tốt nghiệp trung học. Điều này khiến tâm lý đám đông và tin đồn giữa các nhà giao dịch có nhiều ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư, tạo ra một xu hướng mua và đánh giá quá cao trên thị trường. 
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, trong một nỗ lực để giải phóng thêm tiền cho giao dịch, Ủy ban Điều tiết CK Trung Quốc (CSRC) đã nới lỏng một số quy định tài chính liên quan. Trước năm 2010, hành động bán cổ phiếu ngắn hạn, vay mượn và bán bằng niềm tin, giao dịch ký quỹ với nợ, bị nghiêm cấm ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong tháng 3-2010, Trung Quốc đã thử nghiệm cho 90 công ty được lựa chọn ủy quyền bán ngắn hạn và giao dịch đòn bẩy (margin). Danh sách này được mở rộng lên hơn 280 công ty vào cuối năm 2011. Những thay đổi này dẫn đến việc tăng đáng kể các khoản vay chỉ để giao dịch và bán khống, trở thành chiến lược đầu tư phổ biến nhất trong số các nhà giao dịch.
Từ năm 2010, khi những thay đổi được thực hiện, đến năm 2012 doanh thu ngắn hạn trung bình hàng ngày tăng từ 0,01% lên 0,73%, doanh số giao dịch đòn bẩy, trung bình hàng ngày tăng từ 0,78% lên 5,15%. Kết quả, thị trường Trung Quốc đã bị ngập lụt với các giao dịch nợ và bán khống mạo hiểm. 
CSRC còn từ chối những động thái kiểm soát thị trường, vì e ngại đe dọa sự ổn định chính trị và xã hội. Thay vì hủy niêm yết các công ty đại chúng không có lãi trong 3 quý liên tiếp - một quy định nổi tiếng ở Trung Quốc - CSRC lại thường xuyên cho các công ty này “nợ” vì sợ làm xáo trộn cổ đông. Điều này càng khiến thị trường tích tụ rủi ro, vì nhà đầu tư vẫn tiếp tục rót tiền vào các công ty đang hoạt động kém hiệu quả.
Kỳ 2: Tan hoang “Bến Thượng Hải” ảnh 1 Từ ngày 12-6-2015 cho đến đầu tháng 2-2016, TTCK Trung Quốc thực sự trong cơn hoảng loạn. 

Thứ hai và thứ ba đen tối
Vào thứ hai ngày 24-8-2015, chỉ số CK chính của Thượng Hải mất 8,49% giá trị. Sang ngày thứ ba 25-8, chỉ số này tiếp tục giảm hơn 7%. Chỉ số Shanghai Composite (SSE) đã giảm gần 40% kể từ tháng 6-2015, sau khi tăng hơn 140% trong năm 2014. Phiên đen tối của SSE đã kéo đổ TTCK toàn cầu. Theo đó, chỉ số Nikkei-225 của Tokyo ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong hơn 2 năm, giảm 4,6% xuống mức thấp nhất trong 6 tháng, trong khi chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á-Thái Bình Dương ngoài Nhật Bản giảm 5,1% xuống mức thấp nhất trong 3 năm.
Chỉ số S&P 500 ở Hoa Kỳ cũng giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu thứ hai, sau khi giảm 6% trong tuần trước. Chỉ số Dow Jones cũng giảm mạnh sau tiếng chuông mở.  Vào cuối phiên giao dịch thứ hai ở châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm hơn 4,5%, chỉ số DAX của Đức mất gần 5%, CAC 40 ở Paris giảm 5,6% và chỉ số Stoxx Europe 600 giảm 5,3%. Các cổ phiếu Trung Đông cũng bị ảnh hưởng, với các thị trường ở Saudi Arabia, Dubai, Ai Cập và Israel giảm mạnh. 

Chính phủ ra tay
Chính phủ Trung Quốc đã ban hành nhiều biện pháp để ngăn chặn làn sóng hỗn loạn. Các nhà điều hành hạn chế bán khống bằng đe dọa bắt giữ. Các quỹ tương hỗ lớn và quỹ hưu trí cam kết mua thêm cổ phiếu. Chính phủ đã ngừng cấp phép IPO. Chính phủ cũng cung cấp tiền mặt cho các nhà môi giới để mua cổ phần, được hỗ trợ bởi tiền mặt của ngân hàng trung ương.
Do các thị trường Trung Quốc chủ yếu các cá nhân và không phải các quỹ, truyền thông nhà nước tiếp tục thuyết phục người dân mua nhiều cổ phiếu hơn. Ngoài ra, CSRC áp đặt lệnh cấm bán 6 tháng đối với các cổ đông sở hữu hơn 5% cổ phiếu của công ty, dẫn đến tăng 6% trong TTCK. Hơn nữa, khoảng 1.300 tổng số doanh nghiệp, chiếm 45% TTCK, đã tạm dừng giao dịch cổ phiếu bắt đầu từ ngày 8-7. 
Nhà bình luận của Forbes, Jesse Colombo, cho rằng các biện pháp của chính phủ Trung Quốc, cùng với việc cắt giảm lãi suất, cho phép sử dụng tài sản thế chấp cho các khoản vay ký quỹ, và khuyến khích các công ty môi giới mua cổ phiếu bằng tiền mặt từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc… đã giúp CK Trung Quốc bắt đầu tăng vào giữa tháng 7. Tuy nhiên, ông nói rằng về lâu dài hiệu ứng của các biện pháp này có thể hình thành bong bóng lớn hơn, thông qua việc tạo ra mối rủi ro đạo đức.
Tính đến ngày 30-8, chính phủ Trung Quốc đã bắt giữ 197 người, trong đó có Wang Xiaolu, nhà báo tại tạp chí tài chính có ảnh hưởng Caijing, và các quan chức TTCK, vì “lan truyền tin đồn” vụ tai nạn thị trường và vụ nổ ở Thiên Tân. Tội lan truyền tin đồn có thể bị án tù 3 năm. Các quan chức chính phủ cáo buộc “thế lực nước ngoài” đã “cố ý làm xáo trộn thị trường” và lên kế hoạch đàn áp họ. Vào ngày 1-11, nhà quản lý quỹ đầu tư tỷ phú, Xu Xiang - được gọi là Warren Buffett của Trung Quốc, hoặc Carl Icahn của Trung Quốc - đã bị bắt với cáo buộc thao túng TTCK trong sự hỗn loạn TTCK Trung Quốc năm 2015. 
Đến cuối tháng 12-2015, TTCK Trung Quốc đã hồi phục sau những cú sốc và vượt qua chỉ số S&P 500 của Hoa Kỳ trong năm 2015, dù vẫn thấp hơn mức cao nhất vào ngày 12-6. Đến cuối năm 2015, chỉ số SSE tăng 12,6%. Vào tháng 1-2016, TTCK Trung Quốc trải qua một đợt bán tháo mạnh và giao dịch đã bị dừng lại vào ngày 4 và 7-1-2016 sau khi thị trường giảm 7%, thị trường mở cửa trở lại sau 30 phút. Sau đợt hỗn loạn cuối cùng này, tính đến tháng 1-2017, chỉ số Thượng Hải SSE đã ổn định quanh mức 3.000 điểm, thấp hơn 50% so với trước khi bong bóng xuất hiện. Cuộc khủng hoảng TTCK Trung Quốc đã tác động mạnh đến TTCK toàn cầu trong năm 2015-2016.
(Còn tiếp)

Các tin khác