Kinh tế Mỹ 2019 sẽ ra sao? - Kỳ 2: Ngổn ngang thách thức

(ĐTTCO) - Năm 2018, kinh tế Mỹ “lột xác” ngoạn mục với những thành tựu nổi bật, như tăng trưởng ổn định, tỷ lệ thất nghiệp đạt mức thấp nhất trong gần 50 năm qua, bình quân thu nhập đầu người (GDP) tăng 3,5% trong quý III, tạo thêm nhiều việc làm, tiền lương người lao động tăng và thị trường chứng khoán (TTCK) cũng tăng trong bối cảnh lợi nhuận của các công ty tăng vọt.
 Tuy nhiên, để 2019 tiếp tục thành công phụ thuộc nhiều vào khả năng giải quyết tốt vấn đề thâm hụt ngân sách của chính phủ. 
Thâm hụt ngân sách tăng kỷ lục
Các nhà lãnh đạo tài chính Mỹ cho biết kinh tế Mỹ thành công hay không trong 2019 phụ thuộc vào thị trường tài chính trong nước và khả năng giải quyết tốt vấn đề thâm hụt ngân sách đang khiến chính phủ đóng cửa một phần. Tháng 12-2017, Mỹ đã thông qua cải cách thuế lớn nhất trong 3 thập niên, trong đó thuế thu nhập đối với các công ty giảm mạnh từ 35% xuống 21%. Nhờ tác dụng của chương trình cắt giảm thuế quy mô lớn này đã giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh năm 2018. 
Tuy nhiên, thành tích đó cũng chỉ giúp đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump duy trì kiểm soát Thượng viện. Chính vì vậy, Tổng thống Trump sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều trong cuộc tái tranh cử vào Nhà Trắng năm 2020. Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy thâm hụt ngân sách của Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 204,9 tỷ USD trong tháng 11-2018 do giảm thuế và tăng chi tiêu công. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cảnh báo thâm hụt ngân sách ngày càng tăng sẽ khiến nợ công của Mỹ tăng mạnh trong 30 năm tới nếu luật hiện hành không thay đổi. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ lại phát sinh vấn đề khó về xuất khẩu nông phẩm khiến chính quyền Trump phải đưa ra chương trình hỗ trợ nông dân trị giá 12 tỷ USD. 
Vấn đề chi tiêu ngân sách liên bang cũng gây ra mâu thuẫn giữa chính phủ và quốc hội. Việc gia tăng chi phí quốc phòng để đối phó với Nga, Trung Quốc, IS, hay xây tường ở biên giới Mỹ-Mexico đang gây chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ. Bên cạnh đó, việc các nhà đầu tư dành nhiều sự quan tâm với trái phiếu chính phủ, tình trạng thiếu cân đối tín dụng hay thừa tiền mặt, là những điều có thể tác động tiêu cực tới TTCK Mỹ nói chung.
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo nền kinh tế Mỹ sẽ bắt đầu “hụt hơi” từ giữa năm 2019 và có thể rơi vào suy thoái trong năm 2020, thời điểm Mỹ tiến hành cuộc bầu cử tổng thống, tức sẽ bất lợi cho Tổng thống Trump. Các nhà phân tích cho rằng kinh tế thường đóng vai trò quan trọng trong các cuộc bầu cử ở Mỹ. Tăng trưởng kinh tế Mỹ đã đạt đỉnh trong quý II-2018 nhờ hưởng lợi từ các đợt giảm thuế, nhưng việc giảm thuế để kích thích kinh tế Mỹ sẽ không thể thực hiện được mãi. Đây cũng là một trong những lý do giải thích tại sao TTCK Mỹ đi xuống trong thời gian gần đây, khi nhà đầu tư đổ xô sang trái phiếu chính phủ Mỹ. 
Kinh tế Mỹ 2019 sẽ ra sao? - Kỳ 2: Ngổn ngang thách thức ảnh 1 Thị trường chứng khoán Mỹ  NYSE. 
Nhận định bi quan…
Tuần cuối tháng 12-2018, nhiều ngân hàng lớn của Mỹ đã công bố dự báo kinh tế năm tới. 2 nhà băng hàng đầu là Goldman Sachs và JPMorgan Chase đều cho rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm còn dưới 2% trong nửa sau của năm 2019. Các chuyên gia kinh tế của 2 ngân hàng này cũng nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ có 4 lần nâng lãi suất trong năm 2019. Nhiều nhà dự báo cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đuối sức trong năm 2019, thậm chí có thể rơi vào tình trạng suy thoái trong năm 2020.
Có nhiều nhân tố được cho sẽ khiến kinh tế Mỹ giảm tốc trong năm tới, nhưng được nói tới nhiều nhất là việc Mỹ nâng lãi suất và ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nếu cuộc chiến này tiếp diễn sẽ khiến kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong năm 2019. "Mọi chuyện sẽ tùy thuộc vào FED. Nếu họ tiếp tục hướng tăng lãi suất như hiện nay, sẽ có suy thoái" - chuyên gia kinh tế Joseph LaVorgna của Natixis nhận định. Vị chuyên gia này dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,5% trong năm 2019, trong đó tốc độ của 6 tháng cuối năm sẽ giảm so với đầu năm.
Xu thế bi quan cho rằng, TTCK Mỹ hiện đã rơi vào trạng thái giảm điểm so với thời điểm đầu năm. Tính từ tháng 9, chỉ số S&P 500 đã giảm 9%. Hơn 40% số cổ phiếu trong S&P 500 đã giảm ít nhất 20% từ mức đỉnh gần nhất. "Những gì đang diễn ra trên TTCK cho thấy nỗi lo suy thoái đang tăng lên. Mọi yếu tố đều cho thấy sự giảm tốc trong năm tới. Lãi suất vay thế chấp nhà tăng lên cản trở hoạt động xây dựng. Số đơn đặt hàng mua thiết bị của các doanh nghiệp chững lại. Người tiêu dùng không còn nhiều tiền giảm thuế để tiêu” - ông James Paulsen, chiến lược gia trưởng thuộc Leuthold Group, nhận định.
Nếu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bi quan về những diễn biến của căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington sẽ gây những tổn thất nặng nề tới tăng trưởng của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đe dọa tới nhiều nền kinh tế khác, thì Tập đoàn Citigroup cho rằng đồng USD sẽ suy yếu vào năm 2019, khi tác động từ gói cải cách thuế doanh nghiệp của chính quyền Mỹ suy yếu và lãi suất cơ bản tiếp tục tăng, gây ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế nước này. Theo đó, đồng bạc xanh sẽ giảm giá khoảng 2% so với nhóm 10 đồng tiền chủ chốt khác trong 6-12 tháng nữa. 
Còn báo cáo của Citigroup tương tự quan điểm của các ngân hàng đầu tư lớn khác như Morgan Stanley và Goldman Sachs. Theo ngân hàng Morgan Stanley, sự tăng giá của đồng USD đã đi đến hồi kết và giờ là lúc bán ra đồng tiền này. Các chuyên gia cho rằng có rất nhiều nguyên nhân cản trở sự phát triển nền kinh tế Mỹ, như chi phí vay mượn cao, đồng USD mạnh, nền kinh tế toàn cầu suy yếu, cuộc chiến thuế quan leo thang và những chương trình kích thích tài chính như cắt giảm thuế không còn phát huy tác dụng thúc đẩy sự bùng nổ trong đầu tư kinh doanh. Giá vàng thỏi có thể tăng từ mức trung bình 1.285USD/ounce của năm 2018 lên 1.350USD/ounce vào năm 2019.

… và những dự báo lạc quan
Trái với những dự báo không mấy khả quan trên, báo cáo công bố cuối năm của Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM), cho rằng các doanh nghiệp dự báo tình hình hoạt động sản xuất và kinh doanh lạc quan hiện nay sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2019 với giá trị tài sản gia tăng, lợi nhuận biên cao hơn, đầu tư và tuyển dụng lao động tiếp tục gia tăng. Phe lạc quan cho rằng, suy thoái được cho khó xảy ra với kinh tế Mỹ trước năm 2020.
Phe này dẫn chứng trong 11 quý vừa qua, kinh tế Mỹ tăng trưởng quanh ngưỡng 2%, với ngoại lệ tăng 4,2% trong quý II-2018. Nhìn chung cả năm 2018, tăng trưởng Mỹ đạt 2,9%, mặc dù sự phát triển này chủ yếu do chính sách tài khóa dưới hình thức giảm thuế và tăng chi tiêu. Tác động của biện pháp này vẫn duy trì đến năm 2019. Bài viết trên tờ Washington Post cho biết hơn 30% chuyên gia kinh tế hàng đầu được hỏi dự đoán kinh tế Mỹ có lẽ chỉ bắt đầu suy thoái vào năm 2020. “Tôi cho rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm 2019, nếu chúng ta có mức tăng 3% trong quý IV" - chuyên gia kinh tế nổi tiếng Chris Rupkey của MUFG Union Bank, nhận xét. 
Phe lạc quan nhận định trong năm 2019, nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng 3,2%. Tăng trưởng ngắn hạn duy trì ở mức khá mạnh do tác dụng kích cầu của chính phủ và chỉ số niềm tin doanh nghiệp và niềm tin tiêu dùng khá cao. Trước đó, các chuyên gia kinh tế của tổ chức nghiên cứu độc lập The Conference Board, cho rằng chỉ số tăng trưởng năng suất lao động của Mỹ sẽ đạt được mức cao hơn năm 2018.
 Chúng tôi dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ 2019 trên 2% một chút, khoảng 2,25%. Mức tăng không mạnh, nhưng vẫn sẽ giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp. Về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, giới doanh nghiệp và các nhà đầu tư Phố Wall mong muốn chính quyền đưa ra một giải pháp nhanh chóng cho cuộc chiến, và một dự luật về cơ sở hạ tầng nhằm thu hút thêm nguồn vốn để thúc đẩy nền kinh tế vào cuối năm, đồng thời hy vọng về những lực đẩy cho nền kinh tế trong năm 2019. 
Diane Swonk, Kinh tế trưởng thuộc Grant Thornton 

Các tin khác