Kinh doanh hàng quốc cấm (K5): Thuốc giết người

Thuốc lẽ ra để cứu người, nhưng có những loại thuốc đã gây ra hàng triệu cái chết mỗi năm. Đó là các loại thuốc giả hoặc thuốc dưới chuẩn, không đủ định lượng, quá đát...

Thuốc lẽ ra để cứu người, nhưng có những loại thuốc đã gây ra hàng triệu cái chết mỗi năm. Đó là các loại thuốc giả hoặc thuốc dưới chuẩn, không đủ định lượng, quá đát...

Doanh thu "khủng"

Việc sản xuất và kinh doanh thuốc giả ước tính mang về 90 tỷ USD vào năm 2012, và tăng trưởng bình quân 20%/năm trong các năm tới. "1.000 USD tiền vốn sản xuất thuốc giả có thể thu lợi nhuận lên đến 500.000 USD" - Phó Giám đốc Công ty Pfizer (công ty sản xuất thuốc Viagra) John Clark cho biết.

Một phúc trình của Liên Hiệp quốc năm 2009 phát hiện việc buôn bán 45 triệu liều thuốc chống sốt rét giả đã mang về cho những kẻ kinh doanh phi pháp 438 triệu USD, cao hơn cả GDP hàng năm của Guinea-Bissau.

Bệnh nhi sốt rét trong một bệnh viện ở Tanzania. Ước tính mỗi năm có 700.000 người chết vì uống nhầm thuốc chống sốt rét và trị lao giả.

Bệnh nhi sốt rét trong một bệnh viện ở Tanzania. Ước tính mỗi năm
có 700.000 người chết vì uống nhầm thuốc chống sốt rét và trị lao giả.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại một số nước, tỷ lệ thuốc giả chiếm tới 70% lượng thuốc lưu hành trên thị trường. Theo một nghiên cứu năm 2008 của Lực lượng Chống làm giả các sản phẩm y tế quốc tế (IMPAC - thuộc WHO), bị làm giả nhiều nhất là các loại thuốc sinh dục - tiết niệu (37%), tiếp theo là chống nhiễm trùng/lây nhiễm (12%) và các loại thuốc hệ thần kinh (12%).

Một phúc trình khác cho biết thuốc giả ở Kenya chiếm tới 40% tổng số thuốc được bán ra trên thị trường mỗi năm, tương đương 130 triệu USD. Tại một số vùng ở châu Á và Mỹ Latinh, tỷ lệ này là 30%. Tại Việt Nam, theo Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, năm 2011, trong số hơn 31.000 mẫu thuốc được kiểm tra có hơn 1.000 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng như nhiễm khuẩn, không đủ độ hòa tan, không đủ định lượng.

Ấn Độ, Ai Cập, Trung Quốc, Pakistan được cho là những "công xưởng" thuốc giả của thế giới. Trong đó, Ấn Độ là nước sản xuất thuốc giả lớn nhất. Một phúc trình của OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) tháng 11-2007 cho biết có tới 75% lượng thuốc giả cung ứng trên toàn cầu có nguồn gốc từ Ấn Độ.

Tiếp theo đó là Ai Cập và Trung Quốc, với tỷ lệ lần lượt 7% và 6%. Có nhiều ước tính khác nhau về lượng thuốc giả sản xuất tại Ấn Độ. Chính phủ nước này cho rằng thuốc giả chỉ chiếm 0,4% tổng lượng thuốc sản xuất ở nước này, còn thuốc dưới tiêu chuẩn chiếm khoảng 8%. Tuy nhiên, con số mà các tổ chức độc lập đưa ra cho tỷ lệ thuốc giả, thuốc dưới chuẩn ở Ấn Độ là từ 12-25%.

Tại Trung Quốc, Tân Hoa xã cho biết trong năm 2011, các cơ quan chức năng đã điều tra và phá hơn 14.000 vụ sản xuất và kinh doanh dược phẩm giả với tổng giá trị lên tới hơn 16 tỷ NDT (2,5 tỷ USD) và bắt giữ 20.000 đối tượng liên quan.

Tội ác chống lại loài người

Thuốc giả là thủ phạm dẫn đến cái chết của khoảng 1 triệu người mỗi năm trên thế giới, theo ước tính của WHO. Ước tính khác của International Policy Network (IPN) cho biết mỗi năm khoảng 700.000 người chết vì uống nhầm thuốc giả trị lao và sốt rét, con số này tương đương có 4 chiếc máy bay hành khách chở đầy người bị nổ tung mỗi ngày.

"Kinh doanh thuốc giả là một hành động còn hơn cả tội ác. Đó là tội giết người, và những người sản xuất kinh doanh thuốc giả đơn giản là những tên sát nhân" - GS. Pierre Ambroise-Thomas, chuyên gia về sốt rét và các loại bệnh ký sinh nhiệt đới của WHO. Thuốc giả còn có một hậu quả khó lường là khiến người sử dụng bị lờn thuốc, làm việc chữa bệnh càng thêm khó khăn hơn.

Hầu hết các loại thuốc giả không chứa hoạt chất, và vì vậy không có tác dụng chữa trị cho bệnh nhân. Trong khi đó, nó có thể chứa những chất có thể gây những biến chứng không lường trước được. Vì vậy, có ý kiến cho rằng nên xếp hoạt động kinh doanh thuốc giả vào "tội ác chống lại loài người".

Thuốc giả bán được nhiều bao nhiêu, thuốc thật sẽ được tiêu thụ ít đi bấy nhiêu, gây thiệt hại cho những công ty và nhà kinh doanh hợp pháp. Ước tính thuốc giả đã khiến ngành công nghiệp dược phẩm hợp pháp ở Nigeria giảm 1/3 công suất hoạt động; bệnh sốt rét khiến các nước châu Phi thiệt hại 12 tỷ USD mỗi năm; trong khi những cái chết liên quan đến bệnh lao gây thiệt hại khoảng 50 tỷ USD/năm ở khu vực Hạ Sahara.

Hàng giả nói chung và thuốc giả nói riêng còn khiến các chính phủ thiệt hại hàng tỷ USD doanh thu thuế mỗi năm. Cộng đồng Đông Phi (Burundi, Kenya, Rwanda, Uganda và Tanzania) cho biết thiệt hại thuế hàng năm ở những nước này lên đến 500 triệu USD vì hàng giả.

Trong đó, Tanzania thất thu khoảng 370 triệu USD tiền thuế mỗi năm. Thiệt hại tài chính do thuốc giả gây ra tại châu Âu ước tính 1,8 tỷ USD/năm, theo Liên minh An toàn dược phẩm online (ASOP) của châu Âu.

Phân tích của OECD chỉ ra rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các nước Đức, Nhật Bản và Hoa Kỳ cao hơn nhiều so với những nền kinh tế có nỗ lực chống hàng giả thấp hơn, các công ty đa quốc gia cũng ít muốn đầu tư vào những nước nơi các sản phẩm của họ nhiều khả năng bị làm giả. Tại Kenya, các nhà đầu tư hợp pháp cho biết họ thiệt hại khoảng 390 triệu USD mỗi năm vì hàng giả và ăn cắp bản quyền. 

Các tin khác