Kinh doanh hàng quốc cấm (K4): Buôn lậu vũ khí

Buôn lậu vũ khí là một nghề gieo rắc chết chóc vì giúp những phần tử tội phạm và các lực lượng không chính quy nắm trong tay những công cụ giết người hiện đại. Theo các tổ chức phản đối lưu hành vũ khí, cứ mỗi một phút trên thế giới lại có một người chết vì bạo lực súng đạn.

Buôn lậu vũ khí là một nghề gieo rắc chết chóc vì giúp những phần tử tội phạm và các lực lượng không chính quy nắm trong tay những công cụ giết người hiện đại. Theo các tổ chức phản đối lưu hành vũ khí, cứ mỗi một phút trên thế giới lại có một người chết vì bạo lực súng đạn.

Con đường súng lậu

Khách hàng chính của bọn buôn lậu vũ khí thường là các thành phần phiến quân ở những nước có nội chiến, kế đó là các tổ chức tội phạm và khủng bố, sau đó là một số cá nhân cá biệt.

Theo Trung tâm Tiến bộ Hoa Kỳ (CAP), có tới 2/3 trong tổng số 875 triệu vũ khí nhỏ hoặc hạng nhẹ (SALW) đang lưu hành trên thế giới nằm trong tay của các lực lượng phi chức năng, có thể là các nhóm khủng bố, tội phạm hoặc phiến quân. Có 7 con đường chính để vũ khí rơi vào tay một người buôn lậu.

Cách đầu tiên và trực tiếp nhất là vận chuyển các loại vũ khí được sản xuất hợp pháp tới các nước bị cấm mua vũ khí. LHQ đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm lệnh cấm vận vũ khí ở Angola và Liberia.

Tại những nước nơi mức lương công chức bèo bọt, dễ xảy ra tình trạng các quan chức kiếm thêm bằng cách chạy giấy phép xuất khẩu cho những mạng lưới không hợp quy hoặc phi pháp.

Thứ hai, an ninh thấp và quản lý kém tại các kho vũ khí của chính phủ có thể khiến vũ khí trong kho của chính phủ chảy vào tay các đầu nậu buôn lậu hoặc những tổ chức tội phạm, khủng bố hoặc phản động.

Thứ 3, kho vũ khí quốc gia có thể bị trộm cướp vào những giai đoạn bất ổn. Thí dụ, năm 1997, khoảng nửa triệu món vũ khí của chính phủ Albania đã bị trộm.

Thứ 4, đơn giản là vũ khí của chính phủ hoặc quân đội bị mất. Ước tính có tới 1 triệu SALW bị đánh cắp hay mất mỗi năm trên thế giới, đa số xuất hiện trở lại trên thị trường chợ đen.

Thứ 5, quân nhân có thể bán vũ khí để kiếm tiền, đặc biệt ở những nơi lương của quân nhân rẻ mạt hoặc không có lương.

Thứ 6, vũ khí bị lấy trộm từ những cá nhân sở hữu vũ khí hợp pháp hoặc phi pháp.

Thứ 7, lợi dụng những kẽ hở trong quản lý mua bán vũ khí, một cá nhân có thể mua không giới hạn vũ khí và mang sang nước khác để bán. Tình trạng này diễn ra phổ biến giữa Hoa Kỳ, Mexico, và Canada.

Hoa Kỳ là một trong những nước "xuất khẩu" vũ khí phi pháp lớn nhất thế giới, do đây là nước sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới và cũng là nước nơi cá nhân sở hữu súng nhiều nhất (88/100 người có súng).

Theo một nghiên cứu mới công bố của Đại học San Diego, khoảng 250.000 khẩu súng bị buôn lậu mỗi năm từ Hoa Kỳ sang Mexico, trong giai đoạn 2010-2012. Nghiên cứu cũng cho biết có tới 47% các cửa hiệu súng ở Hoa Kỳ sống được nhờ nhu cầu từ Mexico. Những bang đứng đầu trong việc cung cấp vũ khí cho bọn tội phạm ở Hoa Kỳ theo thứ từ gồm Georgia, Florida, Texas, Virginia, California...

Ngoài Mexico, vũ khí còn được buôn lậu từ Hoa Kỳ đến nhiều nơi khác, trong đó có Canada và Guatemala. Một nghiên cứu cho biết trong năm 2011, có tới 1,6 triệu món vũ khí được buôn lậu vào Guatemala, trong đó 40% đến từ Hoa Kỳ.

Khi vũ khí lậu đến tay các thành phần phiến quân, nó sẽ khiến xung đột/nội chiến tại nơi đó trở nên khốc liệt hơn. Trong khi đó, vũ khí lậu sẽ khiến bọn tội phạm và các tổ chức khủng bố trở nên nguy hiểm hơn.

Thí dụ, tại Ấn Độ, ước tính của cảnh sát ở thành phố Allahabad cho biết có trên 85% ca tội phạm nghiêm trọng ở thành phố có liên quan đến vũ khí lậu. Thậm chí, ở thành phố này số vũ khí lậu còn nhiều hơn vũ khí hợp pháp, với tỷ lệ 1 khẩu súng hợp pháp có tới 12 khẩu phi pháp. Từ 2009-2012, cơ quan chức năng đã bắt giữ hơn 1.200 khẩu katas (một loại súng lậu) ở Allahabad.

Những lái buôn tử thần

Nhưng những kẻ buôn lậu vũ khí là ai và chúng hoạt động như thế nào? Trong thời chiến tranh lạnh, các chính phủ sử dụng các tay môi giới để tiến hành những thương vụ vũ khí bí mật. Tuy nhiên, những tay môi giới vũ khí này vẫn không thất nghiệp sau khi chiến tranh lạnh kết thúc.

Trái lại, những mạng lưới họ đã thiết lập vẫn ngày càng phát triển và đã trở nên toàn cầu hóa. Cùng với sự phát triển của các ngành vận tải, mạng lưới buôn lậu vũ khí cũng có vô số cách thức để tiến hành vận chuyển vũ khí lậu.

Các chuyên gia phát hiện những vụ sáp nhập xuyên biên giới của các hãng hàng không, các liên minh thị trường, cho thuê, nhượng quyền thương mại của các đội tàu, thuyền viên và công ty… đều có thể được sử dụng để che dấu con đường phân phối vũ khí lậu một cách tinh vi.

Vũ khí lậu làm trầm trọng hơn các xung đột.

Vũ khí lậu làm trầm trọng hơn các xung đột.

Sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua Viktor Bout khi nói về buôn lậu vũ khí. Bout nổi tiếng đến mức đã có một bộ phim của Hollywood xây dựng cảm hứng từ cuộc đời của ông, phim Lord of War năm 2005.

Theo tạp chí Foreign Policy, sau khi Liên Xô sụp đổ, Bout móc nối vũ khí từ các nhà máy và kho vũ khí ở Nga, Ukraine, rồi cung cấp cho tất cả ai có nhu cầu và có tiền, không hề phân biệt quốc gia, chủng tộc, giai cấp hay tư tưởng chính trị.

Trong những "mối quen" của Bout có các nhóm phiến quân ở châu Phi như UNITA ở Angola, RUF ở Sierra-Leone hay các phiến quân người Hutu ở CH Congo, cũng như các tổ chức khủng bố trên toàn thế giới, trong đó có Taliban và al-Qaeda. Chính vì cung cấp công cụ giết người vô tội vạ, Bout bị gắn biệt danh "lái buôn thần chết". Năm 2008, Bout bị bắt ở Thái Lan, sau đó bị dẫn độ sang Hoa Kỳ và bị kết án 25 tù vào năm 2012.

Các tin khác