Kinh doanh hàng quốc cấm (K3): Ngành công nghiệp vấy máu

Hoạt động mua bán động vật hoang dã (ĐVHD) khiến các loài động vật quý hiếm ngày càng tiến gần tới nguy cơ tuyệt chủng. Không chỉ giết thú, bàn tay của những tên buôn lậu ĐVHD còn nhuốm đầy máu người. Theo Quỹ quốc tế về động vật (IFAW), có hơn 100 cán bộ kiểm lâm ở châu Phi bị những kẻ săn trộm giết chết trong năm 2011.

Hoạt động mua bán động vật hoang dã (ĐVHD) khiến các loài động vật quý hiếm ngày càng tiến gần tới nguy cơ tuyệt chủng. Không chỉ giết thú, bàn tay của những tên buôn lậu ĐVHD còn nhuốm đầy máu người. Theo Quỹ quốc tế về động vật (IFAW), có hơn 100 cán bộ kiểm lâm ở châu Phi bị những kẻ săn trộm giết chết trong năm 2011.

> Kinh doanh hàng quốc cấm (K2): “Chợ đen” tranh nghệ thuật

> Kinh doanh hàng quốc cấm (K1): Chảy máu cổ vật

Siêu lợi nhuận

Buôn lậu ĐVHD là một ngành công nghiệp khổng lồ phục vụ nhu cầu đa dạng của những nhà sưu tập động vật quý hiếm, những nhà sản xuất đồ trang sức và quần áo, cộng với sự thèm khát các bộ phận ĐVHD để làm "thần dược" theo quan niệm y học cổ truyền Trung Quốc.

"Người ta tin rằng sừng tê giác có thể chữa bệnh ung thư. Hay một số bộ phận của ĐVHD giúp tăng cường khả năng của đàn ông" - Linda Arroyo, trưởng nhóm chống tội phạm môi trường của cảnh sát Thụy Điển, nói về niềm tin hoang đường trong Trung y.

Theo ước tính của Quỹ Bảo vệ ĐVHD (WWF), nạn buôn lậu ĐVHD khiến 20.000 cá thể voi và gần 500 cá thể tê giác bị giết mỗi năm; cọp giảm từ 100.000 vào đầu thế kỷ 20 xuống chỉ còn 4.000 cá thể vào năm 2011; trong vòng 40 năm, 12 loài động vật quý hiếm đã bị biến mất hoàn toàn ở Việt Nam...

Bình luận về hoạt động mua bán ĐVHD trái phép, Robert Hormats, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nói: "Nếu không có nhu cầu từ Trung Quốc, tất cả các hoạt động này có thể chấm dứt".

Quan niệm dùng ĐVHD làm thần dược của Trung y đã lan truyền khắp thế giới. Xương, bàn chân cùng dương vật của hổ và báo được sử dụng như thần dược tình dục ở Mong La, một bang phía Bắc của Myanmar, nơi có ngành công nghiệp tình dục phát triển rầm rộ. Trên khắp thế giới, bao gồm ở Việt Nam, mật gấu được dùng để trị vô số bệnh từ bầm mắt đến bệnh trĩ, tổn thương da và sốt...

Lợi nhuận thu về từ buôn lậu ĐVHD rất lớn, năm 2012 đã đạt giá trị 18,44 tỷ USD/năm, là ngành béo bở thứ tư đối với các tổ chức tội phạm - chỉ sau ma túy, sản xuất tiền và hàng giả, buôn người. Những loài chim có màu lông sặc sỡ ở Amazon hay Đông Nam Á thường được mua với giá cao ngất ngưởng.

Năm 2008, giá vẹt Lear (chỉ còn 960 cá thể trên hành tinh) lên đến 90.000USD/con (1,87 tỷ đồng); 1kg sừng tê giác có giá khoảng 34.000USD vào năm 2009; 1 bộ da hổ có giá 20.000 bảng Anh (634,8 triệu đồng). Ở Việt Nam, 0,45kg cao hổ cốt được bán với giá 41,6 triệu đồng vào năm 2008, trong khi khăn choàng làm bằng lông linh đương Tây Tạng có giá 1.200-12.000USD/chiếc.

Con voi chui lọt... internet

Năm 2007, mạng bán hàng trực tuyến eBay tuyên bố sẽ cấm việc mua bán ngà voi xuyên biên giới. Tuy nhiên, theo phúc trình "Gõ phím sát sinh" công bố năm 2011, 63% giao dịch được phát hiện trong các cuộc điều tra mua bán ĐVHD đều diễn ra trên eBay và thường là xuyên biên giới.

Ngà voi được dân trong nghề nói tránh là "xương bò tót chạm khắc", hiện đang được rao bán trên hàng trăm trang mạng ở Anh, theo báo Guardian. Phúc trình "Gõ phím sát sinh" cho biết những con số kinh hoàng: trong 126 trang web họ theo dõi, có 7.122 mẩu quảng cáo mua bán ĐVHD, với tổng giá trị lên đến hơn 3,8 triệu USD.

Một con tê giác bị lấy sừng.

Một con tê giác bị lấy sừng.

Theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) Việt Nam, tình trạng tương tự cũng diễn ra ở nước ta. Đã có tới 35 triệu người ở Việt Nam sử dụng internet để truy cập vào các trang mua bán ĐVHD, quý hiếm.

Dự kiến, số người truy cập mạng để rao bán, quảng cáo các sản phẩm từ ĐVHD sẽ tăng lên 58 triệu người vào năm 2016. Trong khi đó, báo cáo của Hiệp hội bảo tồn ĐVHD (WCS) cho biết: "Trong số 108 loài ĐVHD xuất hiện trong buôn bán trực tuyến, có tới 24% loài được pháp luật Việt Nam bảo vệ, 24% được công ước CITES bảo vệ, 17,6% số loài bị đe dọa trên toàn cầu, tiêu biểu như voi, rùa núi vàng, khướu bạc má, cá sấu…".

Đe dọa an ninh quốc gia

Hoạt động mua bán ngà voi, xương hổ để nấu cao hay các loại "thần dược" từ ĐVHD chỉ là bề nổi. Ẩn sau hoạt động này, theo WWF, là những bất ổn chính trị và xã hội. "Sự tham gia của các tổ chức vũ trang không chỉ đe dọa động vật, thực vật hoang dã, nó còn đe dọa sự ổn định của các chính phủ và là mối họa lớn đối với an ninh quốc gia" - ông Jim Leape, Tổng giám đốc WWF, nhận định.

Các tổ chức vũ trang như LRA ở Uganda, Janjaweed ở Darfur và Al-Shabaab ở Somalia thường săn voi lấy ngà bán để mua vũ khí. Al-Shabaab thậm chí còn vượt qua biên giới Kenya để săn voi trong khu bảo tồn quốc gia Arawale.

"Chúng tôi phát hiện các nhóm phiến quân tại Chad và Sudan tiến vào miền Bắc Cameroon và giết khoảng 450 con voi rồi lấy ngà. Họ sẽ bán ngà voi để mua vũ khí và những thứ cần thiết cho cuộc chiến trên đất nước họ. Thực trạng tương tự cũng xảy ra tại Cộng hòa dân chủ Congo" - John Scanlon, Tổng thư ký CITES, nói.

Christian Glass, người phát ngôn của Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức, đồng ý với kết luận của Scanlon: "Tội ác xuyên biên giới liên quan tới động vật, thực vật hoang dã do những tổ chức có vũ khí gây nên đang phá hoại những thành công trong nỗ lực bảo tồn mà chúng ta từng đạt được trong quá khứ".

(Còn tiếp)

Các tin khác